Pfizer chọn được liều vắc xin COVID-19 an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Pfizer chọn được liều vắc xin COVID-19 an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Theo thông báo của Hãng Pfizer ngày 9-6, công ty đã chọn được liều vắc xin COVID-19 an toàn để thử nghiệm với hai nhóm trẻ dưới 12 tuổi, cụ thể là từ 6 tháng tuổi đến dưới 12 tuổi.
Theo đó, trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm 2 liều, mỗi liều 10 microgram, trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi được tiêm 2 liều, mỗi liều 3 microgram, khoảng cách giữa 2 liều trong thử nghiệm là 21 ngày. Trên cơ sở này, Pfizer cho biết công ty sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở một nhóm quy mô lớn trẻ em dưới 12 tuổi.
Theo Hãng tin Reuters, thử nghiệm sẽ có đến 4.500 tình nguyện viên tham gia tại hơn 90 phòng khám được chọn ở Mỹ, Phần Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Trước đó, công ty đã tiến hành đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và phản ứng miễn dịch ở 144 trẻ tham gia nghiên cứu giai đoạn 1, được tiêm hai liều vắc xin. Từ đây, Pfizer chọn liều 10 microgam cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, và liều 3 microgam cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để tiếp tục đánh giá tính an toàn và hiệu quả.
Người phát ngôn của Pfizer cho biết công ty dự kiến công bố số liệu về kết quả của thử nghiệm ở nhóm trẻ 5-11 tuổi vào khoảng tháng 9-2021. Sau đó, hãng dược này sẽ xin phép cơ quan chức năng cấp phép sử dụng trong tháng này.
Dữ liệu của thử nghiệm ở nhóm trẻ từ 2 đến 5 tuổi sẽ được công bố không lâu sau đó. Cũng theo kế hoạch của Pfizer, dữ liệu của nhóm trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi sẽ có vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11-2021.
Vắc xin phòng COVID-19 do Pfizer và đối tác Đức BioNTech sản xuất đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em 12-15 tuổi ở châu Âu, Mỹ và Canada và sử dụng liều bằng với liều dành cho người lớn là 30 microgram/liều.
Cho đến nay, theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 7 triệu thanh thiếu niên ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Tiêm phòng cho trẻ em và thanh thiếu niên được xem là một bước quan trọng để đạt được “miễn dịch cộng đồng” và khống chế đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Mỹ và nhiều nơi khác cũng đang đánh giá về khả năng có sự liên hệ giữa bệnh viêm cơ tim và vắc xin sản xuất bằng công nghệ mRNA, đặc biệt là ở nam thanh niên trẻ tuổi. Cả vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna Inc. đều là vắc xin sử dụng công nghệ mRNA.
Tuần trước, Bộ Y tế Israel cho biết họ đã ghi nhận một vài trường hợp bị viêm cơ tim, chủ yếu ở nam thanh niên được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer, nghi có liên quan đến tiêm chủng. Tất cả đều là các trường hợp bệnh nhẹ và không kéo dài.
Phía Pfizer cho biết họ đã biết về những thông tin từ phía Israel về bệnh viêm cơ tim, và cho rằng không có mối liên hệ nhân quả nào của các trường hợp này với vắc xin của công ty.
Pfizer đi trước các nhà phát triển vắc xin khác ở các thử nghiệm lâm sàng cho các nhóm trẻ em ở nhiều độ tuổi. Từ tháng 3-2021, cả Moderna và Pfizer-BioNTech đều cho biết đang tiến hành nghiên cứu để sử dụng vắc xin cho trẻ từ 6 tháng đến 11 tuổi, nhưng đến nay Moderna chưa công bố nhiều thông tin.
Tháng 4-2021, Hãng Johnson & Johnson (Mỹ) cũng bắt đầu thử nghiệm loại vắc xin COVID-19 một liều ở trẻ 12-17 tuổi. Thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca ở trẻ em bị tạm ngưng từ tháng 4-2021 liên quan đến biến chứng đông máu hiếm ở người lớn và chưa được triển khai lại.
Tại Ấn Độ, tháng 5-2021, Cơ quan Quản lý dược của Ấn Độ cho phép triển khai kết hợp thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 đối với vắc xin Covaxin của Hãng Bharat Biotech cho trẻ 2-18 tuổi và tuyển khoảng 525 trẻ em ở nhiều nơi tham gia thử nghiệm.