23/01/2025

Thở được tinh hoa của đất trời

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Ít các bác sĩ quan tâm đến lượng khí thở của bệnh nhân và quên rằng thiếu khí trong máu và thiếu máu trong não là 2 nguyên nhân hàng đầu của đa số các bệnh tật trong con người.

Thở được tinh hoa của đất trời

Lời mở

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Ít các bác sĩ quan tâm đến lượng khí thở của bệnh nhân và quên rằng thiếu khí trong máu và thiếu máu trong não là 2 nguyên nhân hàng đầu của đa số các bệnh tật trong con người.

godknows

Nhưng hầu như người ta chẳng biết rằng tinh thần cũng cần phải thở một loại khí thiêng thì mới có thể phát huy những nguồn lực và mọi khả năng của tinh thần. Nhiều người mắc các bệnh tinh thần như buồn chán, trầm cảm, hoang tưởng, học hành kém cỏi, tâm địa gian ác cũng là do họ thở không đủ khí thiêng. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên như thế, người ta mới sống khoẻ mạnh, xinh đẹp, thông minh, tài giỏi vì thở dồi dào được khí sạch của trái đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, siêu việt vì thở được khí thiêng của Trời cao.

1. Tầm quan trọng của khí thở

Chúng ta đã tìm hiểu con người là trung tâm cho mọi hoạt động xã hội và đích điểm của đời người là kết hợp được với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cũng đã biết rằng con người là một ngôi vị với thể xác và tinh thần. Cả hai phần này đều cần đến khí thở.

1.1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên

Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí. Chỉ cần thiếu khí trong một vòng quay máu trong khoảng một giây là bạn có thể choáng váng, ngất xỉu, lạc tay lái, gây tai nạn hay mất mạng rồi!

Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải khí carbonic ra. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài [1]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống đó phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy. Trong vòng ¼ giây, máu đen tràn vào các túi chứa khí, gọi là phế nang của phổi. Có khoảng 500 triệu túi, tạo ra một bề mặt có diện tích khoảng 70m2 để việc trao đổi khí được diễn ra thật nhanh chóng.

trao doi khi

Khi hô hấp bình thường, có khoảng 500ml khí lưu thông vào và ra khỏi phổi. Tuy nhiên, người ta có thể gia tăng lượng khí hít thở trong khi vận động nhờ tập thở. Lượng khí tối đa mà hai lá phổi có khả năng giữ lại bên trong là 5.800ml, nhưng có khoảng 1000ml gọi là khí cặn, luôn được giữ lại trong phổi sau mỗi nhịp thở, để phòng trường hợp khẩn cấp do thiếu khí, ngạt hơi [2].

Hệ thần kinh, với bộ não và tuỷ sống, tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Não có hai nguồn chính nuôi dưỡng và thải các chất cặn bã là dòng máu và dịch não tuỷ [3]. Đặc biệt bộ não với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh gọi là neuron, tuy chỉ to bằng nắm tay, nhưng cần một lượng khí tối thiểu chiếm khoảng 1/5 lượng khí của toàn thân, nghĩa là khoảng 2.000 lít không khí một ngày. Vì thế, khi bộ não được nuôi dưỡng đầy đủ bằng máu và khí oxy trong máu, hệ thống thần kinh mới phát ra đầy đủ các lệnh cho mọi cơ quan hoạt động và sức khoẻ con người mới được bảo vệ và phát triển.

Hơn nữa, các thông tin càng hướng đến phần cao của não, chúng càng tiến gần tới sự nhận biết có ý thức của ta: các chức năng cao nhất về thần kinh xảy ra trong vỏ não: các ý nghĩ, tưởng tượng, học hỏi, cảm xúc và ra quyết định có ý thức.

20170830-055843-29_429x305

Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đây là lý do chúng ta cần tập thở cho đúng, cho tốt để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.

1. 2. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên

Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người. Cuộc đời hào hùng của Nguyễn Công Trứ [4] như mời gọi ta thở được linh khí của trời đất qua bài thơ Kẻ Sĩ của ông:

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất”.

Người Việt chúng ta đã từng biết đến “linh khí” là khí thiêng của trời đất, núi sông, biết đến “dũng khí”, “hào khí”, “chính khí” của những con người có chí khí mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. “Khí hạo nhiên” được Nguyễn Công Trứ nhắc đến là thứ khí phách, năng lực tinh thần, phẩm cách cao quý nhất, không gì so sánh được của con người. Khí phách đó nhân hậu, cương trực mà những nhà Nho, kẻ sĩ luôn phải gìn giữ trong đời sống.

Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, Latinh đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Các nhà đạo học Đông Phương cũng mong ước được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước muốn được thần hoá của con người.

Nhiều người theo Phật giáo và Lão giáo còn hiểu rằng “khí” không phải là không khí ta thở, nhưng là thứ năng lượng sống thuần khiết nhất của trời đất, của vũ trụ gọi là “khí tiên thiên” mà con người có thể thu nhận được, hoà hợp với “khí hậu thiên” do ta tập luyện được qua khí công (công phu luyện khí), được lưu chuyển khắp cơ thể ta. Những hiểu biết này giúp ta dễ hiểu hơn về thần khí của Do Thái giáo và Kitô giáo.

thankhi 3

Từ “thần khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái, và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, làn khí, làn gió, sức mạnh, sức sống [5]. Thần khí là hơi thở của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ và đem lại sự sống cho con người [6]. Trong lịch sử Do Thái, thần khí còn được hiểu như sức mạnh của Thiên Chúa ban cho một số nhân vật đặc biệt như các quan án, vua Saulê, David hay các tiên tri như Elia, Elisê, Isaia, Gieremia, Samuel[7], và cho chính Đấng Messia như Đức Giêsu đã nhắc đến ở Hội đường Do Thái[8].

2. Chúa Thánh Thần và thần khí của Kitô giáo

Chính Chúa Giêsu mới dạy cho ta biết thần khí là gì và Chúa Thánh Thần thật sự là ai.

2.1. Chúa Giêsu dạy về Chúa Thánh Thần

CG chiu phep rua Trong Thánh Kinh Tân Ước, các tác giả dùng nhiều hình ảnh, từ ngữ để nói đến thần khí và Chúa Thánh Thần. Có nhiều hình ảnh hay biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần như hình chim bồ câu đậu phía trên đầu Đức Giêsu khi Người chịu phép rửa dưới sông Jordan[9], dòng nước hằng sống chảy ra từ lòng con người[10], làn gió mạnh[11], lưỡi lửa[12], dầu xức, nhưng “hơi thở”, “thần khí” là những từ được dùng nhiều hơn cả, khoảng 100 lần, để chỉ Chúa Thánh Thần.

