18/11/2024

WHO xác nhận biến thể corona ở Việt Nam không phải chủng lai Anh – Ấn

WHO xác nhận biến thể corona ở Việt Nam không phải chủng lai Anh – Ấn

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nói rằng biến thể virus corona mới phát hiện ở Việt Nam không phải là chủng lai, mà là đột biến bổ sung của biến thể phát hiện tại Ấn Độ.

 

WHO xác nhận biến thể corona ở Việt Nam không phải chủng lai Anh - Ấn - Ảnh 1.

Lực lượng y tế trao đổi công việc trước khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân – Ảnh: NHẬT THỊNH

“Không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO. Biến thể được phát hiện là biến thể Delta, với các đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm. Chúng ta cần theo dõi trong vài tuần tới” – ông Kidong Park, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trả lời báo Nikkei Asia ngày 3-6.

Ông đề cập đến “biến thể Delta” được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và xuất hiện ở nhiều quốc gia khác. “Nó thuộc một biến thể [Delta] hiện có. Đây là một đột biến bổ sung – ông Park giải thích và nói thêm – Hiện tại không có cảnh báo đáng báo động nào từ WHO”.

Dù vậy, ông Park nhấn mạnh rằng biến thể Delta vẫn rất nguy hiểm vì nó rất dễ lây lan và lây lan rất nhanh.

Hôm 29-5, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, qua quá trình xét nghiệm và giải trình tự gene, cơ quan y tế phát hiện một biến chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa biến chủng tại Ấn Độ và biến chủng tại Anh.

Theo ông Long, đặc điểm của biến chủng lai này là lây lan nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Trước đó, nhà nghiên cứu Son Nghiem, thuộc Trung tâm Kinh tế y tế ứng dụng của Đại học Griffith (Úc), cũng đồng ý rằng WHO không cần thiết phải đưa ra cảnh báo mới. “Theo hiểu biết của tôi, các đợt bùng phát ở Bắc Giang và Bắc Ninh chủ yếu có liên quan đến biến thể (phát hiện lần đầu ở) Ấn Độ”, ông Nghiem nói với Nikkei Asia.

Ông Park cho rằng thách thức hiện nay của Việt Nam là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh thiếu hụt vắc xin, khi các nền kinh tế châu Á đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung.

“Cơ chế COVAX là một trong những giải pháp”, ông Park nhấn mạnh và cho rằng việc thiếu hụt xảy ra vào tháng 3 và tháng 4-2021 chủ yếu do sự bùng phát ở Ấn Độ. Ấn Độ là nhà sản xuất chính của vắc xin COVID-19 cho cơ chế COVAX, nhưng đã phải ngừng xuất khẩu vắc xin để ưu tiên cho trong nước, kể cả cho chương trình COVAX.

Nhưng ông Park khẳng định cam kết của COVAX về việc cung cấp vắc xin cho 20% dân số của các thành viên vào cuối năm nay vẫn còn hiệu lực. Việt Nam là thành viên của COVAX.

TRẦN PHƯƠNG
TTO