23/01/2025

Cùng con vào thời đại số: Dùng thiết bị số theo ‘nguyên tắc thang bậc’

Cùng con vào thời đại số: Dùng thiết bị số theo ‘nguyên tắc thang bậc’

Theo các chuyên gia, việc “trao quyền” cho trẻ dùng thiết bị số cần theo từng nấc, trên cơ sở khi càng tự do, con phải càng có trách nhiệm và nhất quyết không cho con dùng theo bản năng.

 

Cùng con vào thời đại số: Dùng thiết bị số theo nguyên tắc thang bậc - Ảnh 1.

Ở từng độ tuổi, trẻ cần có quyền và nghĩa vụ khi dùng thiết bị điện tử – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ở một số trường quốc tế, nguyên tắc thang bậc này đã được áp dụng khá thành công. Đây có thể là kinh nghiệm cho nhiều gia đình tham khảo trước khi chính thức cho con dùng điện thoại, máy tính…

Mỗi độ tuổi một quyền hạn

Tại một trường quốc tế ở Việt Nam, học sinh tiểu học không được mang điện thoại, laptop hay đồng hồ thông minh vào lớp. Trẻ thường sẽ “mân mê” những thiết bị này, gây gián đoạn việc học và ảnh hưởng đến các bạn khác.

Thay vào đó, học sinh tuổi nhỏ được hướng dẫn tham gia nhiều hoạt động vui chơi, vận động. Thực tế trong một ngày ở trường, học sinh tiểu học sinh hoạt, chạy nhảy rất nhiều. Năng lượng tiêu hao làm cho khi về nhà, các con không thiết gì đến điện thoại, chơi game, mà thường ngủ rất sớm, từ 8h-9h tối.

Trong những buổi trao đổi với phụ huynh, chúng tôi nhận thấy gần như không em nào nghiện hay dùng nhiều điện thoại trong những ngày đi học.

Từ lớp 6-9, học sinh được mang theo laptop nhưng dưới sự giám sát. Đặc biệt, trong giờ ra chơi, các em buộc phải gấp máy ra ngoài sân sinh hoạt với bạn bè, có thể chơi cờ, tán dóc… nhưng không thể ngồi tiếp tục dán mắt vào màn hình điện tử.

Một số bạn xin phép dùng máy để làm bài chưa xong cũng không được chấp thuận. Giờ chơi là để các em học kết nối, tương tác với mọi người. Cũng từ quy định trên, học sinh biết cách quản lý thời gian cho mình.

Từ lớp 10, nếu muốn dùng laptop để học trong giờ chơi, học sinh sẽ phải lên ngồi ở thư viện. Các em sẽ được trao thêm quyền tự quản lý nếu chấp hành tốt những cam kết, ngược lại sẽ chịu phạt nếu vi phạm.

Nhìn chung, bộ nguyên tắc này giúp việc sử dụng điện thoại, máy tính ở trường từ tiểu học đến phổ thông vào khuôn khổ. Ở mỗi độ tuổi, học sinh biết được rõ đâu là quyền, nghĩa vụ và chế tài dành cho mình để tuân theo.

Rõ ràng + kiên định

Trao quyền cho học sinh theo từng nấc thang chỉ thành công nếu có sự thỏa thuận từ đầu giữa thầy cô và các em, đồng thời nhà trường phải kiên quyết với những gì mình đề ra. Tương tự khi ở nhà, mấu chốt để con dùng thiết bị điện tử hiệu quả nằm ở sự rõ ràng từ ban đầu và sự nhất quán của cha mẹ.

Về tư tưởng, cha mẹ không nên cực đoan cấm con tiếp xúc với điện thoại, máy tính, nhất là khi đã vào lớp 1, bởi đây là xu thế toàn cầu. Nhưng để hiệu quả, cha mẹ trước hết hãy giải thích cho con những ưu, nhược điểm của thiết bị điện tử.

Lợi ích là giúp nắm bắt được thông tin, hỗ trợ việc học, giải trí, nhưng nhược điểm là ngồi lâu có thể ảnh hưởng đến mắt, cột sống. Lời giải thích này cần cụ thể và được lặp lại thường xuyên.