Ngài là nguồn hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo[13]. Ngài là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp[14] để biến đổi họ thành con người mới đầy ân sủng và quyền năng. Nhưng trước hết và trên hết, Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

Là ngôi vị thần linh, nên Chúa Thánh Thần muốn ta kết hợp với Ngài khác với Chúa Cha trong mối tình cha con, khác với Chúa Giêsu trong mối tình anh chị em, nhưng trong mối tình bạn hữu, tình yêu trong sáng nam nữ và cao hơn cả là tình vợ chồng. Ngài chính là “người tình không chân dung” của ta vì luôn ở trong ta mãi mãi. Như thế có nhiều mức độ kết hợp trong tình yêu với Chúa Thánh Thần.

Chúng ta đã tìm hiểu về Chúa Thánh Thần như tình yêu nối kết hai ngôi Cha và Con lại với nhau (trong bài 5), Ngài cũng nối kết chúng ta và muôn loài với Thiên Chúa để biến đổi chúng ta thành Thiên Chúa như Ngài. Đó là tác động thần thánh hoá riêng biệt của Ngài. Vì thế Chúa Thánh Thần là một ngôi vị mà chúng ta cần phải tìm hiểu, gặp gỡ, yêu mến và kết kợp với Ngài như kết hợp với Chúa Giêsu thì mới có thể cảm nhận được tác động của Ngài và đón nhận được những ân huệ muôn hình vạn trạng của Ngài.

Để nhắc nhở ta điều này, Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả hoạt động của Chúa Thánh Thần như Đấng Bảo trợ, Thầy dạy, Đấng luôn ở với chúng ta. Đức Giêsu nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi[15]. Đấng Bảo trợ cũng có nghĩa là Đấng An ủi, Đấng Bênh vực, Đấng Chuyển cầu, Đấng Bào chữa cho con người sau khi Đức Giêsu là Đấng Bảo trợ đầu tiên về trời. “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em[16]. “Đấng đó là Thần khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha”[17]. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn”[18]. “Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”[19].

C:\Users\tingu\Downloads\2021\bai 7, ctthienxuong.jpg

Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban trọn vẹn và tràn đầy Chúa Thánh Thần cho ta vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa và cùng bản thể với Chúa Thánh Thần: “Đấng được Thiên Chúa sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” [20].

Như thế chúng ta phải phân biệt Chúa Thánh Thần là ngôi vị, khác với những ân huệ như sự sống, sự thật, tình yêu và đủ loại ơn lành Ngài ban như 7 ơn Chúa Thánh Thần[21]. Chúng ta cũng nên phân biệt Chúa Thánh Thần là ngôi vị và cách thở thần khí chỉ là phương tiện để ta nối kết với Ngài. Chúa Thánh Thần giống như người tình mà chúng ta muốn liên lạc hay gặp gỡ và ta dùng cách thở thần khí như dùng chiếc điện thoại để gọi Ngài. Các ân huệ kia chỉ là quà tặng, có hay không cũng không quan trọng, nhưng khi ta kết hợp được với người tình của mình, ôm được Ngài trong vòng tay mình, đó mới là hạnh phúc tuyệt vời. Tuy nhiên vẫn có những người không hiểu được tình yêu, nên chỉ thích quà tặng, mà coi thường hay không để tâm đến người cho quà.

Hình ảnh Đức Maria mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần và tức khắc hình thành nên Chúa Giêsu trong lòng Mẹ là hành động điển hình cho mỗi tín hữu biết cách kết hợp với Chúa Thánh Thần như thế nào[22]. Chúa Giêsu sẽ lớn lên trong lòng ta từng ngày nếu ta gắn bó với Chúa Thánh Thần. Rồi Mẹ được Thần Khí thúc đẩy lên đường viếng thăm bà chị họ Elizabeth để chia sẻ Chúa Giêsu và bà này cũng được đầy tràn Thánh Thần[23]. Khi đã mang thai Chúa Giêsu đủ ngày đủ tháng, Mẹ đã sinh Người cho thế giới thì chúng ta cũng sẽ sinh Chúa Giêsu cho những người chúng ta gặp gỡ trong xã hội hôm nay. Mẹ cùng với các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly và đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống[24] để Ngài khai sinh Hội Thánh với những con người phi thường thì chúng ta cũng được biến đổi như thế. Tất cả các hình ảnh đó như mời gọi chúng ta nhìn lại mối quan hệ của ta với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày theo gương Mẹ Maria, “Người nữ của Thần Khí”[25].

C:\Users\tingu\Downloads\2021\HINH DUA VO BAI VHCG\bài 7 CTT, hình 2.jpg

Mỗi người chúng ta là một phần tử của Giáo Hội, là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô là Giáo Hội, có chung sự sống của Chúa Giêsu, nên cũng thở cùng một Thần Khí với Người. Chúa Thánh Thần chính là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu [26].

Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất[27]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô. Đó là “sứ mệnh phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần” [28], đồng thời cũng là sứ mệnh của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em[29].

Chúng ta phải thú nhận rằng: nhiều tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được thần khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Ngài và đánh mất bí quyết thở thần khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít, giúp họ sống yếu ớt thoi thóp, chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học…

Vì thế, chúng ta cần phải tập thở thần khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và tin theo Người.

2.2. Tình trạng phân hoá và Chúa Thánh Thần hợp nhất

Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên muôn loài muôn vật và cho mỗi loài có những đặc tính riêng để diễn tả sự tốt lành, đẹp đẽ vô cùng phong phú của Ngài. Tất cả giống như một khu vườn có trăm hoa đua nở với vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm khác nhau.

Đặc biệt Ngài dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Ngài, ban cho họ tinh thần tự do để họ làm thành một gia đình nhân loại duy nhất với những con người khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo cũng như khác biệt về tư tưởng, cảm xúc, mơ ước, hành động… Câu chuyện tháp Babel [30] cho thấy con người không thích nghi với sự đa dạng này”.

Hơn nữa, khi con người cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa, không còn tin yêu và vâng phục Ngài để chiều theo những tham vọng, dục vọng, thì con người đã tạo nên sự chia rẽ trong chính tâm hồn mình và lan rộng ra ngoài cộng đồng xã hội. Tình trạng phân hoá và chia rẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới, ăn sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình, gây nên những hậu quả tai hại và nghiêm trọng. Đúng ra, “con người chúng ta nên chấp nhận một số khác biệt nhất định vì sự đa dạng này được xem là sự phong phú” chứ không phải dẫn đến tình trạng phân hoá, đối kháng và xung đột [31].

