24/01/2025

Công nhân PouYuen ở TP.HCM nhiễm Covid-19: Cách nào để F1, F2 vượt qua nỗi lo?

Công nhân PouYuen ở TP.HCM nhiễm Covid-19: Cách nào để F1, F2 vượt qua nỗi lo?

công nhân ở Công ty PouYuen, KCX Tân Thuận và một công ty ở H.Hóc Môn (TP.HCM) bị nhiễm Covid-19 khiến cho hàng ngàn công nhân đứng ngồi không yên khi nỗi sợ về dịch bệnh chồng chất lên những lo toan về cơm áo gạo tiền.
Các công nhân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 /// Ảnh minh họa
Các công nhân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ẢNH MINH HỌA
Vượt qua nỗi sợ ấy thế nào để giữ bình an cho bản thân? Bài học và những lời khuyên của những công nhân ở Hải Dương hay Bắc Ninh mới đây sẽ là những tham khảo quý giá cho hàng ngàn công nhân ở TP.HCM vào lúc này.
Thanh Niên xin ghi lại nhật ký của một công nhân vừa trải qua 21 ngày tự cách ly ở nhà trong đợt bùng phát dịch vừa qua để các công nhân ở TP.HCM tham khảo.

Sợ dương tính Covid-19

Người viết xin mở đầu bằng đoạn nhật ký tin nhắn của một nam công nhân ở Bắc Ninh. “Công ty anh bị rồi”, tin nhắn lúc 19 giờ ngày 20.5 của một nam công nhân ở Bắc Ninh gởi cho tôi, rồi tài khoản FB chìm vào trạng thái “không hoạt động”.
3 tiếng trôi qua, tôi nhắn tin hỏi thăm nhưng không thấy hồi âm. 23 giờ 15, anh nhắn lại: “Anh vừa xét nghiệm xong, giờ về nhà chờ, chỗ anh có người F0”. Tôi động viên anh bình tĩnh, anh phản hồi: “Mong sao bình an!”
1 giờ 21.5, anh nhắn anh về rồi, vừa “đuổi vợ con sang nhà ông bà ở, anh tự cách ly ở nhà 14 ngày theo dõi và chờ đợi kết quả xét nghiệm”. Tôi chúc anh ngủ ngon dù biết chắc hẳn anh vẫn còn thức vì 14 ngày phía trước là sẽ khoảng thời gian rất dài. Những ca F0 ấy không chung xưởng với anh nhưng nỗi sợ vô hình hai chữ “dương tính” cứ ám ảnh. Và việc đầu tiên anh làm là tự cách ly với vợ con mình. Mòn mỏi 2 ngày chờ kết quả xét nghiệm, anh thờ phào: “Anh âm tính” nhưng nỗi lo vẫn không dứt…. “chờ coi có ho sốt gì không”.
3 ngày đầu tiên thật ám ảnh khi anh dán mắt vào điện thoại để cập nhật tin tức từ công ty. Tôi hỏi thăm, anh chỉ bảo: “Ai cũng lo chú ạ, giờ ngồi đếm ca”. Cứ một ca dương tính được công bố, anh liền nhắn cho tôi: “Không biết khi nào đến lượt mình”. Tôi an ủi không sao đâu vì không làm chung xưởng nhưng câu an ủi ấy trở nên lạc lõng bởi anh bồi tiếp: “Đọc báo thấy nhiều người diễn tiến nặng, cũng lo chú ạ. Nhưng thôi kệ đến đâu thì đến”.
Khi Covid-19 đến thật “sát mình” thì một người đàn ông ngày làm 8 tiếng, đêm hôm tăng ca 12 tiếng cũng phải “mềm nhũn” vì lo lắng. Không chỉ anh, mà nhiều đồng nghiệp anh cũng thế.
Các nữ công nhân thì còn nháo nhào hơn khi sợ không gặp lại con. Đó là khoảng thời gian mà anh bảo: “Khủng hoảng thật sự”. Suốt ngày chỉ đọc tin trên nhóm để xem diễn tiến, rảnh được một chút thì gọi điện cho vợ, cho con để được thấy những hai đứa con mới 5 và 12 tuổi của mình.
Gọi Facetime nhìn thấy anh tiều tụy hẳn, chưa suy suyễn gì vì Covid-19 mà tinh thần anh đã bị “tấn công” nghiêm trọng. Suốt 21 ngày sau đó, anh khỏe mạnh, cách vài ngày lại được xét nghiệm lại một lần nên dần bớt khủng hoảng. Anh rửa tay thường xuyên ở nhà và hay súc miệng bằng nước muối để tự bảo vệ mình.
Thật ra đó chính là nỗi sợ chung của rất nhiều người và nói như anh: “Càng đọc càng lo”. Điều quan trọng nhất lúc ấy là giữ cho cơ thể được mạnh khỏe nhất, nếu có dương tính thì cơ quan chức năng cũng sẽ can thiệp và đưa đi chữa trị. Càng lo chỉ càng khiến mình mệt mỏi thêm.

