23/01/2025

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Không để nghiên cứu khoa học rơi vào bẫy hành chính hoá’

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Không để nghiên cứu khoa học rơi vào bẫy hành chính hoá’

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan vừa có thư gửi các nhà khoa học đang công tác trong các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành thuộc bộ.

 

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không để nghiên cứu khoa học rơi vào bẫy hành chính hóa - Ảnh 1.

Tháng 3-2021, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai – Ảnh: V.GIANG

Trong thư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết qua các chuyến thăm, ông thấy cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị… của các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo còn nhiều hạn chế, song các báo cáo về kết quả nghiên cứu và những đề tài được ứng dụng vào thực tiễn khiến ông thật sự khâm phục và tự hào.

“Vượt qua những bất cập, khó khăn khách quan, trong khi cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chưa được điều chỉnh phù hợp… Bằng tài năng và tâm huyết, bằng lòng đam mê và tình yêu nghề nghiệp, đội ngũ nhà khoa học của Bộ NN&PTNT đã có những sản phẩm nghiên cứu vừa có tính hàn lâm, chuyên sâu, vừa đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống” – ông Hoan viết.

Theo ông Hoan, ngành nông nghiệp đang cùng nhau thay đổi, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” đến tư duy “kinh tế nông nghiệp”, từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu và theo đuổi mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng thay cho mục tiêu nâng cao sản lượng.

Giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích lũy trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại…

“Giá trị gia tăng trong nông nghiệp khởi nguồn từ những câu hỏi từ cuộc sống. Đó là, làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn? Đó là, làm sao để tối ưu hóa giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích? Đó là, làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn? Trước khi tạo ra giá trị cho cuộc sống, mỗi người cần tìm ra giá trị của chính bản thân mình….” – ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Hoan, gần đây có nhiều sự kiện vinh danh các “nhà khoa học chân đất”. Những nông dân đó chắc không có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức học thuật, hàn lâm, chưa từng có dịp bước vào phòng thí nghiệm, nhưng đã đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần giải quyết đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết từ cánh đồng, thửa ruộng.

“Nhà khoa học nông nghiệp không hài lòng với những đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, mà luôn trăn trở, đau đáu về ý nghĩa, giá trị thiết thực của các đề tài, công trình nghiên cứu trong việc giải quyết những tồn tại, vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhà khoa học nông nghiệp ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn biết ơn và trân trọng từng sản phẩm nông nghiệp được tạo nên từ mồ hôi, công sức lao động của hàng chục triệu người nông dân” – ông Hoan nhấn mạnh.

Trước tình trạng “chảy máu chất xám”, không giữ chân được người tài. Ông Hoan cho rằng những nhà khoa học lựa chọn ở lại để đóng góp và cống hiến, liệu đã phát huy hết trí tuệ, kiến thức chuyên ngành, hay “chất xám”, lửa nhiệt huyết cứ thế giảm đi từng ngày, lúc vì hoàn cảnh này, khi tại điều kiện khác?

“Trong lúc chưa thể thay đổi điều kiện, hoàn cảnh, chúng ta luôn có thể thay đổi, trước nhất, từ chính bản thân mình. Đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào cái bẫy “hành chính hóa”. Đừng bắt tay vào công việc như một thói quen lặp lại. Đừng chấp bút đề tài nghiên cứu như được lập trình trước. Khoa học xuất phát từ ý tưởng, từ cảm xúc. Ý tưởng gắn liền với cảm xúc, với đam mê quan sát, tò mò, khám phá… Thế thì tại sao không tìm niềm vui trong nghiên cứu khoa học và biết cách biến hoạt động hàn lâm này thành niềm vui?” – ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Hoan, mai này cơ chế chính sách sẽ được điều chỉnh, thay đổi phù hợp khi nguồn lực dồi dào hơn. Mai này vị trí của khoa học và công nghệ thật sự là động lực phát triển. Mai này “thị trường” khoa học và công nghệ sẽ sôi động và nhộn nhịp như chính sách Nhà nước hướng tới.

Nhưng để đi đến mai này thì giờ đây, các nhà khoa học cần cùng nhau hun đúc thái độ tích cực, tìm kiếm cách thức làm việc mới, kiến tạo mô hình hoạt động hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực. Cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết, hợp tác công – tư, từng bước “thương mại hóa”, đưa đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học đến với thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nông dân, của doanh nghiệp, của toàn xã hội.

“Điều gì mới không tránh khỏi ngỡ ngàng, lúng túng ban đầu, nhưng nếu mạnh dạn bước khỏi cái cũ bám víu quá lâu, chân trời mới hứa hẹn sẽ bừng sáng….” – ông Hoan viết.

CHÍ TUỆ
TTO