TP.HCM cấp tập dập dịch
TP.HCM cấp tập dập dịch
Đối mặt tình hình F0 ngoài cộng đồng đang lây lan dịch bệnh và có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây, TP.HCM đang cấp tập đồng loạt triển khai các biện pháp, kế hoạch… để sớm dập dịch Covid-19.
Chiều 2.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và công tác ứng phó.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận ổ dịch liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp) rất phức tạp. Ban đầu, nhóm sinh hoạt tôn giáo này khai có 22 người nhưng sau đó tăng lên 55 người, hiện có 40 thành viên dương tính với Covid-19, cư trú tại 16/22 quận huyện của TP.HCM. Một số thành viên của nhóm này đã lây lan dịch bệnh ra một số khu công nghiệp (KCN) và địa phương lân cận. Trong đó, Long An phát hiện một ca nhiễm là đầu bếp khách sạn Sheraton (Q.1), sau đó xác minh có thêm 14 thành viên khác cũng liên quan đến điểm truyền giáo, những người này từng đến nhà thờ Tin lành.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong trường hợp phát hiện người bệnh dương tính với Covid-19, phải liên hệ các BV được phân công tiếp nhận điều trị BN Covid-19 để chuyển người bệnh cách ly. Đối với người bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng thì chuyển BV dã chiến Củ Chi. Đối với người bệnh nặng hoặc kèm theo bệnh lý phức tạp, chuyển BV Bệnh nhiệt đới. Đối với bệnh nhi, chuyển BV Nhi đồng Thành phố. Khi cơ sở khám, chữa bệnh phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 thì phải kích hoạt quy trình xử lý trường hợp dương tính và báo cáo về Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời, hạn chế lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Sáng 2.6, Long An đã áp dụng Chỉ thị 15 ở 5 huyện giáp với TP.HCM. Theo ông Bỉnh, ngành y tế vẫn chưa chắc chắn còn thành viên nào của nhóm truyền giáo trên chưa được phát hiện và các thành viên của nhóm có mối liên hệ với các nhóm khác hay không.
|
Ứng dụng công nghệ robot gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe người dân
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, một số nghiên cứu mới đây chỉ ra khoảng 60 – 70% ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nên công tác lấy mẫu tầm soát cần thực hiện ở những khu vực có tính toán trước. Để nâng cao hiệu quả xét nghiệm tầm soát, ngành y tế cần chủ động hỏi thăm sức khỏe người dân bên cạnh hình thức khai báo y tế.
TP.HCM nên xét nghiệm đánh giá mức độ dịch trong cộng đồng, KCN
Lưu ý thêm về triển khai chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, cho rằng TP.HCM cần tiếp tục truy vết khẩn trương các ca liên quan ca bệnh xác định, để không lây lan rộng; nên xét nghiệm sàng lọc, chọn mẫu để đánh giá dịch: đã lây lan rộng hay hẹp, số mắc nhiều hay ít. Cùng với lấy mẫu tại các khu vực nguy cơ cao được khuyến cáo thường xuyên như BV, nhân viên y tế, BN và người nhà, trong cộng đồng cũng nên chọn mẫu tại các khu vực công cộng như: siêu thị, bến tàu xe. Đặc biệt, cần lấy mẫu chủ động đánh giá nguy cơ trong KCN. Trong khu phong tỏa, giãn cách, người dân cần được hướng dẫn và thực hiện rất nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, bùng phát dịch .
Liên Châu
Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM nên triển khai thêm biện pháp ứng dụng công nghệ robot gọi điện tự động đang được triển khai ở Bắc Giang và Bắc Ninh phục vụ công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, hệ thống sẽ lấy toàn bộ dữ liệu ở TP.HCM rồi phân nhóm, những khu vực nguy hiểm thì triển khai gọi điện hỏi thăm người dân các triệu chứng và chủ động đến lấy mẫu xét nghiệm. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-CN phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức triển khai, đồng thời lưu ý cách làm cần phải tránh trùng lắp để người dân không cảm thấy khó chịu.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết giải pháp trên là cần thiết và đề nghị đơn vị vận hành sau khi phân tích thông tin thăm dò sức khỏe người dân thì chuyển về cho TP.HCM vào cuối mỗi ngày để xử lý ngay. Về công tác phòng dịch trong KCN, ông Đức cho hay đang hoàn thiện danh sách công nhân ở các KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao và thu thập thông tin cơ bản, ít nhất phải có số điện thoại và địa chỉ đang cư trú.