Những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên trong suốt dòng lịch sử nhân loại do những xung đột về giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ, quyền lợi kinh tế đã làm cho con người đau khổ, chết chóc, dù người thắng kẻ thua đều biết rằng mình chẳng mang được những của chiếm đoạt vào cõi vĩnh hằng. Chính cộng đồng Kitô hữu cũng bị chia thành những Giáo hội Công giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo. Trong nội bộ Công giáo cũng thấy sự chia rẽ giữa các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, tổ chức…

Như thế, gia đình nhân loại cũng như cộng đồng môn đệ Chúa Giêsu đang rất cần Chúa Thánh Thần quy tụ và hợp nhất “vì Thiên Chúa sai Thần Khí của Con Ngài đến, Thần Khí là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm quy tụ và là nguyên lý hợp nhất của toàn thể Giáo Hội cũng như của tất cả và từng người tín hữu” [32].

Thiên Chúa quy tụ muôn dân tộc với những tiếng nói khác nhau, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài hiện xuống và đốt lên ngọn lửa tình yêu trong lòng họ[33] như Thánh Kinh đã kể lại. Như thế là nhân loại đã vượt qua sự phân hoá và chia rẽ do những khác biệt từ câu chuyện tháp Babel để quy tụ thành một Giáo Hội của Chúa Kitô. “Giáo Hội quy tụ trong Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hoá. Giáo Hội trở thành dấu chỉ của tình huynh đệ, nhân tố tạo điều kiện và củng cố cho cuộc đối thoại chân thành” [34].

Chúa Thánh Thần còn đi xa hơn nữa để quy tụ tất cả những người tin vào Đức Giêsu trở thành một thân thể duy nhất, nhiệm mầu. Dù là Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, học thức hay ít học… tất cả chúng ta trở thành một thân thể duy nhất trong Đức Giêsu Kitô [35]. Người đã quy tụ chúng ta khi Người thổi thần khí của Người trên chúng ta.

Thánh Thần ấy sẽ làm cho chúng ta nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Thánh Thần ấy sẽ biến đổi chúng ta thành thần linh như Thiên Chúa là tinh thần, để chúng ta có khả năng vô biên, vô tận như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha[36]. Quyền tha tội là quyền của riêng Thiên Chúa, thế mà chúng ta có khả năng ấy vì chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người. Chúng ta có thể làm được những phép lạ, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, để giúp cho mọi người cảm nghiệm được ơn cứu độ, bình an, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ thực hiện được công trình quy tụ và hợp nhất này nếu mỗi Kitô hữu chúng ta gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận được làn khí kỳ diệu của Người thổi trên chúng ta. Chỉ thần khí ấy mới có thể biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu, như khí oxy ta hít vào buồng phổi để chuyển hoá dòng máu đen tự nhiên của mình. Vậy ta phải thở hít thần khí hợp nhất ấy như thế nào?

3. Các Phong trào sống theo Thần Khí

Nói đến đời sống kết hợp với Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể không nhắc đến Phong trào Thánh Linh (PTTL) hay Canh tân Đặc sủng (CTĐS) trên thế giới hoặc Phong trào Nhân điện (PTNĐ) ở Việt Nam vì những người tham gia các phong trào này cũng nói đến thần khí, đến việc thở thần khí và những ơn chữa bệnh của Chúa Thánh Thần.

3.1. Phong trào Thánh Linh hay Canh tân Đặc sủng [37]

Phong trào bắt nguồn từ một vài hệ phái của anh em Tin Lành vào đầu thế kỷ 20, nhưng từ năm 1967 mới bùng phát ở Mỹ trong cộng đồng Công giáo, khởi đầu tại đại học Công Giáo Duquesne, thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Phong trào bắt đầu do một nhóm sinh viên trẻ đã khao khát được có cảm nghiệm của ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong thời các Thánh Tông Đồ.

Hiện nay phong trào đã có mặt ở 220 quốc gia, thu hút trên 120 triệu người Công giáo và có khoảng hơn 200 triệu tín hữu Tin Lành. Đây là phong trào thu hút nhiều người tham gia nhất và được các Đức Giáo Hoàng công nhận. ĐGH Phaolô VI đã chủ toạ buổi cầu nguyện của hơn 10.000 thành viên PTTL tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1976. Ngài đã tuyên bố: “Phong trào cải cách trong Thánh Linh là một cơ may cho Giáo Hội và cho cả thế giới”. Câu tuyên bố bất hủ này có thể nói đã trở thành lời tuyên bố công nhận chính thức của vị chủ chăn hoàn vũ đối với PTTL.

Hình như những gì Công đồng Vaticanô II mong muốn cải cách đều được thể hiện qua PTTL: nâng cao vai trò người tín hữu giáo dân, cải cách phụng vụ, nhấn mạnh sự tương thân tương ái với kẻ khó nghèo, ơn đoàn sủng và ơn gọi phổ quát nên thánh của toàn thể tín hữu không riêng gì các bậc tu hành… Hai năm trước khi triệu tập Công đồng Vaticanô II, ĐTC Gioan XXIII đã nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin biến đổi thời đại con như một cuộc hiện xuống mới của Chúa Thánh Linh”.

Chúa Thánh Linh đã thúc giục trong lòng các anh chị em tín hữu hợp thành những nhóm cầu nguyện. Những nhóm này là mầm sống của các Tu đoàn Thánh Linh sau này. Hiện nay, những nhóm cầu nguyện theo PTTL đang kết thành một mạng lưới khắp hoàn cầu. Tuỳ theo số lượng, nhóm cầu nguyện tụ tập nơi các nguyện đường nhà thờ giáo xứ, nhiều khi chỉ trong một ngôi nhà tư nhân nào đó.

Điều để ý đầu tiên là hình thức cầu nguyện theo PTTL khác nhiều so với những hình thức cầu nguyện cổ điển, chẳng hạn như đọc kinh lần hạt Mân Côi.

Hình thức cầu nguyện theo PTTL mang 3 tính chất như sau:

a/ Đó là những lời cầu nguyện tự do và bộc phát từ đáy lòng thành, với những ngôn từ thường ngày, không bóng bẩy, không trau chuốt. Đây cũng là điều mới lạ độc đáo của phương thức cầu nguyện theo PTTL.

b/ Đó là những lời cầu nguyện trong Chúa Thánh Linh. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa vô hình ngự giữa lòng nhóm cầu nguyện, linh hứng cho toàn nhóm về một ý cầu nguyện chung không sắp đặt trước và cũng không ai biết trước.

c/ Sau cùng, đó là những lời cầu nguyện đặt trên nền tảng Thánh Kinh đã được lắng nghe trong phần phụng vụ Lời Chúa. Để có tư tưởng nhất quán trong phần cầu nguyện tự do và bộc phát, họ nghe đọc lời Chúa rất chăm chú và kỹ càng.

d/ Một số “ưu điểm” đáng khích lệ và “khuyết điểm” cần sửa đổi:

Các thành viên theo PTTL thường có những ưu điểm sau đây:

    – Họ dẫn dắt được nhiều ơn trở lại;

  – Họ “ghiền” cầu nguyện và “mê” nghe Lời Chúa;

  – Họ rất yêu Giáo Hội và cách chung rất tuân phục Giáo quyền;

  – Họ chú trọng nhiều đến việc tiếp đón và cứu trợ người nghèo, kẻ khó trong xã hội;

  – Họ cũng chú trọng nhiều đến công cuộc truyền bá Tin Mừng ngay nơi họ sinh sống;

  – Họ yêu thương và đoàn kết trong cuộc sống cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng nên công bằng để nêu lên những khuyết điểm chung cần được cải thiện:

– Nhiều thành viên tìm kiếm đức tin qua những cuộc chữa khỏi bệnh một cách bất ngờ và lạ lùng. Những lời tiên tri từ môi miệng của một số tín hữu tâm thần không được ổn định. Họ dựa vào xúc động của tâm thức loài người hơn là thực sự được Chúa Thánh Thần huớng dẫn.

– Ơn nói tiếng lạ nhiều khi cũng bị “lạm dụng” nhằm lôi kéo sự chú ý vào cá nhân này hay cá nhân khác. Chúng ta nên biết rằng tất cả các đặc ân của Chúa Thánh Thần bao giờ cũng được ban tặng để loan báo Tin Mừng Cứu Độ và để ca tụng Thiên Chúa, vì lợi ích cho phần rỗi cá nhân hay cộng đồng, chứ không nhằm làm cho cá nhân được vinh danh.

– Những hình thức “khác lạ” khi cầu nguyện: như ngất xỉu, té xuống, la hét, khoa tay múa chân… không tìm thấy bóng dáng trong Ngày Lễ Hiện Xuống!

– Cuối cùng, đây là khuyết điểm khó nhận ra và khó khắc phục nhất: đó là sự “kiêu ngạo” ẩn dấu hoặc không ngờ. Khi đã tự cho là con chiên ngoan đạo của Chúa, người ta có xu hướng khinh dể người khác, những bổn đạo khô khan nguội lạnh chẳng hạn, phê phán người này, kẻ nọ, nhất là phê bình những vị chủ chăn.

Ở Việt Nam vào những thập niên 1970, PTTL cũng khởi phát qua một ít linh mục Dòng Chúa Cứu Thế như cha Đinh Khắc Tiệu, nhưng qua những tác động của thời cuộc vào năm 1975 hay những khuyết điểm đã gây sự ngộ nhận tại các giáo xứ, nên PTTL chưa phát triển mạnh như trong các nước Âu Mỹ. Chúng ta cầu chúc cho phong trào phát triển bền vững ở Việt Nam.

3.2. Phong trào nhân điện[38]

Điều thúc đẩy tôi viết về phong trào nhân điện là vì các người theo phong trào này cũng thực hành việc thở thần khí và những cách chữa bệnh bằng năng lượng sinh học hay nhân điện. Phong trào này không phải chỉ những người lương dân mà cả một ít linh mục cũng như khá nhiều tín hữu tin theo. Phong trào xuất hiện cách đây khoảng 30 năm trước, tưởng đã tàn lụi, nhưng mới đây, ngày 18/5/2021, trên mạng Youtube, chúng tôi lại thấy đưa lên mấy chục băng video[39] về các khoá học của ông Lương Minh Đáng. Chúng tôi viết những điều này để mọi người biết và cẩn thận hơn về phong trào này.

Vài dòng lịch sử

Các người theo nhân điện vẫn tôn tiến sĩ Dasira Narada[40] (1846-1924), người tích Lan, là tổ sư đầu tiên. Ngài là người đắc đạo nhân điện và truyền thụ cho hậu thế. Sau 18 năm tìm tòi, tu luyện trong dãy Himalaya, năm 1911, ngài mở được các luân xa, tiếp nhận năng lượng vô biên của vũ trụ vào mình để có thể chữa bệnh, cứu độ chúng sinh và truyền thụ phương pháp cho người khác.

Vị tổ sư thứ hai là Sumanapala [41](1898-1983), người Sri Lanka. Ngài là một Kitô hữu học tại trường Công giáo của dòng La San ở Colombo. Sau khi chấp nhận nhiệm vụ từ Tiến sĩ Đasira Narađa, ngài đã thực hành tâm linh theo Phật giáo dưới pháp danh là Narada Maha Thera (Đại lão Hoà thượng Narađa). Ngài vào học tại Đại học Quốc gia Sri Lanka và đạt tới học vị Tiến sĩ Triết học, về sau được bổ nhiệm làm giáo sư Đạo đức học và Triết học tại trường đại học này. Từ đó cho đến cuối đời, ngài đã lặng lẽ thực hành và duy trì kỷ luật của pháp môn Trường Sinh học. Ngài có sang Việt Nam nhiều lần từ năm 1930-1950, lần cuối cùng năm 1972, ngài đã nhận hướng dẫn cho 5 người Việt Nam (4 người nam và 1 người nữ) để truyền lại bí quyết Trường Sinh học. Năm 1974, Tiến sĩ Narada Maha Thera trở lại Sri Lanka.

Người khởi đầu nhân điện ở Việt Nam là ông Huỳnh Văn Trạng (mất năm 2005). Ông là công nhân của Công xưởng Hải quân Ba Son ở quận 1 Sài Gòn, được tổ sư Narada Maha Thera truyền thụ nhân điện. Ông ẩn cư tại chân núi Thị Vải, Vũng Tàu. Ông dạy nhân điện cho các tu sĩ Thiên Chúa giáo tại Vũng Tàu và nhiều người khác, trong đó có các đệ tử như kỹ sư Hải, cô Thảo , ông Năm Tích. Ông Lương Minh Đáng có đến gặp ông Trạng 1 lần để xin truyền nhân điện trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1987, nhưng hầu như không bao giờ ông Đáng nhắc đến thầy của mình.

Người ở trong miền Nam bắt đầu biết đến nhân điện khi báo Tuổi Trẻ viết một bài về chuyện kỹ sư Hải dùng nhân điện chữa cho người cháu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng phong trào này khởi đầu từ Hoa Kỳ khi ông Lương Minh Đáng[42] mở khoá học cấp I đầu tiên cho 27 học viên tại tiểu bang California vào ngày 20/7/1989 và sau đó mở nhiều lớp cao cấp vào ngày 25/12/1990, lớp Cao cấp bổ túc ngày 28/12/1990. Ông cũng mở nhiều lớp khác ở Canada, Roma, Thái Lan, Úc châu và được nhiều người tin theo. Người ta có thể xem những cuốn băng của ông để nghe những lời giảng dạy của ông[43].

Thực chất phong trào này chỉ được tăng cường phần lý thuyết và có sức cuốn hút, cả những người có học, đó là nhờ cuốn sách Hands of Light (Bàn tay Ánh sáng) của tiến sĩ Barbara Ann Brennan[44], xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987. Bà là một tiến sĩ nghiên cứu năng lượng con người để hướng dẫn chữa trị các bệnh tật.

