23/12/2024

Để không trượt dài trong sự giả dối

Để không trượt dài trong sự giả dối

‘Nếu vì quen biết, lợi ích mà ậm ừ rồi đưa người quen thân vào ngành giáo dục thì không chỉ lấy đi cơ hội của người khác, mà cả xã hội sẽ mãi trượt dài trong sự lừa dối’.

 

Để không trượt dài trong sự giả dối - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT huyện Tây Giang, Quảng Nam trong giờ lên lớp – Ảnh: B.D.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc đã nói như vậy khi đề cập đến chuyện minh bạch trong thi tuyển viên chức của Quảng Nam nhiều năm nay.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Quốc cho biết sau bài báo Khi giáo viên được chọn nơi làm việc (ngày 20-5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng rất nhiều lãnh đạo ngành giáo dục, các thầy cô giáo ở các tỉnh thành đã nhắn tin bày tỏ sự ủng hộ cách làm của Quảng Nam. Trên trang Facebook chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài báo của Tuổi Trẻ được chia sẻ và nhận được sự quan tâm lớn.

Giám đốc sở cũng không biết đề thi

* Ngành giáo dục Quảng Nam đang tuyển người tài như thế nào? Đặc biệt là thi tuyển giáo viên để triệt tiêu chạy chọt, quen biết, tiêu cực?

– Mỗi năm tôi lưu hàng chục hồ sơ của các học sinh học THPT giỏi. Những em học tốt ở các trường cấp III được chúng tôi theo dõi, nhờ thầy cô “kèm riêng”. Khi hết lớp 12, nếu em nào trong diện này có nguyện vọng theo sư phạm thì chúng tôi sẽ lập hồ sơ riêng để theo suốt 4 năm đại học. Khi ra trường nếu thành tích học tập tốt sẽ bố trí về tỉnh giảng dạy, tuyển dụng đặc cách.

Chúng tôi cũng xây dựng đề án tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên hướng đến sự minh bạch. Trước khi làm tôi gặp bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và nói rõ quan điểm không chạy chọt, không quen biết, không ưu ái cho dù bất cứ đó là ai. Rất may là tôi được ủng hộ tuyệt đối. Từ khâu ra đề, cách ly người ra đề, chọn đề, thành lập hội đồng thi…, chúng tôi làm khép kín, đảm bảo bí mật tuyệt đối. Không một ai biết được đề thi cho tới lúc xé niêm phong.

* Là giám đốc sở, ông có biết đề thi của các lần thi tuyển viên chức không?

– Làm sao tôi biết được. Ngay cả người ra đề cũng không hề biết, vì đó là đề chọn ngẫu nhiên. Tôi không biết và thực sự không quan tâm vì đã rõ quan điểm từ đầu là làm mọi thứ minh bạch để kết quả cuối cùng là có được giáo viên giỏi, mở ra cơ hội công bằng cho tất cả mọi người.

Để không trượt dài trong sự giả dối - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc

Không có chuyện “200 triệu đồng 1 suất biên chế”

* Ông có nhận đỡ đầu trường hợp nào không? Có con em nào của ông thi mà bị đánh rớt chưa?

– Tôi không một chút dính líu tới chuyện dan díu, chạy chọt nhận người này, đỡ người kia. Từ khi thi tuyển công chức theo cách thức mới tới nay cũng không có đơn thư khiếu nại nào.

Năm 2017, tôi có hai cháu ruột thi tuyển giáo viên và cũng bị đánh rớt vì không đủ năng lực. Hai cháu phải chấp nhận vui vẻ chứ tôi không giúp được. Bởi mình không nghiêm với chính mình, à ừ rồi giúp đỡ người này người kia cũng đồng nghĩa với việc lấy đi một cơ hội của người xứng đáng hơn. Xã hội sẽ mất niềm tin, giáo dục mà đi chạy chọt rồi nói dối thì còn ai tin nữa?

* Thế con của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có được ưu ái hay gửi gắm gì không?

– Năm 2017 cháu ruột của một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dự thi vào ngành giáo dục. Tôi có biết trường hợp này và cũng không thấy ai gửi gắm gì.

Tới khi thi xong, đứa cháu vị này bị đánh rớt vì thiếu 0,4 điểm. Lúc đó vị này mới kể với tôi rằng trước lúc thi cháu gái có nhờ ông gọi cho giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo để “xin” nhưng ông không gọi. Vị này nói rằng thi tuyển hiện nay không ai có thể chạy chọt.

Đứa cháu gái không tin và khẳng định nếu cầm 200 triệu đồng thì sẽ xin được một suất biên chế. Ông này thử đưa cho cháu gái 200 triệu đồng nhưng quả thật là không thể xin được.