|
Truy tìm F0 khắp nơi
Ở một diễn biến khác, liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp) đã lây ra cho hơn 200 trường hợp nhiễm bệnh, các chuyên gia nhận định, số người lây nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên. Để dập dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo lấy mẫu không chỉ khu vực có ca bệnh, mở rộng khu vực nguy cơ thì còn lấy mẫu tại các doanh nghiệp, KCN. Theo ước tính, nếu lấy hết khu vực doanh nghiệp, KCN, TP.HCM lấy khoảng 1,6 triệu mẫu. Trước mắt là các KCN, khu công nghệ cao để giám sát.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh. Đối với các phường có nhiều ca bệnh như: 3, 5, 9, 15 (Q.Gò Vấp) và P.Thạnh Lộc (Q.12), P.15 (Q.Bình Thạnh)… thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân toàn phường. Đối với các phường ít ca bệnh thì xét nghiệm khoanh vùng rộng cho khu phố có ca bệnh và những khu phố lân cận theo tổ bầu cử (khoảng 1.500 – 2.000 người). Còn đối với các khu chung cư, tòa nhà có căn hộ, văn phòng công ty phát hiện ca bệnh thì lấy mẫu toàn bộ người cư trú, người làm việc trong tòa nhà do môi trường nguy cơ cao lây nhiễm (khép kín, máy lạnh), nhiều khu vực thông thương sử dụng chung…
Theo Giám đốc Sở Y tế, TP.HCM huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (xét nghiệm 20.000 mẫu gộp). Ngành y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm Covid-19, những ngày vừa qua trung bình xét nghiệm 50.000 người/ngày (10.000 mẫu gộp/ngày). Ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, cho biết thêm tính từ ngày 26.5 đến nay, toàn Q.Gò Vấp đã lấy khoảng 160.000 mẫu, một kỷ lục chưa từng có để phát hiện hàng loạt F0 tại quận này.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin, từ ngày 1.6, TP.HCM mở rộng xét nghiệm ở các KCN, mà trọng điểm là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng linh kiện điện tử với khoảng 25.000 mẫu. Hiện TP.HCM tập trung lấy mẫu xét nghiệm các khu ký túc xá, khu công nhân, sau đó mở rộng ra toàn bộ 280.000 công nhân làm việc tại 17 KCN, KCX.
Trong 5 ngày qua, TP.HCM ghi nhận trung bình khoảng 50 ca nhiễm/ngày, ngành y tế đang truy vết thêm các thành viên có thể đã bỏ sót. Ngành y tế đã lấy mẫu 3.770 trường hợp F1, trong đó hơn 2.900 mẫu âm tính, số còn lại chờ kết quả; tổng số F2 và mở rộng xét nghiệm hơn 270.000 người, đến nay đã có gần 93.000 mẫu âm tính.
Theo ông Bỉnh, các ca nhiễm đã xuất hiện ở 20/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, nhiều nhất là Q.Gò Vấp (54 ca), Q.12 (23), Bình Thạnh (22), Tân Phú (24), Tân Bình (25 ca)… Sở Y tế đánh giá các quận trên có dân số và mật độ dân cư cao, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ TP.HCM), hiện TP.HCM có 145 điểm sinh hoạt tôn giáo tương tự điểm truyền giáo Phục Hưng ở Q.Gò Vấp. Ngành y tế sẽ đưa các hội nhóm này vào diện xét nghiệm tầm soát.
Xét nghiệm cho bệnh nhân và người nhà
Ngày 2.6, Bệnh viện (BV) tâm thần Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) phong tỏa một phần vì có ca Covid-19 đến khám. Trước đó, BV Q.Bình Thạnh, BV Nhi đồng Thành phố, BV Phụ sản Mê Kông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. BV Hoàn Mỹ Sài Gòn sau 3 ngày phong tỏa đã hoạt động trở lại. Riêng BV Q.Tân Phú tạm thời phong tỏa toàn bộ do phát hiện 2 nhân viên dương tính Covid-19. Ngoài ra, 3 phòng khám đa khoa phải ngừng là Hòa Hảo (Q.10), Trần Diệp Khanh (Q.Gò Vấp), Xóm Mới (Q.Gò Vấp).
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có nhiều trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đến khám và điều trị tại phòng khám, BV nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này dẫn đến BV, phòng khám phải tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân (BN) ngoại trú. Do đó, Sở Y tế yêu cầu, khi BN nhập viện để điều trị trong ngày hoặc điều trị nội trú, BV phải lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR cho người bệnh và thân nhân người bệnh để tầm soát Covid-19. Nguồn kinh phí thực hiện từ quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 đối với BN có thẻ BHYT; ngân sách nhà nước chi trả đối với các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT.
“BV, phòng khám bố trí thêm cổng riêng hoặc lối đi riêng, có bảng thông báo rõ ràng cho những người bệnh chủ động đến khám tầm soát nguy cơ mắc Covid-19. Cổng và lối đi riêng sẽ giúp người bệnh di chuyển tới buồng khám sàng lọc thuận tiện, nhanh chóng, nhằm hạn chế người bệnh di chuyển nhiều nơi trong cơ sở khám, chữa bệnh”, ông Thượng yêu cầu.
DUY TÍN – SỸ ĐÔNG
TNO