23/01/2025

Ban hành quy tắc ứng xử trên mạng: Cơ quan nhà nước nên phản hồi ý kiến trên mạng

Ban hành quy tắc ứng xử trên mạng: Cơ quan nhà nước nên phản hồi ý kiến trên mạng

Bộ Thông tin và truyền thông vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, không quảng cáo trái phép; cơ quan nhà nước nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội…

 

Ban hành quy tắc ứng xử trên mạng: Cơ quan nhà nước nên phản hồi ý kiến trên mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh Hồng Vân đang quảng cáo cho một loại viên sủi giúp “đánh bay u xơ, u nang” khiến dư luận bức xúc, còn nghệ sĩ “hối tiếc sâu sắc” – Ảnh chụp màn hình

Quyết định được ký ngày 17-6, giữa bối cảnh hiện có nhiều bức xúc trong xã hội về việc tràn lan những livestream, đăng tải thông tin thiếu chuẩn mực, ngôn ngữ phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tiết lộ đời tư người khác, nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật…

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và truyền thông kỳ vọng tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các quy ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, xúc phạm nhân phẩm, quảng cáo trái phép

Bộ quy tắc nhằm vào các đối tượng như: cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Dựa theo cách phân chia đối tượng này, bộ quy tắc ứng xử này có quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng, quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước, và quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Quy tắc ứng xử chung là tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Ban hành quy tắc ứng xử trên mạng: Cơ quan nhà nước nên phản hồi ý kiến trên mạng - Ảnh 2.

Đủ kiểu ngôn từ thô và tục để phê bình nhau trên mạng xã hội – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong nhóm quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân, Bộ Thông tin và truyền thông khuyến khích cá nhân, tổ chức tìm hiểu kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng trước khi đăng ký sử dụng dịch vụ; nên sử dụng họ tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức để tham gia mạng xã hội; tự quản lý bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng báo cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ mạng khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo; chia sẻ những thông tin chính thống, có nguồn đáng tin cậy…

Đặc biệt, cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…

Bộ Thông tin và truyền thông cũng khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ những thông tin tích cực, người tốt việc tốt; và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

Cơ quan nhà nước nên có phản hồi những ý kiến trên mạng

Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước ngoài tuân thủ các quy tắc cho cá nhân, tổ chức nêu trên thì còn phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội; thông báo tới cơ quan chủ quản để trả lời, xử lý những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Với cơ quan nhà nước, ngoài tuân thủ quy tắc cho các tổ chức chung thì phải đảm bảo cung cấp thông tin lên mạng xã hội cũng đồng bộ, thống nhất với thông tin cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, và nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Với các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ các nguyên tắc như:

Công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ, bao gồm các quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng.

Ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Khi nhận được thông báo yêu cầu loại bỏ các thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp với tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin.

Bộ Thông tin và truyền thông khuyến khích người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung của bộ quy tắc này và tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc tới tổ chức, cá nhân khác.

 

THIÊN ĐIỂU
TTO