Công giáo Indonesia phê bình kế hoạch của chính phủ đánh thuế trường học
Các nhóm Công giáo ở Indonesia đã phê bình một dự luật được Bộ trưởng Tài chính đề ra, sẽ áp thuế đối với các hoạt động giáo dục. Kế hoạch này được xem như một phần trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau sự sụt giảm do Covid-19 gây ra.
Dự luật được đề xuất với Quốc hội để sửa đổi luật thuế năm 1983, có nghĩa là các hoạt động giáo dục sẽ không còn được miễn thuế nữa.
Ngày 13/6, phát biểu trong hội thảo trên web có sự tham gia của các nhà quản lý trường Công giáo và các quan chức bộ tài chính, Cha Vinsensius Darmin Mbula, dòng Phanxicô, người đứng đầu Hội đồng Giáo dục Công giáo Quốc gia, đã lên án dự thảo này, đồng thời nói rằng nó không thể áp dụng cho các trường Công giáo không hướng đến lợi nhuận.
Phản ứng của Công giáo
Cha Mbula nói: “Các trường học Công giáo là một hình thức phục vụ của Giáo hội, được quản lý để thực hiện sứ mệnh giáo dục quốc gia của chính phủ.” Cha cũng cho biết tình trạng tài chính của các trường Công giáo rất khác nhau và mặc dù có những trường có tài chính tốt, tài sản thặng dư thường được phân phối cho các trường nghèo hơn. Cha nói: “Đây là một phần của việc thực hiện các nguyên tắc liên đới và phụ cấp. Nếu thuế được áp dụng, nó sẽ có tác động mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các trường học nghèo hơn vì nhiều trường đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.
Phản ứng của Hồi giáo
Các tổ chức Hồi giáo cũng lên tiếng phản đối việc áp thuế giáo dục. Ông Arifin Junaidi của Tổ chức Nahdatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia, quản lý 21.000 trường học, cho biết phần lớn các trường của họ ở vùng xa và những vùng khó khăn, nơi có mức học phí thấp. Ông nói: “Nếu phải đối mặt với gánh nặng thuế thì sẽ khó khăn hơn trong việc trả lương cho giáo viên và các nhân viên khác.”
Ông Haedar Nasir, chủ tịch của Muhammadiyah – tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai – cho biết dự luật là vi hiến vì hiến pháp quy định mọi công dân có quyền được học hành, mọi công dân có nghĩa vụ tham gia giáo dục cơ bản và chính phủ có nghĩa vụ chi trả cho giáo dục. (Ucanews 14/06/2021)