23/12/2024

Nhiều F0 không triệu chứng: Cần tăng tốc xét nghiệm diện rộng ở nơi nguy cơ cao

Nhiều F0 không triệu chứng: Cần tăng tốc xét nghiệm diện rộng ở nơi nguy cơ cao

Hiện nay, không chỉ ở TP.HCM mà một số địa phương cũng có nhiều ca mắc COVID-19 (F0) không có triệu chứng, gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh.

 

Nhiều F0 không triệu chứng: Cần tăng tốc xét nghiệm diện rộng ở nơi nguy cơ cao - Ảnh 1.

Có đến 20/81 nhân viên một công ty ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM mắc COVID-19 không có triệu chứng – Ảnh: NHẬT THỊNH

Chính vì những ca “bệnh như không bệnh” này mà nguy cơ lây lan dịch bệnh càng nhiều và càng dễ, do người bệnh vẫn đi lại, làm việc, tiếp xúc như bình thường.

“Chu kỳ lây lan dịch ngắn, chỉ khoảng 2 ngày/vòng lây, trong khi trước đây là 4-5 ngày” – ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chia sẻ.

TP.HCM: 2/3 bệnh nhân không có triệu chứng

Theo thống kê đến chiều 30-6 của Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong số gần 6.500 bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế, có trên 40% không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào, hoàn toàn như người bình thường.

Các trường hợp khác có biểu hiện lâm sàng từ nhẹ đến nặng và rất nặng, trong đó có trên 53% (trong số gần 6.500 bệnh nhân) là bệnh nhẹ, với các biểu hiện như đau đầu, đau cơ, sốt nhẹ…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, người đã tham gia chống dịch COVID-19 từ những ca bệnh đầu tiên, cho biết so với thời gian đầu của dịch, khi có đến 70-80% bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào thì tỉ lệ trên 40% hiện nay có thấp hơn, nhưng con số này vẫn cho thấy có đến gần một nửa số bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh, không thể phát hiện nếu không có xét nghiệm.

So với toàn quốc, TP.HCM có số ca mắc nhưng không có triệu chứng nhiều hơn. Cụ thể, trong buổi làm việc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch COVID-19 mới đây, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết có khoảng 68% ca mắc COVID-19 đều không có triệu chứng khiến công tác khoanh vùng, xét nghiệm rất khó khăn.

Nhiều F0 không triệu chứng: Cần tăng tốc xét nghiệm diện rộng ở nơi nguy cơ cao - Ảnh 2.

Nhân viên Công ty Nidec Sankyo trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) được lấy mẫu xét nghiệm tại công ty (ảnh chụp chiều 30-6) – Ảnh: N.THỊNH

Tăng tốc xét nghiệm, trả kết quả sớm

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 30-6, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về chuyên khoa nhiễm – thần kinh ở TP.HCM cho biết để “nhận diện” F0 không có triệu chứng, việc cần làm là truy tìm F0 bằng cách xét nghiệm trên diện rộng toàn TP và phải thực hiện một cách đồng loạt ở những nơi có nguy cơ cao và rất cao. Đặc biệt cần phải có kết quả sớm đối với các nhóm này.

“Những vùng có nguy cơ rất cao, tốt nhất có kết quả xét nghiệm trong vòng 30 phút bằng cách sử dụng phương pháp test nhanh. Những vùng nguy cơ thấp có thể có kết quả chậm hơn” – vị này nói.

Theo vị này, tỉ lệ khoảng 68% các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng tại TP.HCM không quá đáng lo ngại nếu ngành y tế nhanh chóng khoanh vùng, truy vết kịp thời. “Chính vì tỉ lệ người mắc COVID-19 không triệu chứng cao đòi hỏi chúng ta phải truy vết thật nhanh và nhiều nơi, chứ không phải chờ người bệnh có triệu chứng đến bệnh viện rồi mới phát hiện. Lúc này mầm bệnh đã có thể lây lan nhiều nơi” – vị này chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Trần Đắc Phu, chủng Delta phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và hiện đang chiếm tỉ lệ lớn trong số bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam lây lan nhanh. Với chủng virus này, lần đầu tiên chúng ta ghi nhận nhiều ca mắc do cùng đến quán karaoke, cùng đi máy bay…

Nếu không có biện pháp sàng lọc hiệu quả, sẽ rất dễ lây lan từ F0 không có biểu hiện bệnh. Trong báo cáo dịch của Bộ Y tế những ngày gần đây, hầu như ngày nào cũng có ca bệnh đang điều tra dịch tễ, không biết nguồn lây từ đâu, có thể cũng bắt nguồn từ các F0 đã dương tính nhưng không có biểu hiện lâm sàng.

Theo ông Phu, khi không tìm thấy nguồn lây đầu tiên thì coi các bệnh nhân ghi nhận được là F0, thực hiện truy vết tìm các ca liên quan (F1, F2…) rồi xét nghiệm để phát hiện bệnh nhân mới.

Bên cạnh đó, nên xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm diện rộng có chỉ định và theo điều tra dịch tễ (xét nghiệm địa bàn có nguy cơ như bệnh viện, chợ, sân bay, khu dân cư, nhà máy… và chọn mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên), từ đó phát hiện sớm bệnh nhân nếu có, đánh giá nguy cơ dịch tại từng khu vực và có phương án chủ động.

Nhiều F0 không triệu chứng: Cần tăng tốc xét nghiệm diện rộng ở nơi nguy cơ cao - Ảnh 3.

Sau nhiều ngày phát phiếu đi chợ, chợ Bình Thới, quận 11, TP.HCM cũng phải đóng cửa tạm ngưng hoạt động sáng 30-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 30-6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – có văn bản gửi đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện; các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện… về việc cử nhân sự tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, một đợt tổ chức lấy xong 10.000 mẫu xét nghiệm trong thời gian 4 giờ cần 15 đội (30 người) lấy mẫu và 60 thanh niên tình nguyện tham gia nhập liệu, dán mã code, hỗ trợ công tác phụ trợ khác (nếu có). Nếu có sự thay đổi số lượng lớn mẫu xét nghiệm cần tăng cường từ nguồn nhân sự, dự phòng ở mỗi quận huyện, với 60.000 mẫu/ngày/quận huyện.

XUÂN MAI – LAN ANH
TTO