23/01/2025

Phân biệt đột quỵ và ngưng tim đột ngột

Phân biệt đột quỵ và ngưng tim đột ngột

Khi cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen bỗng dưng ngã gục trên sân bóng trận Đan Mạch – Phần Lan tại Euro 2020 hôm 12.6 vừa qua, nhiều người lầm tưởng Eriksen bị đột quỵ. Giới chuyên môn sau đó xác nhận Eriksen bị chứng ngưng tim đột ngột. Và hai bệnh này không phải là một.
 /// SHUTTERSTOCK
SHUTTERSTOCK
Ông Tony Coffey, chuyên gia sơ cấp cứu người Úc với 28 năm kinh nghiệm, đồng sáng lập Survival Skills Vietnam, nêu ra những kiến thức cơ bản để phân biệt và hướng dẫn sơ cấp cứu đúng cách cho 2 trường hợp trên.

Thế nào là ngưng tim đột ngột?

Chứng ngưng tim đột ngột (Sudden Cardiac Arrest – SCA) có thể xảy ra ở bất kỳ người khỏe mạnh hoặc không có bệnh nền nào, từ trẻ em đến người lớn.
Đây là sự cố sức khỏe không thể dự đoán hay chẩn đoán trước. SCA liên quan đến điện tim, xảy ra khi hệ thống điện trong tim không thực hiện được chức năng vốn có, khiến trái tim chỉ rung thay vì co bóp để thu và bơm máu như thông thường, hoặc khiến tim co giật bất thường, không bơm máu đi được.
Khi SCA đột ngột xảy ra, sau 3 – 4 phút não sẽ bị tổn thương, và tử vong sẽ xảy ra tiếp sau vài phút nếu người đó không được sơ cấp cứu ngay lập tức và đúng cách.
Các diễn tiến của SCA xảy ra hầu như ít hoặc không có dấu hiệu gì báo trước. Người bị nạn đột ngột ngã gục xuống và rơi vào trạng thái bất tỉnh, rồi ngưng thở ngưng tim diễn ra rất nhanh.

Nhận biết đột quỵ

Trong khi đó, đột quỵ (stroke) có nguyên nhân liên quan đến mạch máu não và việc bơm máu lên não, cụ thể là tình trạng vỡ mạch máu não do huyết áp cao, dị dạng mạch máu não, do cục máu đông hoặc lượng mỡ xấu cholesterol chắn trong mạch máu làm máu không bơm lên đến não. Phần não thiếu hoặc không có máu giàu ô xy bơm lên sẽ bị chết dần, dẫn đến các dấu hiệu từ nhẹ đến nặng. Một số dấu hiệu có thể xuất hiện rồi biến mất tạm thời khi cục máu đông di chuyển sang vị trí khác.
Có thể ghi nhớ các dấu hiệu đột quỵ bằng từ tiếng Anh FAST. Trong đó, F là Face (mặt): một bên mặt bị méo, lệch so với bên kia; A là Arm (tay): một cánh tay bị tê, yếu so với bên kia, có thể nói người bệnh đưa 2 cánh tay ngang trước, tay yếu hơn thường không trụ vững quá 10 giây; S là Speech (nói): người bệnh bỗng dưng cứng lưỡi, nói lắp, nói không thành tiếng, không diễn đạt được, méo lưỡi, méo miệng; T là Time (thời gian): ngay lập tức gọi cấp cứu 115 hoặc đưa vào bệnh viện có chức năng xử lý đột quỵ, khung thời gian vàng cứu được người có 3 dấu hiệu F-A-S nói trên là 3 – 4 tiếng.
Một số trường hợp mạch máu bị vỡ hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng thì người bệnh đột ngột ngã quỵ. Nhưng khi ngã quỵ, khác với chứng SCA, họ không rơi ngay vào tình trạng bất tỉnh mà vẫn còn một số phản ứng trong quá trình chết não diễn ra, trung bình sau 8 phút bị ngưng thở ngưng tim thì tim sẽ bắt đầu chết dần. Việc chết tim theo sau chết não diễn tiến theo thời gian, nên trong giai đoạn này người bị nạn vẫn có một số phản ứng trước khi lịm dần đi và rơi vào tình trạng không phản ứng, thở bất thường rồi ngừng thở.
Nếu không được sơ cấp cứu đúng cách thì họ sẽ tử vong. Đột quỵ thường xảy ra ở người có bệnh nền như huyết áp cao, nhiều cholesterol xấu trong thành mạch, dị dạng mạch máu não, suy giãn tĩnh mạch, bệnh về tim mạch, rối loạn đông máu…