Ông Đinh Văn Khang cũng là một thành viên trong lớp của ông Lương Minh Đáng. Ông đã về Việt Nam vào năm 1991 và mở các lớp dạy nhân điện, chữa bệnh, khởi đầu trong vùng giáo dân ở giáo xứ Tân Phú, quận Tân Bình và tạo nên một phong trào mạnh mẽ có cả ngàn người theo đuổi, luyện tập. Nhiều linh mục, dòng tu mời ông về dạy cho cộng đồng vì thấy nhân điện là một “phương pháp” đơn giản: chỉ cần khai mở các luân xa, thở hít linh khí, hoà hợp với năng lượng vũ trụ là mình sẽ có tâm thế an vui, khoẻ mạnh, chữa được các bệnh cho mình và cho người thân mà không tốn tiền thuốc men. Hơn nữa, đó cũng có thể là một phương tiện để thực hiện mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân” [45].

Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lúc đó đã sai tôi là Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn theo dõi phong trào để giúp đỡ và sửa chữa những điểm sai sót về giáo lý và thần học. Vì thế tôi thường có mặt trong một vài khoá huấn luyện của ông Khang, như ở giáo xứ thánh Antôn Cầu Muối, quận 1 và ở dòng nữ thánh Phaolô số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1 TPHCM. Tôi đã giải thích cách thở theo Thần Khí và tác động chữa lành của Chúa Thánh Thần với khả năng mở rộng vô biên của tinh thần con người, nên ta có thể gặp gỡ được Chúa và hiệp thông với nhau bổ sung cho lý thuyết của nhân điện.

Tôi cũng đã mấy lần gặp ông Khang cùng với Linh mục Ngô Đức Thắng, lúc đó là chuyên viên ngành In của Liên hiệp Khoa học Sản xuất In (Liksin) để nghe ông giảng về nhân điện cho mấy linh mục, tu sĩ tại nhà số 1B Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM. Nhiều người thấy tôi tham dự các khoá học, được mời lên để nói chuyện về Thần Khí và chữa bệnh cùng với ông Khang thì gọi tôi là linh mục “Sơn nhân điện”, “Sơn Thần Khí”, nhưng thật ra tôi chỉ làm theo lệnh của Đức Tổng Phaolô mà thôi.

Cuối năm 1991, Linh mục Ngô Đình Phán là em ruột của cha Thắng, có liên lạc và tổ chức buổi gặp mặt với ông Huỳnh Văn Trạng (Huynh Hai) tại nhà của ông ở chân núi Thị Vải, Vũng Tàu. Tôi cũng có mặt trong đoàn. Mọi người nói chuyện với ông Trạng, trong đó có cả các đồ đệ lớn của ông. Riêng tôi chỉ ngồi yên lặng để quan sát và phân tích vì quả thực tôi vẫn thấy có những điểm nghi ngờ. Khi từ giã ra về, ông Trạng có chào tôi và khen tôi có cốt cách về nhân điện và đưa tay nắm lấy cổ tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông rất nóng.

Không biết ông nói sao với các đồ đệ, nhưng sau này các anh chị trong nhóm nhân điện rất quý tôi và muốn tôi đứng ra quy tụ các người học nhân điện thành một khối thống nhất, vì nhóm của ông Lương Minh Đáng đã gây tai tiếng nhiều. Tôi đã trả lời là mình rất trân trọng đối với nhân điện nhưng không thể theo đuổi vì có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Sau này tôi không gặp lại ông Khang, nhưng cha Thắng vẫn liên lạc với ông và chữa bệnh theo lối nhân điện. Tôi được cha Thắng báo tin ông đã chuyển sang định cư tại châu Úc. Ông có viết cho cha Thắng lời nhận định cuối cùng của mình về nhân điện của ông Lương Minh Đáng: “Tất cả chỉ là lừa bịp, cha ạ”.

Từ năm 1997 đến nay, tôi không còn nghĩ về nhân điện, nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu về những cách chữa bệnh nhân trong lĩnh vực bác ái xã hội, nhất là giúp những người bệnh khuyết tật, mồ côi. Tôi đã gặp một số trường hợp các bệnh nhân liên quan đến nhân điện và hiểu ra rằng có những người lạm dụng nhân điện khi phối hợp với những trò ma thuật để chữa bệnh. Trường hợp điển hình là vào tháng 6 năm 2007, tôi gặp một nhóm gồm 8 anh chị tốt nghiệp đại học cùng học nhân điện với một thầy ở Thủ Đức. Ông này đã gửi âm hồn vào 2 người trong nhóm. Hai người này bị quấy rối tình dục nên đã đến xin tôi giúp đỡ và tôi đã hiểu rằng một vài người học nhân điện có khả năng chữa bệnh, liên lạc với hồn ma. Ông thầy nhân điện này cũng mở luân xa và dạy nhân điện cho vài linh mục, nữ tu khiến họ bị sai khiến, không còn sống thật tính người.

Nhờ những nghiên cứu gần đây tôi cũng hiểu rằng một số người học nhân điện có khả năng chữa bệnh khi họ tập thiền định, điều chỉnh hơi thở vì hơi thở rất quan trọng trong con người. Nhất là khi họ biết bỏ đi những tham sân si trong lòng mình, mở rộng tinh thần cho Đấng Tối Cao thì họ có khả năng tiếp xúc với muôn loài muôn vật. Vì thế, những nghiên cứu của bà Barbara Ann Brennan cũng như của hai tiến sĩ Dasira Narada và Narada Maha Thera đều rất trân quý. Chúng giúp ta khám phá ra chiều sâu vô tận của tâm hồn và những khả năng vô biên của con người.

Nhưng chúng tôi, qua kinh nghiệm giúp cho các bệnh nhân, cũng lưu ý rằng: không phải tất cả đều đúng và có nguy cơ bị tác động bởi tà thần, nhất là khi người ta bị lôi cuốn chiều theo những tham vọng, dục vọng của con người, tự mãn về những thành công trong việc chữa bệnh.

Chúng tôi viết phần này trong bài về Chúa Thánh Thần chỉ để mời gọi các bạn đọc khám phá ra những chiều kích mới mẻ của tinh thần con người, trong một đất nước còn bị chia rẽ vì những hệ tư tưởng đối nghịch nhau.

Năm 1996, Việt Nam đã thiết lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người[46], do viện sĩ Ts. Phạm Minh Hạc làm viện trưởng, với bộ môn Cận Tâm lý do thiếu tướng Ts. Nguyễn Chu Phác, làm chủ nhiệm. Bộ môn này tập hợp những nhà ngoại cảm Việt Nam để dùng tài năng đặc biệt tìm ra hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ và một số danh nhân Việt Nam, thử ADN và cho kết quả chính xác 100%. Nhưng vẫn có đại tá Ts Đỗ Kiên Cường cho rằng các hiện tượng ngoại cảm như thế là lừa dối.