Không nên phóng đại như: “Con coi điện thoại nhiều có ngày… mù mắt”. Những câu “nói quá” như thế sẽ không thuyết phục được con, ngược lại, trẻ có thể tìm cách phản đối.

Khi hai bên đã thông tư tưởng, phụ huynh bắt đầu thiết kế cho con cách dùng những công nghệ theo từng cấp bậc. Ví dụ, trẻ tiểu học có thể dùng điện thoại, laptop dưới sự giám sát của phụ huynh.

Các con có thể mở máy trong không gian sinh hoạt chung của gia đình, hoặc cha mẹ cần được biết con đang làm gì, xem gì.

Cần vạch rõ thời lượng dùng điện thoại, laptop cho từng mục đích như học tập, giải trí, nếu hôm nay dùng “lố” sẽ bị trừ vào hôm sau. Nếu tái phạm, cha mẹ có thể thu điện thoại ít lâu.

Mức độ thành công của cách làm này phụ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ đặt vấn đề với con. Tất cả quy định đều được thỏa thuận từ sớm. Cha mẹ cần kiên định, bởi nếu hôm nay cha mẹ bật “đèn xanh”, hôm sau chuyển “đèn đỏ”, con sẽ khó vào nếp.

Bước vào tuổi trung học, các con sẽ muốn thêm quyền tự do, nhưng nhớ rằng khi dưới 18 tuổi, con vẫn là trẻ em và phụ huynh có quyền giám hộ. Cha mẹ cần khéo léo để cân bằng được sự riêng tư của con và mong muốn giám sát.

Chẳng hạn, với mạng xã hội, quyền riêng tư của con đi liền với sự theo dõi cẩn trọng của cha mẹ. Người bạn thân của tôi ở Anh chỉ lập tài khoản Facebook cho cháu năm 13 tuổi khi đã thống nhất về quyền và nghĩa vụ.

Mẹ cam kết sẽ không tùy tiện đọc những đoạn chat của con, nhưng có quyền đề nghị kiểm tra nếu thấy ảnh hưởng đến sự an toàn của con. Hoặc nếu thấy con bình luận trên không gian mạng bằng những từ ngữ không thích hợp, mẹ được phép vào nhắc nhở.

Hướng dẫn cha mẹ khi con học trực tuyến

 

em be

Cha mẹ nhất thiết không thể cho con sử dụng thiết bị số theo bản năng – Ảnh: Q.Đ.

Để việc học trực tuyến của học sinh tại nhà được hiệu quả, trường đã thiết kế một bộ hướng dẫn cho phụ huynh.

Theo đó, trước hết phụ huynh nên tạo không gian học tập hạn chế sự phân tán mà vẫn dễ giám sát. Khuyến khích phụ huynh sử dụng bàn ở khu vực đông người qua lại trong nhà hoặc bàn trong phòng ngủ với cửa để mở.

Kế đó, cha mẹ sẽ quyết định lịch hoạt động đều đặn hằng ngày theo thời khóa biểu của lớp. Cha mẹ cần giám sát và kiểm tra con trong ngày, cũng như liên hệ thường xuyên với giáo viên. Cần giúp trẻ tập trung và hạn chế tiếng ồn xung quanh khi đang học.

Cuối cùng, phụ huynh lưu ý quan tâm cảm xúc của con hằng ngày bằng sự quan tâm và tạo không khí vui vẻ trong gia đình xung quanh việc học trực tuyến của con.

Lợi ích đi kèm với nghĩa vụ

Nếu phụ huynh càng trao nhiều quyền tự do cho con với những thiết bị điện tử, thì phải càng gắn con với trách nhiệm cao hơn. Cùng với đó là hình thức chế tài rõ ràng, để khi con vi phạm, quyền tự do sẽ được rút bớt.

TS NGUYỄN THỊ THU HUYỀN (phó hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan – VFIS) – HOÀNG THI ghi
TTO