24/12/2024

Vượt 6.000 ca nhiễm, TP.HCM ứng phó ra sao?

Vượt 6.000 ca nhiễm, TP.HCM ứng phó ra sao?

Tính từ 27.4 đến tối 4.7, TP.HCM có hơn 6.054 ca Covid-19, 12 ca tử vong, đang điều trị cho hơn 5.388 bệnh nhân dương tính. Như vậy, TP.HCM đã vượt qua số ca nhiễm ở Bắc Giang (5.768 ca, 7 ca tử vong).
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng người dân tại P.10, Q.Tân Bình /// Ảnh: Độc Lập
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng người dân tại P.10, Q.Tân Bình ẢNH: ĐỘC LẬP
Những ngày gần đây, số ca tăng cao liên tục với vài trăm ca mỗi ngày, ngày cao nhất là 724 ca (ngày 25.6), ngày cao thứ hai là 714 ca (ngày 3.7). Điều này khiến TP.HCM phải thay đổi chiến thuật chống dịch và tăng khả năng đáp ứng điều trị lên tới 10.000 ca, có thể lên 15.000 ca.

13 bệnh viện điều trị Covid-19

TP.HCM vừa triển khai 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) thu dung điều trị Covid-19. Cụ thể, chọn ký túc xá của Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) với quy mô 1.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 1; khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM với quy mô 5.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 2.
Ngày 4.7, theo Sở Y tế, BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 1 đã đi vào hoạt động và được bố trí một xe chụp X-quang phổi lưu động (X-ray DR Mobile) có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc kết quả ngay, thay vì phải bố trí một nhân sự bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để đọc kết quả. Tùy tình hình số ca mắc mới, BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 2 sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

TP.HCM không cấp giấy xác nhận âm  tính với mẫu tầm soát

Trong bối cảnh TP.HCM đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng (khoảng 5 triệu người), nhiều người dân thắc mắc đơn vị lấy mẫu có cấp giấy chứng nhận âm tính hay không.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Trung tâm y tế một số quận, huyện cho biết mục đích của lấy mẫu tầm soát trên diện rộng nhằm phát hiện các ca F0 trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch, điều trị kịp thời, chứ không phải tầm soát để cấp giấy xác nhận cho người dân làm giấy thông hành “đi đây đi đó”. Người dân cũng không nên lợi dụng việc lấy mẫu tầm soát để lấy giấy xác nhận làm “chuyện này chuyện kia”, bởi vì TP.HCM quy định giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. “Có thể hôm nay âm tính vì mật độ vi rút chưa đủ, đang trong chu kỳ ủ bệnh nên chưa phát hiện, nhưng vài ngày sau có thể dương tính. Nếu cấp giấy xác nhận, người dân chủ quan đi khắp nơi thì càng nguy hiểm hơn”, giám đốc trung tâm y tế một quận vừa hoàn tất lấy mẫu toàn dân cho biết. Nếu người dân cần giấy xác nhận thì có thể làm dịch vụ tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Hiện chỉ có giáo viên, học sinh và đội ngũ phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới mới được cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, đơn vị y tế cũng không cấp giấy xác nhận cho từng người mà cấp theo danh sách người lấy mẫu tại từng điểm để đơn vị tổ chức kỳ thi đối chiếu danh sách.
Sỹ Đông
Sở Y tế cho biết mỗi BV trong thành phố có ít nhất một xe cứu thương thường trực để kịp thời chuyển người bệnh về các BV được phân công điều trị Covid-19. Trường hợp cần xét nghiệm RT-PCR, lấy mẫu tại chỗ và gửi mẫu bệnh phẩm về các phòng xét nghiệm khẳng định. Đảm bảo các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu cho công tác sơ cấp cứu như: bình ô xy và các thiết bị thở ô xy, máy đo ô xy máu, nhiệt kế, máy đo huyết áp, các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cơ bản…
Các BV điều trị Covid-19 của TP.HCM cũng phân ra 3 nhóm (phân tầng điều trị): nhóm điều trị cho bệnh nhân nặng, nhóm dành cho bệnh nhân có triệu chứng và nhóm dành cho bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ cũng như cả F1 có triệu chứng. Theo thống kê, hiện có khoảng 80% các trường hợp bệnh nhân không triệu chứng.
Theo đó, các BV chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 2.000 giường. Các BV chuyên điều trị Covid-19 có triệu chứng với tổng công suất là 5.000 giường. Nhóm BVDC chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, với công suất huy động từ 5.000 – 10.000 giường.
Đến ngày 4.7, có 13 BV điều trị Covid-19 hiện tại ở TP.HCM với tổng quy mô hơn 10.000 giường, gồm: BVDC Củ Chi (300 giường); BV điều trị Covid-19 Củ Chi (500 giường); BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường); BV điều trị Covid-19 Bình Chánh (500 giường); BV điều trị Covid-19 Thủ Đức (1.000 giường); BV điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); BV điều trị Covid-19 Trưng Vương (1.000 giường); BV Nhi đồng TP.HCM (100 giường); BV Nhi đồng 2 (60 giường); BV Bệnh nhiệt đới (400 giường); BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức, có thể mở rộng lên 100 giường). 2 BVDC (ở khu ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.Thủ Đức) số 1 và số 2 quy mô 6.000 giường.
Trong các kế hoạch chủ động của ngành y tế TP.HCM, Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) sẽ được trưng dụng làm BVDC khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM hiện nay
còn rất nhiều BV với đầy đủ phương tiện, nhân lực trong khi số bệnh nhân nội trú còn rất ít. Do đó, chọn một trong các BV còn lại cũng là một phương án khả thi để tạm làm BV điều trị Covid-19.
Vượt 6.000 ca nhiễm, TP.HCM ứng phó ra sao ?

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Củ Chi ẢNH: SỞ Y TẾ TP.HCM

Chiến thuật mới

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trước tình hình tăng hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày, thành phố đã có một số thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch. Đáng chú ý, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Test nhanh kháng nguyên đến 200.000 mẫu/ngày…

TP.HCM bác thông tin “Lock TP.HCM trong 10 – 15 ngày”

Chiều tối 4.7, Sở TT-TT TP.HCM phát đi thông báo khẳng định thông tin “lock TP.HCM trong 10 – 15 ngày” là giả mạo. Theo Sở TT-TT, từ chiều 4.7, trên không gian mạng lan truyền chóng mặt thông tin có nội dung: “Quyết định lock TP.HCM trong 10 – 15 ngày, cho TP 36 tiếng đến 48 tiếng chuẩn bị (sẽ lock 0 giờ thứ 3 ngày 7.7 hoặc 12 giờ thứ tư 8.7…”. Tuy nhiên, theo Sở TT-TT, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định đây là thông tin giả mạo, làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị người dân cần bình tĩnh, tìm hiểu thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.Ư và TP.HCM; đồng thời cẩn trọng trước thông tin lan truyền thất thiệt trên không gian mạng, vốn gây hoang mang và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Cũng theo Sở TT-TT, hiện TP.HCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và từng bước kiểm soát dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức và người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM; tuân thủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế; hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết.

T.N

Cùng với đó, việc thực hiện xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất của các phòng xét nghiệm, nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Trên bình diện tổng thể, đến tối 4.7, phương án chống dịch của TP.HCM vẫn tiếp tục: siết chặt thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19.6 để đảm bảo an toàn giãn cách; dập các ổ dịch cũ, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhanh nhất ca nhiễm mới; điều trị tập trung ca nhiễm ở các BV điều trị Covid-19; cách ly F1 trong khu cách ly tập trung…
DUY TÍNH
TNO