26/12/2024

Nhận biết tập luyện quá sức

Nhận biết tập luyện quá sức

Vận động thể lực tốt cho sức khoẻ tim mạch. Tuy nhiên, cần duy trì các bài tập phù hợp thể lực, lứa tuổi.
Vận động và tập luyện bao giờ cũng tốt hơn chỉ ngồi một chỗ /// Ảnh: Shutterstock
Vận động và tập luyện bao giờ cũng tốt hơn chỉ ngồi một chỗ ẢNH: SHUTTERSTOCK
Lưu ý, người có bệnh về tim mạch vẫn có thể tập thể lực nhưng cần được sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Vận động luôn tốt hơn ngồi một chỗ

Theo TS-BS Trần Song Giang, Trưởng khoa C9, Phó trưởng đơn vị tim mạch can thiệp – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): “Với tim mạch, vận động bao giờ cũng được khuyến khích, nhưng nên lựa chọn các môn thể dục, thể thao phù hợp. Trường hợp có bệnh về tim mạch, kể cả suy tim nhưng chưa phải là suy tim nặng, cũng được khuyến khích tập thể dục”.
TS-BS Trần Song Giang lưu ý: Người trẻ cũng như người cao tuổi bao giờ cũng nên tập luyện, vận động. Luôn cần có ý thức vận động, tập luyện nhưng lựa chọn các môn tập phù hợp sức khỏe, lứa tuổi và tình trạng bệnh (nếu có), theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời cần có chế độ ăn uống hợp lý. Ngay cả khi không có bất thường nào vẫn cần đi khám sức khỏe định kỳ.
Các trường hợp cần được hướng dẫn về lịch khám, kiểm tra sức khỏe tim mạch, trước khi đi có thể liên lạc số điện thoại của Khoa C9 – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai: 024 36291268. Nhân viên y tế trực từ 8 – 16 giờ thứ hai – thứ bảy sẽ tiếp nhận và tư vấn, giúp bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.

Tăng huyết áp là bệnh thường gây ra các biến chứng ở tim. Theo bác sĩ chuyên khoa tim mạch, người bị tăng huyết áp vẫn nên tập thể dục, vận động thể lực hằng ngày. Việc tập luyện phù hợp giúp giảm chỉ số huyết áp. Khi duy trì được việc vận động phù hợp kết hợp dùng thuốc thì hiệu quả điều trị tăng huyết áp sẽ cao hơn.

“Do đó, với mỗi người, vận động bao giờ cũng tốt hơn chỉ ngồi một chỗ”, BS Trần Song Giang nói.

Người trẻ không nên chủ quan

Bác sĩ Giang lưu ý phải xem xét tập luyện, vận động hợp lý. Người trẻ, sức khỏe bình thường thì khả năng vận động, bài tập sẽ nặng hơn với người cao tuổi. Người lớn tuổi hoặc người suy tim thì phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim.
Theo bác sĩ Giang, nhìn chung người trẻ cũng như người cao tuổi đều có thể tập luyện các môn nhẹ nhàng như đi bộ… Nhưng với những môn tập luyện đòi hỏi mất sức nhiều hơn như chạy, tennis, đá bóng… thì nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để biết về tình trạng của mình, bệnh tật (nếu có). Ngay cả người khỏe cũng cần được kiểm tra, không nên chủ quan.
“Với một số bệnh về tim, việc gắng sức có thể gây ra biến chứng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Do đó, trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Trường hợp có bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc tập thể lực phù hợp, tránh rủi ro do tập luyện không phù hợp”, bác sĩ Giang nói.

Tập quá sức

Khả năng tập thể lực mỗi người khác nhau, vừa tập vừa phải “lắng nghe” cơ thể mình. Nếu tập phù hợp, sau buổi tập, cá nhân đó có thể thấy thoải mái, học tập, lao động bình thường. Nhưng nếu tập xong thấy mệt mỏi nhiều, hoặc trong khi tập thấy khó chịu, khó thở, tức ngực, chóng mặt thì có thể là cảnh báo của việc đã tập hơi quá sức, cần được điều chỉnh, xem xét lại.
Tập gym hoặc chơi các môn thể thao thường đòi hỏi năng lượng nhiều, cường độ cao. Do đó, cơ thể cần bù lại năng lượng đã tiêu hao bằng chế độ ăn uống phù hợp; cần chú ý bù nước, muối vì tập ra mồ hôi nhiều, mất nước, mất điện giải. Người tập luyện cần lưu ý bù đắp đủ năng lượng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
“Nếu tập mà lại ăn kiêng, nhịn ăn, chế độ ăn hà khắc sẽ khiến cơ thể không đủ năng lượng, thiếu hụt dinh dưỡng, gây thiếu máu, gây suy các cơ quan trong cơ thể; trong đó, ảnh hưởng xấu đến tim”, BS Giang nói.

Ngừa rối loạn nhịp tim do mất nước

Bác sĩ Giang lưu ý: “Mất nước khi tập có thể gây mất muối, giảm kali, ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim”.
Theo chuyên gia tim mạch, một số ion cần cho tim là kali, can xi… 2 loại ion này ảnh hưởng đến chức năng co bóp của tim. Do đó, nên bù đắp đủ cho cơ thể bằng đồ uống, thực phẩm giàu kali, như chuối hoặc thực phẩm bổ sung. Duy trì tập luyện còn cần phải lưu ý đảm bảo để nồng độ kali và can xi ở mức vừa đủ, vì các ion này quá ít hay quá thừa đều ảnh hưởng xấu đến tim và gây ra rối loạn nhịp tim.
LIÊN CHÂU
TNO