24/12/2024

Giáo án mẫu trói buộc sáng tạo của thầy cô

Giáo án mẫu trói buộc sáng tạo của thầy cô

Vì thực hiện theo từng bước của giáo án mẫu nên giáo án rất dài dòng, hình thức, tốn nhiều giấy…, trói buộc thầy cô, làm mất đi sự sáng tạo, cảm hứng.
Giáo án mẫu trói buộc sáng tạo của thầy cô
Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 5512/BGDĐT- GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Theo đó, kế hoạch bài dạy (giáo án) được thống nhất theo mẫu.
Ngoài những phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù bắt buộc có trong mỗi bài dạy, giáo viên phải thể hiện trong giáo án với nhiều phẩm chất, năng lực theo đặc trưng của từng môn học. Ví dụ, bộ môn lịch sử còn có thêm 3 năng lực: tìm hiểu lịch sử; nhận thức và tư duy lịch sử; vận dụng kiến thức kỹ năng.
Giáo án mẫu trói buộc sáng tạo của thầy cô - ảnh 1
Phần tiến trình dạy học (Mục III) trong kế hoạch bài dạy là nội dung chính của một giáo án. Theo giáo án mẫu, phải luôn thể hiện đầy đủ 4 hoạt động: 1. Xác định vấn đề; 2. Hình thành kiến thức mới; 3. Luyện tập; 4. Vận dụng. Riêng mỗi hoạt động phải đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện và được lặp đi lặp lại trong 4 hoạt động. Chưa hết, trong hoạt động 2, hình thành kiến thức, mỗi đơn vị kiến thức cũng phải lặp lại: mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện là không cần thiết, cứng nhắc, máy móc, rập khuôn.
Lẽ ra tùy vào đối tượng học sinh vùng miền khác nhau, giáo viên thiết kế bài dạy sao cho hợp lý, không nhất thiết mỗi hoạt động phải đủ yêu cầu như nói trên theo giáo án mẫu. Trong “Tiến trình dạy học” cũng không nhất thiết phải đủ 4 hoạt động như bắt buộc theo giáo án mẫu, mà tùy từng bài, từng nội dung bài học có thể có 2 hay 3 hoạt động. Ví dụ, bài ôn tập, tổng kết hay làm bài tập lịch sử không cần thiết phải có hoạt động hình thành kiến thức mới vì không yêu cầu dạy kiến thức mới.
Chính vì thực hiện theo từng bước của giáo án mẫu nên giáo án rất dài dòng, hình thức, tốn nhiều giấy…, trói buộc thầy cô, làm mất đi sự sáng tạo, cảm hứng nên hiện nay nhiều thầy cô phản đối.
Bộ GD-ĐT tự mâu thuẫn với chính mình khi yêu cầu thầy cô đổi mới dạy học theo hướng phát huy năng lực phẩm chất học sinh, thế nhưng thầy cô lại không được phát huy năng lực giảng dạy của mình trong soạn bài giảng, phải theo giáo án mẫu. Khi tập huấn, nhiều thầy cô đã phản ánh phải soạn theo giáo án mẫu này nhưng câu trả lời là vẫn soạn giáo án theo Công văn 5512.
Qua thực tế, giáo viên rất mong Bộ GD-ĐT xem lại kế hoạch bài dạy gọn nhẹ hơn theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ nên để giáo viên sáng tạo theo cách dạy của mình, giúp giáo viên giảm bớt áp lực về hồ sơ sổ sách trong việc “soạn, giảng” cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nguyễn Văn Lực

(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO