23/01/2025

Đừng xem học trực tuyến là giải pháp tạm thời

Đừng xem học trực tuyến là giải pháp tạm thời

Cần cải tiến để học trực tuyến như một phương giúp học sinh có thêm kỹ năng, phương tiện tiếp cận với nhiều khoá học trên thế giới chứ không dừng lại ở việc xem nó là một phương pháp tạm thời, ứng phó vì dịch.
Học trực tuyến phát triển trong thới kỳ dịch Covid-19 /// Nguyễn Loan
Học trực tuyến phát triển trong thới kỳ dịch Covid-19 NGUYỄN LOAN
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois (Mỹ), cho rằng việc học trực tuyến diễn ra ở Việt Nam bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh ngừng học tập trung tại trường có thể sẽ kéo dài.
Hiện nay, thực tế học trực tuyến đang được nhìn nhận với hai góc độ khác nhau. Có người cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, đối phó với việc học bị gián đoạn khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh. Nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ khác, xem học trực tuyến như một giải pháp mới, chúng ta sẽ chủ động lựa chọn cách học cho con em trong thời đại mới.
“Nếu dạy học ứng phó, hầu hết các trường có gì trên trực tiếp thì chuyển qua trực tuyến; giáo án cũng không có nhiều thời gian đổi mới, bê nguyên bài học hằng ngày ở trường đưa lên mạng. Sự kết nối với học sinh không có, thậm chí giáo viên cảm thấy mất hết “quyền lực” với học sinh khi dạy trực tuyến”, bà Phương cho hay.
Tuy nhiên theo bà Phương, ở góc nhìn thứ hai, đây là cách thức học tập mới của một thế hệ mới. Học sinh bây giờ không còn bị giới hạn bởi việc đến trường, trong một lớp học thực tế nữa. Việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi… Chúng ta có thể học từ các nền tảng trực tuyến, như các nước tiên tiến vẫn áp dụng hiệu quả cho đến nay.
“Do vậy, chúng ta nên nghĩ đến việc tư duy, thiết kế thế nào để đưa ra chương trình dạy trực tuyến hiệu quả và xem việc học và dạy trực tuyến như một trải nghiệm mà chúng ta hoàn toàn chủ động tạo lập ra, giúp học sinh không chỉ có kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh mà tạo cho các em một kỹ năng để khai thác kho tàng trí thức của nhân loại”, bà Uyên Phương nhắn nhủ.
Để làm được điều này, theo bà Uyên Phương, không thể dồn hết trách nhiệm cho giáo viên mà cần sự thay đổi của cả hệ thống giáo dục, từ lãnh đạo thượng tầng trong việc định hướng và chấp nhận sự đổi mới, đến từng đơn vị giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh, học sinh.
Bà Phương nhấn mạnh: “Khi mình chuyển đổi từ phương pháp dạy trực tiếp sang trực tuyến thì nó như một cuộc di dân trong giáo dục, cần nhiều người chung tay. Giáo viên cũng cần được đào tạo những kỹ năng để có thể tương tác, dẫn dắt tốt một lớp học trực tuyến”.
NGUYỄN LOAN
TNO