Tất cả chỉ muốn nói rằng con người chúng ta là một mầu nhiệm và chỉ có thể khám phá về con người nếu có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, khi chúng ta thở được thần khí của Đức Giêsu để phân định những điều tốt xấu, đúng sai trong một số lĩnh vực vượt quá khả năng của khoa học và tự nhiên của con người.

4. Bài học thở từ thực tế đời sống

Để phát triển con người toàn diện, ta phải tập thở cả khí tự nhiên lẫn siêu nhiên cách dài, nhẹ, êm, sâu và bảo vệ bầu khí quyển trong sạch cho mọi người, mọi vật quanh ta.

C:\Users\tingu\Downloads\2021\bai 7, thở 1cuoc-song2.jpg

4.1. Bầu khí trong lành

Bầu khí quyển hiện nay đang bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề bởi sự vô tâm và lòng tham của con người. Cần phải trồng lại những cánh rừng vì 1 mẫu cây xanh cung cấp 16 tấn oxy hằng năm cho ta thở. Cần phải bớt việc dùng hoá chất trên ruộng đồng và thay thế bằng các loại phân xanh, phân hữu cơ; giảm bớt việc tiêu thụ dầu mỏ cho các xe chuyên chở, máy móc, nông cụ bằng việc sử dụng những nguồn năng lượng khác như điện năng, điện mặt trời; bỏ hẳn việc hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho buồng phổi con người, giữ vệ sinh chung trong khu xóm với thùng rác đậy kín, giảm bớt các loại khí độc hại như CO2, NO2, chất CFC làm thủng tầng ozone.

Bầu khí quyển tinh thần còn bị ô nhiễm trầm trọng hơn vì các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, internet và các mạng xã hội đang phổ biến đủ loại quan điểm sai lạc, vô thần, phim ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực, học thuyết gây chia rẽ, thù hận, nhân danh tự do tuyệt đối của con người. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ bộ thần kinh trung ương không bị nhiễm độc bằng cách chỉ nghĩ những điều tốt đẹp, nói những lời chân thành và làm những việc chính đáng để cổ vũ tình yêu thương, liên đới với người khác.

4.2. Tập thở tự nhiên

Với một hơi thở, không khí được kéo vào trong các phế nang của phổi qua đường hô hấp. Nó di chuyển từ mũi hoặc miệng, qua yết hầu, qua thanh quản và vào khí quản. Trong suốt hành trình dài này, không khí được làm ấm lên cho bằng nhiệt độ cơ thể và lọc bỏ các vật thể nếu có. Không khí đã qua sử dụng sẽ đi trở ngược lại con đường đó. Vì nó đi qua thanh quản nên có thể được sử dụng để phát ra âm thanh.

Dòng khí ta hít vào gồm oxy chiếm 20,9%, nitơ 78,6%, nước 0,4%, các khí khác 0,06% và carbonic 0,04%. Khối lượng khí carbonic thải ra cũng tương đương khí hít vào. Nitơ chiếm tỉ lệ lớn nhất, nhưng ở áp suất bình thường, nó rất ít hoà tan trong máu người, nên có thể đi vào và ra khỏi cơ thể ta cách vô hại [47].

Chúng ta nên hít khí vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nhiều người tập Yoga được yêu cầu tập thở ra bằng mũi. Tuy nhiên, theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, khi hít vào bằng mũi, dòng khí được toả ra trong khoang mũi nhờ 3 chỗ lồi ra gọi là xoăn, sẽ được làm ấm và làm ẩm từ từ. Các lông mũi cản các hạt bụi bẩn, các hạt bụi nhỏ hơn, như bụi than, sẽ nằm lại dọc theo khí quản. Chất nhầy và các sợi lông rung sẽ dần đẩy chúng ra ngoài. Các bụi trong khói thuốc lá có thể đi sâu hơn, đến được các phế nang và làm tổn thương phế nang, giảm diện tích bề mặt trao đổi khí. Khi thở ra, khí carbonic đang ở nhiệt độ cơ thể, cũng không có hạt bụi, nên không cần qua khoang mũi. Thở ra bằng miệng sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Nhiều người tập khí công được yêu cầu thở theo 4 thì: nạp khí (hít khí vào), vận khí (nín thở dẫn hơi vào đan điền), xả khí (thở ra hết và thót bụng lại), bế khí (ngưng thở khi bụng trống rỗng). Nhiều cách thở của các môn phái như Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, phương pháp Dưỡng sinh, hoặc các phái võ thuật như Aikido, Vovinam, Thiếu Lâm… cũng được tập luyện theo 3 thì hay 4 thì trên đây, kèm thêm cách ngồi, cách đứng khác nhau [48].

Thật ra, người tín hữu Kitô giáo có thể tự do tập luyện theo các phương pháp ấy, miễn là không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết sai lạc của tôn giáo đi kèm theo cách thở. Chúng tôi cổ vũ một phương pháp thở 2 thì theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, vì nghĩ rằng càng tôn trọng cấu trúc tự nhiên, ta càng có sức khoẻ ổn định và an lành.

Một điểm cần lưu ý, là khi ngủ đêm chúng ta cần thở nhiều vì số lần thở khi ngủ đêm thường thấp hơn ban ngày khoảng ¼, nghĩa là thở khoảng 12 lần/phút thay vì 16 lần/phút. Ta nên nằm thẳng, đừng ôm gối, hai tay xuôi theo thân người để thở khí dễ dàng, giấc ngủ sẽ sâu hơn và thần kinh thư giãn tốt hơn. Tình trạng thiếu khí oxy khi ngủ thường dẫn đến giấc ngủ chập chờn, mơ hoảng do những dữ liệu của bộ nhớ hỗn độn hoà trộn với nhau, có khi dẫn đến ảo giác, ảo thanh, nói mê, khối nặng đè ở ngực, khiến ta tưởng lầm là bị bóng đè, ma ám.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng dung tích khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây. Do lồng ngực gắn kết với buồng phổi, nên khi ta làm căng lồng ngực sẽ làm tăng áp suất trong buồng phổi, nhờ đó đưa được nhiều khí vào trong phổi hơn. Ta tập như sau:

Dãn lồng ngực theo chiều ngang: người đứng thẳng, chân giang rộng khoảng 20cm

B1: vừa giang 2 tay rộng theo chiều ngang vừa hít mạnh vào, cơ bụng phình ra.

B2: khép 2 tay vào giữa ngực và thở mạnh ra, thót bụng lại.

Dãn lồng ngực theo chiều dọc: người đứng thẳng, giang chân rộng 20cm

B1: bước 1 chân lên trước, hít mạnh vào bằng mũi, giơ 2 tay cao trên đầu, ngửa người ra sau, lồng ngực dãn ra theo chiều dọc.

B2: từ từ cúi người xuống, thở ra bằng miệng, cho đến khi 2 bàn tay chạm vào đầu gối. Chân rút về ngang với chân kia.

