23/01/2025

ĐTC cải tổ hình luật của Giáo hội. Lòng thương xót đòi phải sửa phạt

ĐTC cải tổ hình luật của Giáo hội. Lòng thương xót đòi phải sửa phạt

“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa, lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn.” (x. 1Pr 5,2). Với những lời này Đức Thánh Cha đã ban hành Tông hiến “Pascite Gregem Dei” (Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa) trong đó ngài sửa đổi quyển VI của Bộ Giáo luật, về hình luật trong Giáo hội. Việc sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 8/12 năm nay.

Tiến trình sửa đổi Bộ Giáo luật đã được Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI bắt đầu từ năm 2007, trong tình thần “tập thể và cộng tác” của các chuyên gia Giáo luật, các hội đồng giám mục, các bề trên thượng cấp của các hội dòng và Giáo triều Roma, và được gửi lên cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 2/2020.

Công cụ cứu độ và sửa chữa hiệu quả hơn

Đức Thánh Cha giải thích việc sửa đổi: “Để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của Giáo hội trên toàn thế giới, cần phải sửa đổi hình luật do Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng 1 năm 1983, trong Bộ Giáo luật, và điều đó cần thiết được sửa đổi để cho phép các mục tử sử dụng nó như một công cụ cứu độ và sửa chữa hiệu quả hơn, được sử dụng kịp thời và với lòng bác ái mục vụ để tránh những tệ nạn nghiêm trọng hơn và xoa dịu những vết thương do sự yếu đuối của con người gây ra.”

Tương quan giữa long thương xót và công bằng

Từ nhiều thế kỷ, Giáo hội đã có những quy tắc để hợp nhất Dân Chúa và các giám mục có trách nhiệm thi hành các quy luật này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “lòng bác ái và thương xót đòi hỏi một người Cha cũng cam kết sửa trị những gì đôi khi sai lạc”. Ngài nhận xét rằng trong quá khứ, việc thiếu nhận thức về mối quan hệ giữa thực thi bác ái và nại đến công bằng – nơi mà hoàn cảnh và công bằng đòi hỏi – để xử phạt, đã gây ra rất nhiều thiệt hại, trong nhiều trường hợp tạo ra tai tiếng và gây hoang mang cho các tín hữu.

Có 3 mục đích mà một mục tử phải ghi nhớ khi nại đến hệ thống tư pháp, đó là phục hồi các đòi hỏi của công lý, sửa chữa người phạm tội và đền bù các vụ bê bối.

Những thay đổi

Đức Thánh Cha cho biết bản văn mới đưa ra nhiều thay đổi đối với luật hiện hành và trừng phạt một số tội phạm mới. Bên cạnh đó, nó cũng được cải thiện về kỹ thuật, đặc biệt là liên quan đến các khía cạnh cơ bản của luật hình sự, chẳng hạn như quyền bào chữa, thời hiệu tố tụng hình sự, xác định chính xác hơn hình phạt bằng cách đưa ra “các tiêu chí khách quan trong việc xác định thêm hình phạt thích hợp được áp dụng trong trường hợp cụ thể”, giảm bớt sự quyền quyết định của bên có thẩm quyền, để tạo thuận lợi cho sự thống nhất của Giáo hội trong việc áp dụng các hình phạt, “đặc biệt đối với những tội phạm gây thiệt hại lớn hơn và tai tiếng cho cộng đoàn”. (CSR_4015_2021)

Hồng Thuỷ