Giúp trẻ vẫn ôn tập kiến thức mà chơi trong mùa hè
Giúp trẻ vẫn ôn tập kiến thức mà chơi trong mùa hè
Mùa hè năm học này, do ảnh hưởng dịch bệnh, trẻ không được tham gia các hoạt động bên ngoài, mà chỉ sinh hoạt ở nhà.
Những năm trước đây, mùa hè đến, học sinh được phụ huynh lên kế hoạch với nhiều hoạt động bổ ích như đi du lịch, về quê, học các lớp kỹ năng sống, học ngoại ngữ… Mùa hè năm học này, do ảnh hưởng dịch bệnh, trẻ không được tham gia các hoạt động bên ngoài, mà chỉ sinh hoạt ở nhà.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy không tốt ảnh hưởng đến trẻ.
Đa số phụ huynh, vì không có điều kiện quản lý, thiếu sự quan tâm hoặc vì chiều chuộng con trẻ nên dẫn đến hiện tượng dễ thấy trong những ngày hè này là: trẻ lơ là, bỏ bê sách vở; phá vỡ nề nếp sinh hoạt thường ngày như ăn uống thiếu điều độ, ngủ quá nhiều; lạm dụng việc sử dụng điện thoại, máy tính, xem ti vi… Nếu thực trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại như nghiện game, béo phì, sức khỏe tâm thần sa sút, gây ảnh hưởng không nhỏ khi trẻ quay trở lại trường. Vậy phụ huynh phải làm sao để quản lý con tốt hơn trong hè?
Trước tiên, cần lên kế hoạch cho trẻ về các mặt sinh hoạt, học tập, giải trí hằng ngày. Kế hoạch này phải chi tiết, cụ thể, có sự cam kết, thỏa thuận của trẻ, có sự khuyến khích để con thực hiện và phải theo dõi, kiểm tra.
Chẳng hạn về học tập, phụ huynh không nên quá nặng nề, song không được bỏ rơi trẻ. Nên dành một khoảng thời gian ôn tập lại kiến thức cũ, nhất là những môn con còn yếu. Cho trẻ tiếp xúc với chương trình mới nhưng không nên học trước chương trình. Đây là thời gian rất tốt để trẻ rèn luyện ngoại ngữ, phát triển một môn năng khiếu, nghệ thuật nào đó.
Quản lý thời gian ăn uống, ngủ, sinh hoạt của các em. Không nên cho con ngủ quá nhiều. Ăn nhiều bữa trong ngày và ít vận động cũng dễ gây béo phì. Vì vậy, cần hướng dẫn cho trẻ tập thể dục, thể thao nhẹ tại nhà mỗi ngày. Không để trẻ tùy tiện sử dụng điện thoại, máy tính và xem ti vi mà không có sự kiểm soát. Phải coi đây là các phương tiện giải trí cần thiết của các em. Vì vậy, không nên cấm mà cần có sự quy định về thời gian sử dụng hợp lý, hài hòa với các sinh hoạt khác.
Nếu phụ huynh không có cách kiểm soát thì các em sẽ sa đà với các trò chơi game và có nguy cơ nghiện game, làm lãng phí thời gian, bỏ bê học tập, ảnh hưởng đến thị lực và không có thời gian để rèn luyện các kỹ năng sống.
Do đó, phụ huynh cần hướng các em rèn luyện sức khỏe, tham gia học tập và làm những việc có ích, phù hợp với lứa tuổi nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Ở lứa tuổi học sinh, không phải em nào cũng biết tự kiềm chế cảm xúc của bản thân. Muốn kiềm chế cảm xúc thì cũng phải học, rèn luyện nhận thức và tuân thủ nguyên tắc sinh hoạt cơ bản.
Do đó, hơn ai hết, phụ huynh phải quan tâm, giám sát các con của mình, kịp thời điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, thiếu chuẩn, đặc biệt là định hướng cho các em làm những việc có ích trong dịp hè.
TRẦN NHÂN TRUNG – ĐỖ VĂN NHÂN
TNO