LỜI NÓI ĐẦU ƠN GỌI NHÀ LÃNH ĐẠO NÔNG NGHIỆP

Giáo Hội vốn hy vọng rằng các nhà lãnh đạo nông nghiệp Kitô giáo, được truyền cảm hứng từ sự hiểu biết sâu sắc về công việc và cuộc sống của họ, sẽ biến đổi hệ thống lương thực hiện đại của chúng ta mãi mãi thành những lực lượng đề cao phẩm giá con người của mỗi cá nhân, giữ gìn toàn vẹn môi trường và thăng tiến công ích.

LỜI NÓI ĐẦU ƠN GỌI NHÀ LÃNH ĐẠO NÔNG NGHIỆP

Đan Quang Tâm dịch

Tài liệu này ra đời thông qua công việc do Hiệp hội Nông dân Công giáo Quốc tế (ICRA tại Rome) thực hiện trong nhiều năm qua. Cộng tác với Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (Rome), Cuộc sống Nông thôn Công giáo của Hoa Kỳ, các Doanh nghiệp của Liên minh Nông dân (Hội Nông dân Minnesota, Hội Nông dân Montana, Hội Nông dân Bắc Dakota, Hội Nông dân Nam Dakota và Nông dân Wisconsin Union), và nhiều tổ chức khác trên thế giới, các thành viên ICRA đã quan sát các ứng dụng của giáo huấn xã hội Công giáo vào các lĩnh vực hoạt động khác của con người – chẳng hạn như kinh doanh và giáo dục – và bắt đầu hỏi tại sao các phương pháp tương tự không được phát triển cho nông nghiệp. Nông nghiệp, xét cho cùng, là một ngành doanh nghiệp nhân bản sử dụng nhiều nam giới và phụ nữ hơn bất kỳ khu vực kinh tế nào khác và cung cấp những điều cơ bản của cuộc sống — từ thực phẩm đến quần áo — cho tất cả mọi người. Những câu hỏi về phẩm giá con người và công ích — những tiêu chí hướng dẫn của giáo huấn xã hội Công giáo — chắc chắn luôn hiện diện trong hệ thống nông trại và thực phẩm hiện đại. Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua nạn đói trong gia đình nhân loại? Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng và bền vững? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng những nông dân và những chủ sở hữu các trang trại nhỏ, ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, sống và làm việc có phẩm giá? Làm thế nào để đất, nước và các yếu tố khác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa có thể được bảo tồn, bảo vệ và sử dụng tốt để phục vụ công ích?

Được truyền cảm hứng từ các tài liệu như Ơn gọi Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp, quá trình tạo ra suy tư này bắt đầu với sự hiểu biết rằng canh tác là một cách sống độc đáo và đặc quyền, xứng đáng có nền tảng thần học của riêng nó. Để nêu rõ điểm khởi đầu này, các nhà tổ chức đã triệu tập một số hội nghị chuyên đề và các cuộc họp nhỏ hơn quy tụ các nông dân, các nhà hoạch định chính sách, giám đốc điều hành các tập đoàn thực phẩm và các nhà thần học nhằm áp dụng sự khôn ngoan của truyền thống đức tin vào những thách thức thực tế ngành nông nghiệp hiện đại phải đối mặt. Một hội nghị chuyên đề quốc gia về Đức tin, Thực phẩm & Môi trường đã được tổ chức tại thành phố St. Paul, thủ phủ của Bang Minnesota vào tháng 11 năm 2014, và tiếp theo là một cuộc họp quốc tế tại Milan, Ý, vào tháng 6 năm 2015, cùng lúc với hội chợ Expo 2015: Nuôi dưỡng Hành tinh, Năng lượng cho Cuộc sống. Ngoài ra, một số các nhóm tập trung và các cuộc họp được tổ chức trên khắp thế giới đã cho phép nhiều bên liên quan đóng góp quan điểm của họ vào tài liệu này.

Nông dân và chủ trang trại và tất cả những người liên quan đến sản xuất nông nghiệp được kêu gọi thực hiện công việc của họ với những câu hỏi lớn hơn về phẩm giá con người và công ích. Tuy nhiên, với sự phức tạp của nông nghiệp trong kỳ nguyên toàn cầu hoá, công nghệ và công nghiệp hoá chưa từng có, việc hiểu mối quan hệ — và bổn phận — của mình đối với người khác, với Thiên Chúa và môi trường có thể là một nhiệm vụ nặng nề. Bằng cách đan xen những hiểu biết thực tế của những người tham gia hội nghị chuyên đề của chúng tôi — nhiều người trong số họ là nông dân trên mặt trận nông nghiệp — với những chân lý thần học về nhân loại và công trình tạo dựng được tìm thấy trong đức tin Kitô giáo, suy tư này xác định những thách thức liên kết mà các hệ thống lương thực hiện đại phải đối mặt và đề xuất một tư duy hướng nghiệp để đối phó những thách thức này.

Bất chấp tiềm năng của các hệ thống lương thực trên thế giới, đây là những thời điểm khó khăn trong đó cả sinh thái tự nhiên lẫn sinh thái con người đang bị ảnh hưởng bất lợi bởi cùng các công nghệ và các thực hành tạo ra thặng dư lương thực, lãng phí thực phẩm, thực phẩm không lành mạnh và tình trạng suy dinh dưỡng giữa đói ăn và béo phì. Và trong bối cảnh vốn đã có vấn đề này, đại dịch COVID-19 toàn cầu càng khiến nhu cầu phải thay đổi trở nên càng hiển nhiên hơn.

Tuy nhiên, Giáo Hội vốn hy vọng rằng các nhà lãnh đạo nông nghiệp Kitô giáo, được truyền cảm hứng từ sự hiểu biết sâu sắc về công việc và cuộc sống của họ, sẽ biến đổi hệ thống lương thực hiện đại của chúng ta mãi mãi thành những lực lượng đề cao phẩm giá con người của mỗi cá nhân, giữ gìn toàn vẹn môi trường và thăng tiến công ích.

Tổng Giám mục Paul D. Etienne

Chủ tịch, Đời sống Nông dân Công giáo

Ông James F. Ennis

Chủ tịch, ICRA (Hiệp hội Nông dân Công giáo Quốc tế)