22/12/2024

Hơn 4.000 trẻ em phải cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh

Hơn 4.000 trẻ em phải cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh

Hơn 4.000 trẻ em đang ở điểm nóng dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, rời xa vòng tay gia đình. Trong dịch bệnh, trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi. Trước mắt cần có ‘4 gói dịch vụ’ để hỗ trợ các em.

 

Hơn 4.000 trẻ em phải cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh - Ảnh 1.

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hè vui khỏe, an toàn” vừa diễn ra tối 1-6 – Ảnh: HÀ THANH

Tối 1-6, Hội đồng Đội trung ương tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hè vui khỏe, an toàn” chính thức khai mạc và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho biết trong đợt dịch bùng phát thứ tư, có đến hơn 4.000 trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, không có gia đình cạnh bên có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý.

PGS.TS Trần Xuân Bách, phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết trong các nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch. Đồng thời chỉ ra có ba nhóm đối tượng trẻ em chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cụ thể, nhóm thứ nhất là nhóm trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp là những trẻ đang phải đi chữa bệnh, cách ly tập trung.

Nhóm thứ hai là trẻ chịu ảnh hưởng gián tiếp gặp những khó khăn như sự xáo trộn về điều kiện học tập, sinh hoạt, tác động về mặt tâm lý, chưa kể có thể còn gặp phải áp lực từ người lớn. Kể cả con em lực lượng tuyến đầu cũng đang phải đối diện những tác động về mặt tâm lý khi phải xa bố mẹ.

Nhóm thứ ba là nhóm trẻ em chịu “tác động kép” là trẻ em yếu thế, tàn tật, trẻ em ở vùng sâu vùng xa.

Trước tình hình đó, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, trưởng ban công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội trung ương, cho biết mới đây Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương đã có chỉ đạo đến các tỉnh, thành đoàn chủ động phối hợp, tổ chức và triển khai tốt các hoạt động hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các em ở trong gia đình chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ông Đặng Hoa Nam cũng đưa ra “4 gói dịch vụ” quan trọng, cần thiết nhất cho trẻ em trong giai đoạn này.

Trước hết là gói chi phí hỗ trợ cho trẻ điều trị tại bệnh viện, cách ly tập trung vì COVID-19. Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã có quyết định trích Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để trả toàn bộ chi phí thời gian các em phải đi cách ly tập trung, 21 ngày (tính từ thời điểm bùng phát dịch thứ tư đến ngày 31-12-2021).

Thứ hai là gói đồ dùng thiết yếu, bởi các em rất cần khẩu trang phù hợp kích cỡ, đồ dùng, bàn chải, kem đánh răng, thậm chí đồ chơi, cuốn sách để tạo niềm vui trong khu cách ly.

Thứ ba, gói hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, sức đề kháng cho trẻ. Ông Nam tính toán, mỗi một trẻ cần 2 hộp sữa mỗi ngày, 21 ngày sẽ cần khoảng 1 thùng sữa/em nhỏ.

Hai gói hỗ trợ này rất cần sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội chung tay vì trẻ em.

Thứ tư, gói hỗ trợ về mặt tâm lý. Tuy nhiên tại khu cách ly trẻ không có bố mẹ đi cùng vì không thể tạo thêm áp lực cho đội ngũ tuyến đầu, do đó, chỉ có thể hỗ trợ được các em phần nào về mặt tâm lý. Cần tăng cường cho trẻ tiếp cận đồ chơi, sách vở, hoặc tiếp cận Tổng đài 111 để có thể được tư vấn tâm lý, tổ chức các chương trình tư vấn tâm lý trực tuyến cho trẻ…

HÀ THANH
TTO