24/01/2025

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Cần đầu tư cho nội lực

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Cần đầu tư cho nội lực

Đã đến lúc các trường ĐH cần nhìn nhận nghiêm túc về việc bị bêu tên trong các bài báo bị gỡ bỏ, từ đó bỏ hẳn chủ trương sai lầm chạy theo thành tích ảo thông qua mua bán bài báo vô tội vạ.
Kết quả phân tích danh sách đồng tác giả bằng phần mềm VOSviewer cho Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân, một tác giả không thể xác định danh tính, dường như nằm ở trung tâm của một mạng lưới mafia khoa học. /// Ảnh Dương Tú
Kết quả phân tích danh sách đồng tác giả bằng phần mềm VOSviewer cho Narjes Nabipour của Trường ĐH Duy Tân, một tác giả không thể xác định danh tính, dường như nằm ở trung tâm của một mạng lưới mafia khoa học. ẢNH DƯƠNG TÚ

Mạng lưới mafia khoa học

Mặc dù chỉ là một tác giả không thể xác định danh tính, Narjes Nabipour dường như lại nằm ở trung tâm của mạng lưới bao gồm nhiều nhân vật đáng ngờ. Hình dưới đây thể hiện mối liên hệ giữa một nhóm tác giả đứng tên chung trong gần 2.000 bài báo khoa học. Mỗi tác giả trong mạng lưới có tối thiểu 10 bài. Đường cong nối tên 2 tác giả bất kỳ cho biết các tác giả đó có chung bài báo trong khi mức độ đậm nhạt của đường kết nối tỷ lệ với số lượng bài báo đứng tên chung.
Có thể thấy ngay tất cả những nhân vật được nhắc tên trong các phần trước đều kết nối trực tiếp với nhau hoặc chỉ thông qua một tác giả trung gian mà thôi. Thật vậy, siêu nhân bí ẩn Narjes Nabipour có quan hệ trực tiếp với cả đầu nậu Kittisak Jermsittiparsert, tác giả giả mạo David Ross lẫn Timon Rabczuck và – dĩ nhiên rồi – “cha đẻ” của mình là “ông vua bị rút bài” Shahaboddin Shamshirband.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Cần đầu tư cho nội lực - ảnh 1

Kết quả tra cứu cơ sở dữ liệu của Retraction Watch cho thấy trên 30 bài báo có địa chỉ từ Việt Nam đã bị các tạp chí gỡ bỏ. ẢNH DƯƠNG TÚ

Nếu lấy Kittisak Jermsittiparsert làm nhân vật chính, chúng ta lại thấy ngoài kết nối trực tiếp với Narjes Nabipour, để rồi thông qua đó liên hệ với Shahaboddin Shamshirband, cai thầu này còn có quan hệ với tác giả của cái tên Narjes Nabipour qua trung gian Yun Wang hoặc Sultan Noman Qasem.
Tương tự, Kittisak Jermsittiparsert cũng kết nối với tác giả giả mạo David Ross thông qua Dangquan Zhang hoặc Muhammad Aqeel Ashraf trong công trình “Enhancing the adsorption performance and sensing capability of Ti-doped MoSe2 and MoS2 monolayers by applying electric field” bị tạp chí Applied Surface Science rút bỏ kể trên.
Đến lượt David Ross, ngoài liên kết trực tiếp với Narjes Nabipour và Abdollahzadeh Jamalabadi trong loạt 4 bài bị rút bỏ mà chúng tôi đã trình này cũng như kết nối gián tiếp với Kittisak Jermsittiparsert như vừa nói, tác giả giả mạo này còn có quan hệ với Timon Rabczuk thông qua nhân vật trung gian là Meysam Jamshidian. Giữa Timon Rabczuk và Shahaboddin Shamshirband lại là quan hệ trực tiếp, chặt chẽ thông qua hàng chục bài báo hai người đứng tên chung.

Có thể chỉ là sự khởi đầu

Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng qua, 2 trường ĐH của Việt Nam đã bị xướng tên 7 lần (Tôn Đức Thắng 5, Duy Tân 2) trong loạt bài báo bị nhiều tạp chí gỡ bỏ vì gian lận tác giả. Cố nhiên, không phải bài báo nào bị gỡ cũng đáng chê trách, chẳng hạn như trường hợp tác giả phát hiện sai sót vô ý và chủ động đề nghị tạp chí cho rút bài, nhưng toàn bộ 7 bài báo trên lại bị gỡ bỏ vì hành vi sai trái, cố tình gian lận. Đó thực sự là hành vi mà ở nhiều nước coi trọng liêm chính và đạo đức khoa học, tác giả của những bài báo bị gỡ bỏ vì lý do này gần như chắc chắn bị sa thải.
Không thể không đặt câu hỏi có bao nhiêu “cai thầu” khác đã được lén lút thêm vào các bài báo rồi phù phép biến thành tác giả liên hệ cũng như bao nhiêu tác giả giả mạo, hoặc tác giả không thể xác định danh tính đã và đang đóng góp vào thành tích ảo của các trường mua bài. Với những phân tích trên đây, chúng tôi có cơ sở để lo ngại rằng danh sách bài báo bị rút có địa chỉ từ Việt Nam có thể sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Bảy bài báo vừa bị gỡ bỏ không phải hậu quả cuối cùng của vấn nạn mua bán bài báo khoa học mà có lẽ chỉ là khởi đầu của những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài hơn. Tuy các tạp chí cần thời gian điều tra và xem xét các hành vi sai trái khiến việc rút bài có thể xuất hiện trễ nhưng kết cục đó chắc chắn sẽ xảy đến một khi gian lận bị lộ.
Đã đến lúc các trường ĐH của Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc nguy cơ mất uy tín do bị bêu tên thêm nhiều lần nữa trong các bài báo bị gỡ bỏ vì gian lận, từ đó bỏ hẳn chủ trương sai lầm chạy theo thành tích ảo thông qua mua bán bài báo vô tội vạ, dành nguồn lực đầu tư cho nội lực nghiên cứu và hợp tác khoa học thực chất để phát triển lành mạnh, bền vững. Hãy thử ước tính kinh phí chi trả cho hàng ngàn bài báo được gắn tên các trường đại học ở Việt Nam chuyển cho các mafia khoa học như vậy được dùng để đầu tư cho các nhà khoa học đang làm việc ngay tại các trường đó sẽ mang lại hiệu quả thực chất lớn lao như thế nào.
Các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khoa học Việt Nam cũng cần quan tâm thúc đẩy liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu và công bố khoa học để các nhóm mafia khoa học nước ngoài, những tác giả giả mạo, những siêu nhân từ trên trời rơi xuống không còn cơ hội hút máu các trường đại học trong nước cũng như làm ô danh nền khoa học nước nhà bằng những chiêu trò gian lận đáng xấu hổ.
TS Ngô Đức Thế làm việc ở ĐH Manchester, Vương quốc Anh; TS Dương Tú làm việc ở ĐH Purdue, Mỹ. Các tác giả điều tra và viết loạt bài với tư cách cá nhân nhà khoa học, muốn góp phần làm trong sạch cộng đồng khoa học Việt Nam.