Sợ lây cho cả nhà

May mà anh cũng biết vào bếp, đồ ăn thì các chốt trực hay vợ anh nhờ người mang đến ngay cổng rào treo ở đó. Có hôm, anh ra cổng nhận bịch đồ ăn từ vợ rồi quay vào thì sợ…. liệu mình có lây cho vợ không dù đeo khẩu trang và chỉ với tay lấy vội giỏ thức ăn. Nói chuyện với vợ qua điện thoại, anh dặn: “Nội bất xuất trừ khi có việc cần kíp lắm”. Thời điểm đó Bắc Ninh đang bùng dịch căng thẳng, mọi tiếp xúc đều khiến ai cũng thấy bất an.
Công nhân PouYuen ở TP.HCM nhiễm Covid-19: Cách nào để F1, F2 vượt qua nỗi lo? - ảnh 1

Lẫy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho công nhân ẢNH: TN

Khi trò chuyện với con, câu cửa miệng của anh sẽ là: “Nghe lời bố, phải rửa tay thường xuyên con nhé”. Anh bảo lo mình dương tính một, chứ sợ hai đứa nhỏ và vợ dương tính nhiều hơn. Chị vợ nhà anh cũng chu đáo, theo lệnh của chính quyền 3 ngày mới đi chợ một lần, tuyệt đối cùng hai đứa con ở nhà suốt để phòng tránh bất trắc. Người vợ trở thành hậu phương vững chắc để những người F1, F2 thêm yên tâm, giảm áp lực lo lắng dịch bệnh lây lan. Từ đó, anh cũng yên tâm hơn.

Sợ mất việc

Khi 2 tuần trôi qua mà sức khỏe vẫn bảo đảm thì cũng là lúc anh nghĩ về khoản thu nhập bị mất. Làm 8 tiếng/ngày, lương tầm 7 triệu đồng/tháng, đó là khoản thu nhập duy nhất mà người đàn ông này nuôi cả gia đình. Hơn 20 ngày không đi làm vì dịch bệnh, anh luôn hi vọng công ty hoặc nhà nước sẽ hỗ trợ phần nào. Sau thời điểm phong tỏa vì ca nhiễm, cũng là lúc anh và các đồng nghiệp trông chờ ngày đi làm lại. Tin nhắn từ công ty, từ trưởng xưởng khi ấy trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người.
Công nhân PouYuen ở TP.HCM nhiễm Covid-19: Cách nào để F1, F2 vượt qua nỗi lo? - ảnh 2

Công nhân PouYuen một đêm mất ngủ vì ca nhiễm Covid-19 ẢNH: ĐỘC LẬP

Do giãn cách, nên số lượng đăng ký đi làm lại bị hạn chế. Quyền đi làm lại sẽ do mỗi cá nhân quyết định trên tinh thần tự nguyện. Anh nhắn tôi: “Chú thấy anh có nên làm lại không?”. Canh cánh gạo tiền nhưng thật sự anh nói cũng: “Lo lắm, giờ vẫn đang dịch, đi làm lại liệu có an toàn, rồi lại rước Covid về lây cho vợ con”.
Tôi không biết cho lời khuyên thế nào nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát, sự chọn lựa giữa: sức khỏe (đi làm lại) và thiếu ăn (vẫn ở nhà) sẽ là bài toán vô cùng nan giải. Cuối cùng, anh chọn ở nhà tiếp tục để thêm vài tuần nữa, mong “dịch êm hẳn” rồi tính bởi giờ đi làm thêm vài triệu bạc mà lỡ có gì cho vợ con thì thật: “Anh hối không kịp”.
Tôi không phải là một bác sĩ để đưa ra lời khuyên hữu ích nhất cho các bạn công nhân, nhưng nhật ký 21 ngày của anh bạn đang làm công nhân nói trên ắt hẳn sẽ khiến mỗi người có một sự ứng xử thích hợp. Chuyện xét nghiệm, chữa trị hiện tại đang được lực lượng y tế làm hết sức mình nên khi ở sát với Covid-19 thì các bạn cũng đừng quá lo lắng. Sự an nhiên và buông bỏ những nỗi sợ đeo bám sẽ giúp mỗi F1 hay F2 mạnh mẽ và thông suốt hơn để ứng phó và xử lý các tình hình cho dịch bệnh phù hợp vào lúc này.
DƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
TNO