B3: bước chân khác lên và làm các động tác giống B1 và B2.

Mỗi lần có thể tập khoảng 5 phút. Sau vài tuần tập ta sẽ có thói quen thở mạnh và dung tích khí trong buồng phổi sẽ tăng lên.

Để tăng cường khí và hoạt động của buồng phổi, kích thích hoạt động tim mạch, bạn có thể tập các vận động tự thân được chúng tôi trình bày ở bài 23 sau này. Nói riêng cho các bạn tập nhân điện là hệ thần kinh chạy dọc theo cột sống tương ứng với nhiều luân xa trong con người, nên khi chúng ta làm cho các dây thần kinh đó không bị chèn ép, các đường dẫn máu được thông thoáng là các bạn có thể chữa được rất nhiều các bệnh tật. Điều này y học gần đây giải thích rất rõ để chúng ta có cơ sở khoa học chứ không rơi vào mê tín khi chữa bệnh theo nhân điện.

4.3. Tập thở siêu nhiên

Người Kitô hữu được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để biến đổi thành “con người mới[49]trong một Thần Khí duy nhất[50]với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần[51]. Khi thở được Thần Khí của Đức Giêsu, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ được biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Lúc đó là ta được “thần hoá”, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy những ân huệ kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để “hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trước muôn đời trong Đức Kitô[52].

Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Họ không cần phải đi tìm các bí quyết vận công, luyện khí của những vị cao tăng trong rặng núi Himalaya được kể trong những câu chuyện như Hành trình về Phương Đông, Đường mây qua Xứ tuyết hay qua nhân điện.

Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí[53], “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn[54], “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước[55] thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ[56]. Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được khí thiêng của Trời.

Để cụ thể hơn, chúng tôi thử đề nghị một cách thở siêu nhiên kết hợp với thở tự nhiên, nhất là dành cho những ai đang bị bệnh tật về thể lý cũng như về tinh thần. Nhiều bệnh nhân đã được chữa lành nhờ cách thở này:

Chúng ta dành khoảng 5 phút, ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ đêm. Khi hít khí tự nhiên vào bằng mũi thì tinh thần ta cũng cần mở ra để hít khí siêu nhiên. Làn khí tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng này tràn vào hồn ta, toả khắp người ta. Vừa hít khí vào từ từ bằng mũi, ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Khi thở ra, thể xác ta thải ra khí carbonic, tinh thần ta cũng đẩy những khí dơ của tinh thần gọi là tà khí ra khỏi tâm trí mình. Tà khí đó là những tư tưởng tiêu cực, hình ảnh dâm ô, cảm xúc buồn phiền, thất vọng, ghen tương, sợ hãi… Tâm trí ta lúc đó hoàn toàn trống rỗng để chỉ còn Thần Khí tác động. Vừa thở ra từ từ bằng miệng, ta vừa nói thầm: “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi con[57]. Chúng ta sẽ cảm nhận được tâm hồn mình thanh thản và tràn đầy ơn lành của Chúa Thánh Thần.

Việc Chúa Thánh Thần chữa lành bệnh nhân đã có trong Giáo hội Công giáo suốt 20 thế kỷ qua, đặc biệt trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chỉ vài chục năm gần đây, Giáo Hội mới chuyển Ngày lễ Quốc tế cầu cho bệnh nhân vào dịp lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11/2 hằng năm. Khi tín hữu gắn bó với Chúa Thánh Thần và thở được thần khí của Chúa Giêsu chắc chắn họ sẽ chữa lành cho nhiều người khỏi các bệnh tật như các tông đồ xưa, mà không cần theo học một khoá nhân điện nào.

yoga Nhưng các anh chị theo học môn này, nếu biết vận dụng, sẽ thể hiện cụ thể hơn tác động của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là điều tổ sư Narada Maha Thera đã dạy vì thầy cũng là một Kitô hữu nhận lời uỷ thác của thầy Dasira Narada. Đó cũng là lý do tại sao thầy Huỳnh Văn Trạng truyền nhân điện cho các tu sĩ Công giáo đầu tiên tại Vũng Tàu. Nhân điện không phải là chỉ dành riêng cho tín đồ Phật giáo, nhưng cho mọi người. Đấy cũng là ước nguyện của các vị tổ sư để cứu độ chúng sinh, tiếp bước công trình của Chúa Giêsu Kitô. Như thế là mọi người chúng ta hợp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần.

Điều chúng tôi muốn gửi tới các bạn đang thực hành nhân điện là khi các bạn vận khí theo cách thức thông thường đi từ thấp lên cao, từ luân xa 1 đến luân xa 7, các bạn thấy rất khó khăn. Không ít những thầy nhân điện lợi dụng việc mở luân xa để làm tiền. Vì thế mới có việc mở các lớp cao cấp khác nhau. Chính khi họ mở luân xa cho các bạn là họ có thể đưa tà khí của họ vào trong các bạn. Rồi người tập luyện rất sợ đụng chạm tới luân xa 1 vì liên quan đến cảm xúc và tình dục. Nếu không kiềm chế được Kundalini[58] (hoả xà), người ta sẽ trở thành điên loạn và vô độ về tình dục.

Thật ra khi các bạn tập thở theo thần khí của Chúa Giêsu, các bạn chẳng cần ai mở luân xa cho các bạn đâu. Các bạn cứ thở như chúng tôi chỉ dẫn, tưởng tượng một luồng khí mãnh liệt, trong sáng của Chúa Thánh Thần đi vào trong bạn, đi từ đỉnh đầu chạy dọc theo xương sống xuống tận cùng con người bạn, nghĩa là từ luân xa 7 đến luân xa 1 (nếu bạn ngồi kiết già) và xuống cả ngón chân bạn (nếu bạn nằm thở), rồi toả ra khắp con người bạn, giúp bạn kết hợp với Chúa và muôn loài. Khởi đầu bạn thấy khó khăn, nhưng đừng nản lòng vì Chúa Thánh Thần đang muốn thanh tẩy bạn và nâng bạn lên theo tình yêu bạn dành cho Ngài. Hơn nữa, vì đó là thần khí của Chúa nên bạn chẳng còn sợ bị khấy động bởi tình dục nữa, nhưng được Chúa Thánh Thần soi sáng, mở rộng tâm linh bằng các ân huệ của Ngài.

Nhưng xin báo trước cho bạn một điều thôi: bạn có thể có cảm giác này là toàn thân bạn rung lên trong ít phút, có khi lâu hơn trong một lần thở nào đó. Bạn đừng sợ nhé. Đó chính là tác động của Chúa Thánh Thần mà anh chị em trong Phong trào Thánh Linh có thể gặp được. Luồng thần khí đó sẽ làm rung chuyển và thay đổi con người bạn, để nhờ đó, nhiều tật bệnh trong con người bạn được chữa lành và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, thanh thoát tuyệt vời.

