10 xét nghiệm tuổi 50 không nên bỏ qua
10 xét nghiệm tuổi 50 không nên bỏ qua
Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến người tuổi 50 mắc nhiều bệnh nghiêm trọng hơn, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, bệnh thận và ung thư.
Mọi người đều lo lắng về sức khỏe của mình. Nhưng bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, bạn có thể phát hiện ra bệnh trong giai đoạn đầu khi còn dễ điều trị. Sau đây là 10 xét nghiệm mọi người cần làm khi bước sang tuổi 50, theo healthdirect.org.au.
1. Kiểm tra mỡ máu (cholesterol)
Nên kiểm tra cholesterol và lipid 5 năm một lần bằng xét nghiệm máu hoặc cứ sau 1 đến 2 năm đối với người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Mức cholesterol cao có thể tích tụ trong động mạch và làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Mỡ cao không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, chỉ có cách duy nhất là xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu có thể cho biết nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và tiểu đường.
|
2. Kiểm tra huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ
Nên kiểm tra huyết áp và bệnh tim mạch 2 năm một lần, hoặc 6 – 12 tháng một lần nếu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trung bình, hoặc 6 đến 12 tuần một lần nếu có nguy cơ cao, theo healthdirect.org.au.
3. Kiểm tra bệnh tiểu đường loại 2
Ở độ tuổi 50, nên kiểm tra 3 năm một lần, hoặc 12 tháng một lần nếu cảm thấy lo lắng mình có nguy cơ bệnh tiểu đường cao.
4. Bệnh thận
Theo cảnh báo của bác sĩ, người có nguy cơ cao nên đi khám bệnh thận 1 – 2 năm một lần.
5. Tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư gây tử vong thứ 2 trên thế giới. Gần 90% các trường hợp phát bệnh ở người trên 50 tuổi.
Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ một khối u nhỏ, phát triển chậm trong đại tràng, nếu không được kiểm soát, có thể tiến triển thành ung thư. Michael Sapienza, Giám đốc điều hành của tổ chức về ung thư đại tràng của Mỹ Colon Cancer, cho biết: “Đây là căn bệnh có thể chữa khỏi 90% nếu phát hiện sớm”, theo The Healthy.
Cứ 2 năm một lần, người từ 50 tuổi, nên xét nghiệm ung thư đại tràng bằng phương pháp xét nghiệm máu trong phân (FOBT), ngay cả khi không có triệu chứng hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư ruột. Tùy vào kết quả, bác sĩ có thể đề nghị làm nội soi, theo healthdirect.org.au.
6. Tầm soát ung thư phổi
Có thể xét nghiệm ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị mọi người từ 55 đến 80 tuổi đang hút thuốc hoặc đã từng nghiện thuốc lá nặng nên làm xét nghiệm này hằng năm.
7. Kiểm tra chứng phình động mạch chủ bụng
Đây là xét nghiệm siêu âm động mạch chủ bụng, ở vùng dạ dày, nếu thành động mạch yếu bị vỡ, có thể dẫn đến chảy máu – thường gây chết người.
Động mạch chủ là mạch máu chính trong cơ thể, bơm máu từ tim đi khắp cơ thể. Nếu động mạch chủ bị phình to, nó có thể vỡ ra, gây chảy máu trong, đe dọa tính mạng, theo healthdirect.org.au.
Phình động mạch chủ bụng thường không có các triệu chứng nên xét nghiệm có thể nhận ra trước khi bị vỡ. Thường chỉ có nam giới cần làm xét nghiệm này.
8. Xét nghiệm viêm gan C
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo, bất kỳ ai trên 18 tuổi cần đi xét nghiệm viêm gan C. Nếu chưa được sàng lọc, nên đi làm xét nghiệm này.
9. Khám mắt
Nên khám mắt bắt đầu từ tuổi 40, vì nhiều dấu hiệu của bệnh mắt rất tinh vi. Trong đó, bệnh tăng nhãn áp có thể phát triển trước khi người bệnh nhận ra.
Các bệnh khác phát sinh theo tuổi tác bao gồm đục thủy tinh thể, giảm thị lực, khó nhìn khi lái xe vào ban đêm, đau mắt, đỏ mắt, nhấp nháy và thấy lóe sáng ở mắt, theo The Healthy.
10. Tầm soát ung thư vú
Bình thường, phụ nữ từ độ tuổi 50, nên chụp nhũ ảnh 2 năm một lần, theo healthdirect.org.au.
Nhưng Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên nên bắt đầu từ tuổi 45, và chụp hằng năm cho đến khi 55 tuổi, sau tuổi này có thể chụp 2 năm 1 lần.
Nên đi khám ngay nếu thấy hoặc cảm thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào trên ngực.
Ngoài ra, phụ nữ từ 21 – 65 tuổi, nên xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung 2 năm 1 lần.
THIÊN LAN
TNO