Hướng dẫn sơ cấp cứu đúng cách

Sơ cấp cứu cho người bị đột quỵ thì tùy vào diễn tiến, còn tỉnh hay bất tỉnh, bất tỉnh thì còn thở bình thường hay không? Còn tỉnh thì lập tức gọi cấp cứu 115 và đưa vào bệnh viện. Nếu bất tỉnh mà còn thở bình thường thì cho nằm nghiêng một bên để tránh bị dịch, chất nôn tràn vào đường thở, cũng như tránh trường hợp lưỡi rũ mềm chắn đường thở. Đột quỵ ở giai đoạn cuối xấu nhất là bất tỉnh, thở bất thường hoặc ngưng thở. Lúc này, cần làm hồi sinh tim phổi (Cardio-pulmonary Resuscitation – CPR). Đây cũng là bước sơ cấp cứu cho người bị ngưng tim đột ngột.
Người bị nạn ở trạng thái bất tỉnh, ngưng thở ngưng tim nếu được làm CPR càng sớm trong 4 – 8 phút đầu thì khả năng duy trì sự sống não và tim cao hơn. Nếu có máy sốc điện tim sớm thì cơ hội sống sót tăng cao.
Cách làm hồi sinh tim phổi CPR:
– Cho người bị nạn nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.
– Người sơ cấp cứu quỳ bên cạnh người bị nạn.
– 2 bàn tay lồng hoặc đặt chồng lên nhau (ảnh), để ngay chính giữa ngực, giữa 2 lá phổi, tạo lực ép đè thẳng lún xuống 1/3 bề dày lồng ngực người bị nạn (trung bình khoảng 5 cm với người trưởng thành) và tốc độ ép là 100 – 120 nhịp 1 phút.
– Ép tim liên tục như vậy 30 lần thì nâng nhẹ cằm để đẩy nhẹ đầu nạn nhân ra sau nhằm mở đường thở, nhanh chóng dùng miệng thổi 2 hơi liên tục vào miệng hoặc mũi của người bị nạn. Quan sát thấy lồng ngực nạn nhân phồng nhẹ vì có khí thổi vào là làm đúng cách. Lưu ý khi chọn thổi vào miệng thì 1 tay phải bóp/bịt chặt mũi. Nếu chọn thổi vào mũi thì phải khép kín miệng nạn nhân để không bị thoát hơi ra ngoài.
– Thổi đúng 2 hơi trong thời gian không quá 2 giây thì lập tức quay trở lại ép tim và duy trì chu trình CPR 30 lần ép tim – 2 lần thổi hơi, cho đến khi lực lượng y tế đến, hoặc khi người bệnh tỉnh dậy, có dấu hiệu tự thở được, lúc này vẫn cần đưa họ vào bệnh viện.
Sơ cấp cứu là bước vô cùng quan trọng và cần thiết trước khi người bị nạn nhận được sự hỗ trợ y tế chuyên nghiệp, có thể giúp bảo tồn được sự sống hoặc chất lượng sống trong tương lai của nạn nhân.
Khi một người bị ngưng tim, áp dụng ngay CPR chính là để kéo dài thời gian cho người đó trong khi chờ đợi lực lượng cấp cứu đến. Nếu không thực hiện kịp thời và đúng cách thì các biện pháp hồi sức tim phổi cao cấp sau đó sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn. Bạn đọc có thể tham khảo thêm chi tiết về thao tác CPR, các kỹ năng sơ cấp cứu do chuyên gia Tony Coffey hướng dẫn trên kênh YouTube hoặc fanpage của Survival Skills Vietnam SSVN.

Trang Jena

(Đồng sáng lập Survival Skills Vietnam)

TNO