Toà Thánh kêu gọi hành động chung khẩn cấp về biến đổi khí hậu
Phát biểu tại buổi họp báo quốc tế hôm 25/5 về di cư, do Tổ chức Quốc tế về Di cư tổ chức, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, nhấn mạnh: Trong sự biến đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với vấn đề di cư có khuôn mặt của con người. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải ứng phó theo cách tập thể và phối hợp.
Đi từ chủ đề “Hướng tới COP26: Đẩy mạnh hành động để giải quyết vấn đề di cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường”, Đức Tổng Giám mục nói: “Biến đổi khí hậu xảy ra khắp mọi nơi, nhưng khả năng ứng phó và thích ứng khác nhau. Và hậu quả là người nghèo bị ảnh hướng trước hết. Do vậy, điều cần thiết là phải nhận ra rằng khủng hoảng khí hậu có một khuôn mặt của con người, nghĩa là có những người buộc phải rời bỏ môi trường tự nhiên của họ do môi trường đã trở thành một nơi không thể sống được.”
Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh giải thích thêm: “Nó có vẻ như một quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế, sự xấu đi của khí hậu thường là kết quả của những chọn lựa sai lầm và các hoạt động phá hoại, của sự ích kỷ và cẩu thả đã khiến con người đối đầu lại với công trình sáng tạo, ngôi nhà chung của chúng ta.”
Đức Tổng Giám mục Jurkovič kết luận rằng, do bản chất và tầm quan trọng của các vấn đề di cư và biến đổi khí hậu, cần phải có sự phản ứng chung và phối hợp của cộng đồng quốc tế. Ngài nói: “Không một quốc gia nào tự mình có thể quản lý được hậu quả của biến đối khí hậu và di cư, và ở một mức độ nào đó tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng.”
Cuối cùng, Đại diện Toà Thánh kêu gọi tất cả các bên chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), để giải quyết chiều kích con người của biến đổi khí hậu, không thể chậm trễ hơn nữa. Gần đây, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại vấn đề này: “Chúng ta mắc nợ với thiên nhiên, với các dân tộc bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái sinh thái do con người gây ra và mất đa dạng sinh học. Những vấn đề này không chỉ đơn giản là chính trị hay kinh tế; chúng là những câu hỏi về sự công bằng, không còn có thể bị bỏ qua hoặc trì hoãn. Thật vậy, chúng đòi hỏi một nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai, bởi vì sự nghiêm túc mà chúng ta đáp lại sẽ định hình thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ sau.”