24/12/2024

Chuyên gia nói về ‘chung sống với dịch’

Chuyên gia nói về ‘chung sống với dịch’

Trước tình trạng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, có ý kiến đề xuất cần phải tính đến phương án “chung sống với dịch”. Vậy cơ sở nào để có thể áp dụng giải pháp này?
Hầu hết F0 có biểu hiện lâm sàng nhẹ /// ẢNH: HUY ĐẠT
Hầu hết F0 có biểu hiện lâm sàng nhẹ ẢNH: HUY ĐẠT
Tại cuộc họp báo ngày 25.6 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện TP.HCM vẫn đang khẩn trương điều tra, truy vết, dập dịch. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo cũng cần tính đến phương án “chung sống với dịch”, theo cách cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa; còn những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.
Một số chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm, chuyên gia dịch tễ cho rằng “chung sống với dịch” ra sao cần có những giải pháp cụ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC), muốn “chung sống với dịch” thì điều kiện tiên quyết là lĩnh vực điều trị bệnh phải tốt để bảo vệ người nguy cơ mắc bệnh nặng, người có bệnh nền, nhằm giảm tử vong.
“Bệnh ở cộng đồng có thể cao, có lúc có thể thành dịch và chấp nhận con số mắc bệnh nhiều, nhưng ca nặng và tử vong, thì phải giảm thì mới sống chung với dịch được”, bác sĩ Thọ nói và giải thích thêm, bệnh nhẹ như cảm cúm thì có thể điều trị ở nhà, khi nào bệnh nặng mới chuyển đi bệnh viện (BV), nhưng đều phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. Bên cạnh đó, phải ít nhất 50% dân số TP.HCM được tiêm vắc xin, trong đó 80% người nguy cơ, người già được tiêm vắc xin, song song đó tuân thủ nghiêm ngặt 5K…
Chuyên gia nói về 'chung sống với dịch' - ảnh 1

Nhiều F0 không nhất thiết phải can thiệp y tế

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khoảng 60% người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không có triệu chứng tại thời điểm được xét nghiệm, có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân thì có khoảng 60 người có thể không phải can thiệp y tế. Họ vào BV để được theo dõi, được thực hiện các xét nghiệm, khi có kết quả âm tính sẽ ra viện.
“Do vậy, ở nước ngoài, họ cứ để những người này cách ly tại nhà. Quá trình cách ly, vẫn tự theo dõi sức khỏe với hỗ trợ từ xa của nhân viên y tế. Nếu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì vào viện. Vì có thể, các ca nhẹ, suốt cả thời gian nằm viện có thể họ chẳng phát bệnh”, ông Nga cho hay.

Hướng dẫn người dân tự xét nghiệm

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, trong tình huống dịch kéo dài, số ca mắc tiếp tục tăng cao, thời gian tới cũng nên tính phương án hướng dẫn để người dân tự xét nghiệm Covid-19. Qua đó, sẽ phát hiện sớm ca mắc, giảm gánh nặng ngân sách và nâng cao ý thức phòng dịch bệnh.
Chẳng hạn, mỗi người khi có yếu tố nguy cơ như: vừa từ sự kiện đông người, hoặc khi thấy có triệu chứng nghi ngờ, có thể tự mua bộ xét nghiệm bán tại các hiệu thuốc để làm xét nghiệm cho mình. Nếu kết quả âm tính vẫn cần tự cách ly và thực hiện 5K, xét nghiệm lại sau 7 và 14 ngày. Còn nếu kết quả dương tính, phải gọi ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn kịp thời.
“Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính và đang ở giai đoạn dễ lây nhiễm, trong tình huống chưa rõ nguồn lây. Bằng cách này, ngân sách sẽ giảm bớt được gánh nặng mà vẫn xét nghiệm được trên diện rộng. Ngay cả khi người tự xét nghiệm dương tính, nhưng giấu bệnh, thì đó cũng là “giấu bệnh có hiểu biết”. Họ sẽ chủ động phòng lây nhiễm, thay vì không được xét nghiệm, không được phát hiện”, ông Nhung chia sẻ.
“Chúng ta cần tính đến cách thức về cách ly, điều trị tại nhà các F0 không có biểu hiện bệnh. Thực hiện được sẽ tránh hệ lụy để cả hệ thống chạy theo quá tải. Vì cứ 1 ca dương tính dù không phải can thiệp điều trị, thì cả hệ thống phải vào cuộc: y tế, nhân sự chính quyền, nhân viên phục vụ…”, ông Nga nói nhưng cũng lưu ý: “Nói vậy không có nghĩa là chủ quan, mà đó là phương án cần xem xét để thực hiện, ứng phó dịch kéo dài và các ca bệnh tăng nhanh. Các ca F0 quá trình cách ly tại nhà vẫn được giám sát y tế, xét nghiệm vào các thời điểm để xác định tình trạng khỏi bệnh, như điều trị cách ly tại BV”.
Vẫn theo ông Nga, cách ly F0 tại nhà chỉ áp dụng với các ca không có triệu chứng và sẽ không đánh đồng tất cả, mà phải có tiêu chí cụ thể. Quá trình cách ly vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch, có giám sát, kèm theo đó là các điều kiện đảm bảo: có phòng cách ly riêng, không tiếp xúc với người khác, đủ điều kiện cho phép tuân thủ về phòng dịch như thu gom chất thải, vệ sinh riêng biệt… “Nếu F0 không có triệu chứng mà sợ lây lan, khó cách ly tại nhà, thì lập khu riêng cho cách ly mà không cần đưa hết vào BV”, ông Nga đề xuất.

