24/12/2024

Những người bị cách ly cả đời ở Ấn Độ

Những người bị cách ly cả đời ở Ấn Độ

Covid-19 dẫn đến các đợt phong toả, gây nên nhiều bất tiện. Tuy nhiên, có những người đã phải sống trong cảnh cách ly cả đời: những người bị phong ở Ấn Độ.
Năm 2005, Ấn Độ tuyên bố bệnh phong không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng, nhưng số ca bệnh ở đây vẫn cao nhất thế giới /// Chụp màn hình South China Morning Post
Năm 2005, Ấn Độ tuyên bố bệnh phong không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng, nhưng số ca bệnh ở đây vẫn cao nhất thế giới  CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Ở đỉnh dịch Covid-19, hàng triệu người trên thế giới phải sống dưới hết đợt phong tỏa này đến lần giãn cách xã hội khác. Các biện pháp chống dịch này ít nhiều cũng gây bất tiện cho họ. Tuy nhiên, người đàn ông Ấn Độ Ghulam Mohammad Dar (51 tuổi) đã phải sống như vậy trong 40 năm qua.

Ông Dar lớn lên tại một ngôi làng ở Manasbal, cách Srinagar trong khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khoảng 65 km. Khi ông Dar còn nhỏ, cha mẹ nhận thấy tay chân của ông biến dạng. Vào mùa hè, da của Dar bầm tím, nứt nẻ và mùa đông thì lành lại.

“Chỉ khi một thầy lang đến khám, chúng tôi mới biết đó là bệnh phong”, ông Dar nói với South China Morning Post. “Thật không may, bệnh này không có cách chữa trị vào lúc đó”.

Năm 11 tuổi, ông Dar được đưa vào Viện điều dưỡng Bahar-Aar, một trại phong ở Kashmir. Đây là một trong số khoảng 800 trại phong ở Ấn Độ.

“Bệnh này có thể lây lan, tức là những xung quanh tôi cũng có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, các trưởng làng ngay lập tức quyết định rằng tôi nên đến trại phong. Kể từ đó, nơi này là nhà của tôi”, ông Dar tâm sự.

Những người bị cách ly cả đời ở Ấn Độ - ảnh 1

Ghulam Mohammad Dar trong khu vườn cạnh nhà ở Viện điều dưỡng Bahar-Aar  CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Nỗi ám ảnh theo cả đời

Bệnh phong do vi khuẩn mycobacterium leprae gây ra. Căn bệnh ảnh hưởng đến da, dây thần kinh, hệ hô hấp, mắt và có thể lây lan sang các cơ quan nội tạng nếu không được điều trị.

Năm 2005, Ấn Độ tuyên bố bệnh phong không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn số ca bệnh phong trên thế giới là ở Ấn Độ. Mặc dù chính phủ đã triển khai chương trình Xóa bỏ Bệnh Phong Quốc gia, Ấn Độ vẫn báo cáo hơn 100.000 ca bệnh phong mới mỗi năm.

Trong thời gian ở viện điều dưỡng, Dar buộc phải cắt cụt chân phải do bệnh trở nặng. Sau khi cha mẹ qua đời, các anh trai của ông Dar tiếp tục đến thăm ông. Đôi khi, họ đưa ông về nhà trong vài tuần. Tuy nhiên, ông Dar bị người khác kỳ thị vì bệnh phong, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng. “Khi về nhà, tôi thuê một chiếc xe riêng để tránh ánh nhìn của người khác”, ông Dar cho biết.

Sharif-ud-din Sheikh là hàng xóm của Dar trong trại phong. Ông Sheikh đã sống ở Viện điều dưỡng Bahar-Aar được 35 năm. Ông là người phát ngôn cho các bệnh nhân của trại và đã có những bài giảng nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

“Khi tôi đến đây, không có thuốc trị bệnh. Bệnh nhân phải ở đây để tách khỏi xã hội và không tiếp xúc với người khác”, ông Sheikh kể. “Tuy nhiên, vào năm 1994, mọi thứ thay đổi. Liệu pháp đa hóa trị liệu xuất hiện. Chúng tôi được dùng thuốc trong hai năm và đã được chữa khỏi hoàn toàn, triệu chứng cũng thuyên giảm”, người đàn ông này nói thêm.

Những người bị cách ly cả đời ở Ấn Độ - ảnh 2

Bệnh phong do vi khuẩn mycobacterium leprae gây ra CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Bệnh nhân phong ở Bahar-Aar không còn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, họ vẫn cần được chăm sóc và điều trị liên tục.

“Giờ chúng tôi không phải là những người bị phong. Chúng tôi chỉ đang phải sống với những tác động của bệnh. Tôi vẫn có làn da bị tăng sắc tố. Những người khác bị biến dạng bộ phận cơ thể, rối loạn cảm giác hoặc tê bì”, ông Sheikh cho biết.

“Nếu phải đoạn chi, chúng tôi sẽ mất thời gian rất lâu để lành lại. Chúng tôi cũng phải thay băng tại bệnh viện. May mắn thay, các bác sĩ rất tốt bụng với chúng tôi”, ông Sheikh bày tỏ.

Với sự cho phép của các bác sĩ, ông Sharif-ud-din Sheikh đã kết hôn khi sống ở Viện điều dưỡng Bahar-Aar. “Vợ tôi là người bị bệnh phong ở chân. Chúng tôi có hai đứa con khỏe mạnh. Con trai lớn của tôi đang theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Kashmir và đứa nhỏ đang học lớp 11”, ông kể.

Con cái cũng bị kỳ thị

Mặc dù bệnh đã được kiểm soát, con cái của những người bệnh phong cũng phải chịu sự kỳ thị như cha mẹ họ. Ali Mohammad đã dành phần lớn thời thơ ấu để che giấu bí mật của mình. Ông bà của anh mắc bệnh phong và thanh niên này lớn lên ở Viện điều dưỡng Bahar-Aar.

“Ở trường, tôi bị đối xử như thể tôi là người ngoài hành tinh”, chàng trai 28 tuổi này nói. “Không ai thích ngồi cạnh tôi. Các bạn cùng lớp của tôi sẽ chế nhạo tôi”, anh Mohammad nhớ lại. “Đó là chuyện rất kinh khủng và nó tác động mạnh đến tâm lý của tôi. Trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ cho bất kỳ người bạn nào xem nhà của mình. Tôi luôn có nỗi sợ rằng nếu họ biết tôi đến từ đâu, họ sẽ nghĩ khác”, anh kể thêm.

Những người bị cách ly cả đời ở Ấn Độ - ảnh 3

Viện điều dưỡng Bahar-Aar Sanatorium, một trong 800 trại phong ở Ấn Độ  CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Sau khi học xong, Mohammad chuyển đến bang Punjab lấy bằng thạc sĩ về khoa học máy tính. Và khi gặp người phụ nữ sẽ trở thành vợ mình, anh Mohammad đã tiết lộ câu chuyện của gia đình.

“Cô ấy xuất thân từ ngành y và cô ấy không coi bệnh phong là điều cấm kỵ. Cô ấy thông cảm và thấu hiểu cho người bệnh. Tuy nhiên, ra ngoài xã hội Ấn Độ, cho đến khi chết, chúng tôi sẽ luôn bị đối xử như ‘những người khác biệt’”, ông Mohammad tâm sự.

ĐÔNG A

TNO