* Ông có bị áp lực hay ảnh hưởng gì không?

– Cứ nghĩ đến thi cử, tuyển dụng là người ta nghĩ ngay tới chạy chọt, tiêu cực. Tôi làm giám đốc sở, mỗi lần về quê là đau hết cả đầu, bà con họ hàng ở quê cứ trách móc rằng sao làm to mà không giúp được gì cho con cháu, nói tôi ích kỷ này nọ. Bản thân tôi cũng chịu áp lực khủng khiếp, không phải từ cấp trên hay đồng nghiệp mà chỉ cần một sai sót thôi sẽ phải lãnh hậu quả.

Nhưng áp lực tới đâu tôi cũng quyết tâm làm. Đơn giản là tôi muốn mọi thứ phải thay đổi. Tiêu cực trong giáo dục từ lâu đã rất nặng nề. Con em chúng ta là nạn nhân của cha mẹ, của thầy cô giáo, của xã hội mà nói chung là người lớn. Phải thay đổi từ chính mình để làm sao lấy lại niềm tin cho xã hội đối với giáo dục.

* Để hạn chế tiêu cực trong thi cử, tuyển chọn người tài, theo ông, điều gì là quan trọng nhất?

– Đó là người đứng đầu. Chuyện thi cử liên quan trực tiếp tới quyền lợi nên nếu không đặt mục tiêu lớn thì sẽ không làm được. Khi người đứng đầu không nghiêm túc thì dù quy trình có chặt tới đâu cũng sẽ có kẽ hở. Con người không phải là thần thánh, tôi cũng vậy! Nhưng nếu mình buông xuôi thì không những có tội với ngành giáo dục mà tội lớn hơn là với những người trẻ học hành bài bản nhưng nghèo khổ mà không thể trúng tuyển được. Cái đó mới lớn.

Đổi mới, minh bạch để chọn được người tài

Ông Phan Việt Cường, bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, khẳng định chủ trương minh bạch, đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức không riêng của ngành giáo dục mà là yêu cầu với tất cả các lĩnh vực.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp con em nghèo học rất giỏi, nhưng vì không có quen biết, không gửi gắm được nên phải tuột mất cơ hội vào các cơ quan nhà nước xứng đáng. Trong khi đó cũng không ít trường hợp cán bộ có chức quyền cố tình “cài cắm”, gửi gắm. Nếu không minh bạch, không đổi mới thì không những trí thức con em khó khăn mãi đứng ngoài cuộc mà bộ máy nhà nước cũng không tuyển được người có năng lực, phẩm chất” – ông Cường nói.

Một kỳ thi đẹp

“Để trúng tuyển, mỗi thí sinh phải đi qua 2 vòng thi khác nhau, tất cả thông tin về thi cử đều được niêm yết công khai để mọi người theo dõi. Vì tỉ lệ “chọi” rất lớn nên thí sinh phải hết sức nỗ lực mới có thể trúng tuyển. Cho tới giờ tôi thấy hoàn toàn mãn nguyện với kỳ thi vừa qua, kết quả phản ánh đúng khả năng của từng thí sinh, không thấy có điều gì khuất tất trong suốt kỳ thi” – Nguyễn Thị Khánh Huyền, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Trãi, Hội An – người trúng tuyển trong kỳ thi viên chức ngành giáo dục Quảng Nam 2021, chia sẻ.

Tương tự, Võ Thị Thùy Liên, giáo viên môn vật lý Trường THPT Nông Sơn, cũng trúng tuyển trong kỳ thi viên chức ngành giáo dục Quảng Nam 2021, cho hay: “Mỗi thí sinh đều đã được quán triệt về sự minh bạch của thi tuyển nên không có con đường nào để chiến thắng ngoài sự nỗ lực của bản thân.

Trong 5 người bạn mà tôi biết vừa trúng tuyển trong kỳ thi viên chức giáo dục Quảng Nam 2021 thì cả 5 người này đều học rất giỏi, có tố chất thật sự. Từ khi kết thúc kỳ thi, nhận kết quả tới nay chúng tôi không nghe bạn nào phàn nàn gì, tất cả đều hài lòng dù đậu hay không đậu. Đặc biệt việc Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện cho thí sinh trúng tuyển được chọn nơi dạy học bằng việc ưu tiên điểm từ cao xuống thấp, nếu bằng điểm nhau cùng xin về một trường thì cho bốc thăm là cách làm rất hay, rất đẹp của tỉnh Quảng Nam, tạo cơ hội công bằng cho tất cả giáo viên trúng tuyển”.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
TTO