Tránh quá tải hệ thống y tế

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Huy Nga, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư (Bộ Y tế), cho rằng: “Không nhất thiết cách ly tất cả F0 trong BV”.
Giám đốc BV Phổi T.Ư nhìn nhận trong suốt các đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực” hiệu quả. Nhưng trong nước đang ở đợt dịch thứ 4, với sự xuất hiện của các biến thể mới, tốc độ lây lan chóng mặt khi số ca mắc mới tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, dịch đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, BV, những nơi tập trung đông người… Ở giai đoạn này, thực hiện “cắt đuôi” Covid-19 như 3 giai đoạn trước là rất khó. Chúng ta phải xác định “chung sống với dịch”, có chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới. Chỉ thực sự “sống chung” được khi có vắc xin, nhưng đồng thời vẫn cần thêm các giải pháp khác như: thực hiện 5K, phương án cách ly, phong tỏa… phù hợp.
“Để giảm tải cho hệ thống BV, cần nghiên cứu thí điểm quản lý cách ly ngoài BV đối với khoảng 84% F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, là những người không nhất thiết phải chăm sóc y tế, có thể tự khỏi, như cách ly F1 tại nhà vừa qua thí điểm. Quá trình cách ly họ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Khi cần vào viện là có xe chuyên dụng đến đưa đi kịp thời. Chỉ các trường hợp F0 thực sự cần điều trị y tế, hoặc không có đủ điều kiện cách ly ngoài BV mới cần thực hiện các biện pháp như hiện nay”, ông Nhung nêu quan điểm và cho biết thêm: “Khi các F0 được cách ly tại nhà, nhân lực và hệ thống y tế sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để điều trị các bệnh nhân khác. Với nhiều bệnh khác cũng rất nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được nhập viện hoặc không có đủ thiết bị điều trị, đặc biệt là máy thở, chứ không chỉ là các bệnh nhân Covid-19”.
Ngoài F0 không triệu chứng, ông Nhung cũng đề xuất thêm với các F1 có thể triển khai nhiều hình thức cách ly tại nhà, khách sạn để giảm nguy cơ lây chéo trong khu tập trung đang quá tải. “Tất nhiên việc này phải được thực hiện trong điều kiện an toàn. Chúng ta cần sớm có chủ trương cho việc này, vì cũng cần thời gian chuẩn bị, có các hướng dẫn, quy định cụ thể”, ông Nhung nói.

Vắc xin + 5K vẫn rất quan trọng

Cẩn trọng hơn khi đề cập cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay dịch Covid-19 được nhận định là còn lâu dài, có thể tồn tại tương tự như cúm đại dịch. Tuy nhiên, với dịch cúm, vi rút biến đổi theo chiều hướng nhẹ hơn, trong khi đó SARS-CoV-2 biến đổi theo chiều hướng lây lan mạnh hơn, thậm chí về độc lực còn chưa thể đánh giá hết, có thể gây bệnh cảnh nặng. Do đó, để kiểm soát dịch và ứng phó lâu dài, có thể xem xét trước về thực hiện cách ly F1 tại nhà và cũng cần lựa chọn các F1 ít nguy cơ, đủ điều kiện đảm bảo sự riêng biệt, không tiếp xúc, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ làm lây lan. Với F0, ông Phu cho rằng: “Hiện sẽ chưa bàn đến, vì trước mắt, cần có phương án tối ưu và thực hiện cách ly F1 tại nhà an toàn”.
Theo ông Phu, chỉ thực sự “chung sống” với dịch được khi độ bao phủ vắc xin đủ miễn dịch cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần chủ động phòng chống dịch cho cá nhân theo khuyến cáo như thực hiện nghiêm 5K, đó cũng là phòng chống dịch cho cộng đồng.
LIÊN CHÂU – DUY TÍNH
TNO