23/01/2025

Ngủ quá nhiều nguy cơ mắc các bệnh này

Ngủ quá nhiều nguy cơ mắc các bệnh này

Giới nghiên cứu lâu nay luôn cảnh báo tác hại của tình trạng thiếu ngủ đối với sức khoẻ tinh thần và thể chất của con người, thế nhưng nếu ngủ quá nhiều thì sao?
Ngủ quá nhiều có sao? /// Shutterstock
Ngủ quá nhiều có sao?  SHUTTERSTOCK
Đa số người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, một số người có lẽ cần nhiều hơn thế, theo khuyến cáo chung của Viện Hàn lâm về giấc ngủ của người Mỹ và Hiệp hội Nghiên cứu giấc ngủ.
“Khái niệm ngủ nhiều không giống như ở tất cả mọi người”, theo nhà tâm lý học Jade Wu đang công tác tại Đại học Duke (Mỹ). Và giấc ngủ cũng thay đổi theo tuổi tác. Chẳng hạn, một thiếu niên hoặc thanh niên ở độ tuổi 20 cần ngủ 9 giờ hoặc hơn vào ban đêm, trong khi các cụ già chẳng cần ngủ nhiều đến thế.
Trong các cuộc nghiên cứu, ngủ hơn 9 giờ/đêm được liệt vào dạng ngủ quá nhiều và thường liên quan đến các chứng bệnh cụ thể như mắc nguy cơ tim mạch (bao gồm đột quỵ), béo phì, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim và mất trí nhớ. Thế nhưng đến nay vẫn chưa rõ liệu ngủ quá nhiều sẽ dẫn đến những căn bệnh trên, hoặc đó chỉ là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bất thường đang xảy ra cho cơ thể bạn.
Những chuyên gia khác, như giáo sư Susan Redline của Đại học Harvard (Mỹ) lại cho rằng ngủ quá nhiều có lẽ là biểu hiện của bệnh tật, chứ không phải là nguyên nhân. “Quan điểm được nhiều chuyên gia đồng thuận là việc ngủ mê mệt vào ban đêm có thể phản ánh thực tế: sức khỏe bạn đang có vấn đề”, theo bà chia sẻ với trang Prevention.com.
Vậy thì đối với những người thường xuyên ngủ từ 9 đến 10 giờ mỗi đêm thì sao? Các nhà nghiên cứu cho rằng trước tiên phải xác định được họ có ngủ ngon hay không và cảm thấy như thế nào vào thời điểm thức giấc? Nếu họ cảm thấy khỏe khắn và tràn trề năng lượng, điều đó có nghĩa là trời sinh buộc họ phải ngủ nhiều hơn người khác.
Nếu ngủ đủ giấc mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, có lẽ bạn nên đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe, theo nhà thần kinh học Anita Shelgikar của Đại học Michigan.
“Có nhiều yếu tố, như tình trạng bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc men, hoặc chứng rối loạn giấc ngủ chưa được phát hiện, có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và ngủ nhiều nhưng không khỏe”, bà Anita Shelgikar cho biết.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng tạo thói quen ngủ lành mạnh, chẳng hạn như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, dù ngày thường hoặc cuối tuần. Thói quen ngủ nướng vào thứ bảy, chủ nhật có thể gây hại vì nó phá vỡ chu kỳ giấc ngủ bình thường.
“Hãy tắm nắng, vận động thể chất và hít thở không khí ngoài trời và ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bạn có thể phát hiện mình thức giấc với tinh thần và thể chất sung mãn hơn”, theo chuyên gia Wu.
 HOA GIẤY
TNO