Lời kết

Bài học “Thở được tinh hoa của đất trời” này đối với chúng tôi là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Mỗi người chúng ta phải tập để nâng cao khối lượng khí tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống hằng ngày, nếu ta muốn sống dồi dào và trọn vẹn để phát huy mọi nguồn lực và khả năng kỳ diệu trong ta.

Trở-về-với-Chúa

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn thở khí thiêng theo phương pháp nào? Hiệu quả ra sao?

2. Bạn biết gì về Thần Khí của tín hữu Công giáo?

3. Bạn biết gì về phong trào Thánh Linh của anh em Tin Lành và Công giáo?

4. Bạn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế nào trước mỗi công việc?

5. Dung tích thở của bạn đo được bao nhiêu? Bạn tập thở như thế nào để tăng cường khí thở tự nhiên của bạn? [59]

  1. x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196.
  2. x. Alice Roberts, Atlas, tr.330.
  3. x. Alice Roberts, Atlas, tr.302-303.
  4. x. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) vừa là nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nổi bật với việc khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển, tạo thành một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) làm quan tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị cách chức làm dân, làm lính.
  5. x. GLHTCG, số 691.
  6. x. St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; Gv 3,20-21; Xh 37,10.
  7. x. Giáo hoàng Học viện Piô X, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, tập 4, mục từ Thần Khí.
  8. x. Lc 4,18
  9. x. Lc 3,22.
  10. x. Ga 7,38.
  11. x. Cv 2,2.
  12. x. Cv 2,3.
  13. x. GLHTCG, số 703.
  14. x. Cv 2,1-11.
  15. x. Ga 14,16
  16. x. Ga 14,26.
  17. x. Ga 15,26.
  18. x. Ga 16, 13.
  19. x. Ga 14,17.
  20. x. Ga 3,34.
  21. x. GLGTCG, số 1303.
  22. x. Lc 1,35-37.
  23. x. Lc 1,39-41.
  24. x. Cv 1, 14.
  25. x. Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB, Sống Thần Khí, NXB Phương Đông, 2016, tr.196-216.
  26. x. Gl 4,6
  27. x. 2Cr 12,37.12.13.
  28. x. GLHTCG, số 689-690, 727.
  29. x. GLHTCG, số 730.
  30. x. St 11,1-9.
  31. x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mater et Magistra, số 157; Docat, số 235.
  32. x. CĐ.Vat II, Hiến chế Lumen Gentium, số 13.
  33. x. Cv 2,1-11.
  34. x. CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 92.
  35. x. 1Cr 12,3-13; Ga 3,28.
  36. Ga 20,22-23.
  37. Chúng ta có thể xem thêm các bài viết khá chi tiết về đề tài này như: dmlv.org, Canh tân đặc sủng; thanhlinh.net, Lm. Bùi Phạm Tráng,Tổng quát về Phong trào Thánh Linh; khoi-nguon.com, Phong trào Thánh Linh.
  38. x. sucmanhcongdong.net, Trường sinh học nhân điện; nigioingaynay.com, tiến sĩ dasira narada
  39. Có thể truy cập tại địa chỉ youtube.com: v=WDkLaZ8jeV4 (cuốn 1); v=ixeIjX_Mjz4 (cuốn 2); v=ixeIjX_Mjz4 (cuốn 4); v=xFVa-1HaRHk (cuốn 5); v=uH5tB0E1sAU; v=M4_9WFpnqH4; v=05NXE_PLZ0Y…
  40. truongsinhhocds.com, Hàn Nhuệ Cương, Tiến sĩ Đasira Narađa – Người khai sáng môn Trường Sinh học.
  41. truongsinhhocds.com, Hàn Nhuệ Cương, Tiến sĩ Đasira Narađa – Người khai sáng môn Trường Sinh học.
  42. x. facebook.com, Tiểu sử ông Lương Minh Đáng với các tước hiệu do ông Bùi Quang Long đăng trên Facebook, ngày 7/10/2014.
  43. x. x. cand.com.vn, Thu Phương, “Chữa bệnh bằng nhân điện: Thần dược hay trò lừa đảo?”, internet, ngày 24/10/2006.
  44. wikipedia.org, Barbara Brennan. Sách này đã được ông Lê Trọng Bổng dịch và NXB Văn hoá Thông tin TPHCM xuất bản năm 1996. Sau đó được Lê Hà Lộc, Nguyễn Đình Phúc biên dịch và NXB Văn hoá Thông tin Hà Nội xuất bản năm 2006.
  45. x. Mc 16,15-20.
  46. x. wikipedia.org, Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng của con người.
  47. x. Alice Roberts, Atlas, tr.324.
  48. x. Các mục về Khí công trong các sách hay trên internet.
  49. Ep 2,5.
  50. Ep 2,18.
  51. Ep 1,3.
  52. x. Ep 1,9.
  53. Gl 5,16.
  54. Gl 5,18.
  55. Gl 5,25.
  56. Gl 5,22.
  57. x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.173-175; Bạn là Lời Cứu độ, tái bản lần IV, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.30-31.
  58. wikipedia.org, Kundalini
  59. Có nhiều phương pháp và dụng cụ để do dung lượng khí thở trong mỗi quốc gia như Voldyne 2500 Volumetric Exerciser của Teleflex Medical ở Hoa Kỳ, AirLife của CareFusion được nhiều nước sử dụng. Chúng tôi xin giới thiệu dụng cụ AirLife 001902A như một ví dụ cụ thể. Khi đo dung lượng khí thở, ta cần nhớ mấy điểm sau đây:

    1.Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900.

    2. Ngậm ống thở và hít vào từ từ bằng miệng với 1 hơi dài tối đa.

    3. Vừa hít vào vừa quan sát piston trong ống đo đẩy lên tới vạch nào.

    4. Ngắt hơi ở điểm nào thì đó là mức đo khí thở tại điểm đó (xem số dung lượng ghi trên ống đo).

    5. So sánh với Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở để xem mình thở có đủ không.

    6. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900 để lần sau sử dụng.

    BẢNG DUNG LƯỢNG DỰ ĐOÁN KHÍ THỞ

    Bảng dành cho nữ

    Chiều cao

    Tuổi

    1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87
    20 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
    25 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450
    30 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
    35 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
    40 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
    45 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250
    50 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200
    55 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150
    60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100
    65 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050
    70 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000
    75 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950
    80 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900

    Bảng dành cho nam

    Chiều cao

    Tuổi

    1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87 1,92 1,97
    20 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800 4000
    25 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750 3950
    30 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700 3900
    35 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800
    40 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750
    45 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700
    50 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450 3650
    55 1550 1750 7950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550
    60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
    65 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
    70 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
    75 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
    80 1250 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250

    (Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở do G.Polgar và V. Promadhat công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thân ngực Mỹ, th. 9/1979, bộ 122, số 3)