23/12/2024

Nghi ngờ mắc COVID-19: Nên đi viện khám hay gọi điện báo nhân viên y tế?

Nghi ngờ mắc COVID-19: Nên đi viện khám hay gọi điện báo nhân viên y tế?

Các chuỗi lây nhiễm COVID-19 ở TP.HCM đều được phát hiện từ các bệnh viện. Tuy việc sàng lọc tốt giúp chặn được mầm mống virus lây lan, nhưng khi có dấu hiệu COVID-19 người dân nên đến bệnh viện hay gọi điện báo nhân viên y tế? Gọi số nào?

 

Nghi ngờ mắc COVID-19: Nên đi viện khám hay gọi điện báo nhân viên y tế? - Ảnh 1.

Khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế – Ảnh: T.T

Các chuỗi lây nhiễm phát hiện từ bệnh viện

Chỉ trong một thời gian ngắn (9 ngày, từ 17 đến 26-5) lần lượt xuất hiện 3 chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm công ty, quán ăn cùng ở quận 3 và Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Có một điểm chung của 3 chuỗi lây nhiễm này là đều được phát hiện thông qua khám sàng lọc COVID-19 tại bệnh viện.

Cụ thể, chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh (quận 3) được phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; nhân viên làm việc tại Công ty Grove (quận 3) được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và 3 hội viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Mới nhất, hai vợ chồng khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ được sàng lọc, phát hiện dương tính COVID-19, 2 trường hợp F1 liên quan cũng bị nghi nhiễm.

Có bệnh, có triệu chứng phải đi thăm khám, đó là tâm lý chung của con người, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 xâm nhập sâu trong cộng đồng, “bất kể ai cũng có thể là F0” như hiện nay, bệnh viện (cơ sở y tế) đang phải chịu một sức ép về năng lực “phòng thủ” rất lớn.

Điều này gây ra hệ lụy khi sơ sẩy để “lọt” người bệnh mang mầm virus corona vào khu vực điều trị thì cả một bệnh viện có thể bị phong tỏa, cách ly.

Nghi ngờ mắc COVID-19: Nên đi viện khám hay gọi điện báo nhân viên y tế? - Ảnh 2.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định nơi có 3 ca nhiễm COVID-19 đến khám. Nhờ cảnh giác sàng lọc tốt đã giúp ngành y tế truy vết phát hiện ra chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đến nay đã có 32/44 thành viên của hội này nhiễm COVID-19 – Ảnh: LÊ PHAN

Có dấu hiệu nên gọi tổng đài Bộ Y tế

Sau những chuỗi lây nhiễm được phát hiện, PGS.TS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nói rằng đã giúp các bệnh viện và ngành y tế rút ra được rất nhiều bài học trong việc tuân thủ các quy trình từ khai báo y tế, hướng dẫn người bệnh đến buồng cách ly tạm xét nghiệm khi có triệu chứng, đưa vào khu cách ly điều trị, báo cáo kịp thời cho HCDC và khử khuẩn.

Việc phát hiện sớm ca mắc COVID-19 ngay từ khi người bệnh đến bệnh viện khám (xuất hiện các triệu chứng), theo bác sĩ Thượng, trở thành trách nhiệm quan trọng.

“Không để dịch bệnh lây lan trong bệnh viện và cung cấp thông tin cho hệ thống dự phòng điều tra, truy vết, phát hiện các ổ dịch lây lan trong cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mỗi bệnh viện trong giai đoạn hiện nay”, ông Thượng nói.

Tuy nhiên, có ý kiến khi có dấu hiệu nhiễm COVID-19, người dân cần hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện, mà nên gọi nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên y tế. Việc này giúp xử lý từ đầu, tránh phát tán virus và giảm “áp lực” cho bệnh viện…

Trước đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ngoài thực hiện 5K, khi có triệu chứng liên quan đến COVID-19, người dân có thể liên hệ vào đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn cần thiết.

Về vấn đề này, theo ông Tăng Chí Tượng, trong bối cảnh ngành y tế đang quá tải, nguồn lực có hạn chưa thể đáp ứng nổi việc gọi điện khai báo để nhận hỗ trợ ngay tại nhà. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay là đến cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, phòng khám, bệnh viện…) khai báo trung thực để được khám sàng lọc.

Việc người bệnh trung thực khai báo giúp các cơ sở y tế rất thuận lợi, chỉ cần tuân thủ các quy trình sàng lọc là có thể xác định kịp thời trường hợp này có phải là ca nhiễm, từ đó có giải pháp cách ly, thông tin cho cơ quan chuyên môn, truy nguồn lây để xử lý.

Nghi ngờ mắc COVID-19: Nên đi viện khám hay gọi điện báo nhân viên y tế? - Ảnh 3.

Đồ họa: VIỆT THÁI

HOÀNG LỘC
TTO