25/12/2024

Ngưng thở lâu khi ngủ có ‘ngủ luôn’?

Ngưng thở lâu khi ngủ có ‘ngủ luôn’?

Những người ngáy to, buồn ngủ nhiều vào ban ngày, thi thoảng cảm giác nghẹt thở trong đêm có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ.
Nằm nghiêng là cách đơn giản để giảm ngáy khi ngủ /// Shutterstock
Nằm nghiêng là cách đơn giản để giảm ngáy khi ngủ SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, Chủ tịch chi hội Ngáy và ngưng thở khi ngủ Việt Nam, cho biết: Khái niệm ngưng thở thông thường tức người bệnh không còn thở và tử vong. Còn hội chứng ngưng thở khi ngủ là do nghẹt đường thở khi ngủ. Sau một khoảng thời gian ngưng thở, ô xy trong máu sẽ giảm xuống, khiến trung tâm thở trên não phải kích hoạt, thức dậy để điều khiển hơi thở tiếp tục.

Có trường hợp tử vong khi ngủ do ngưng thở lâu

Theo bác sĩ Vinh, cũng có một số ít người tử vong trong khi ngủ do thời gian ngưng thở quá lâu. Nhưng phần lớn sẽ thức dậy kịp thời để thở. Việc thức dậy để thở có hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, người thức dậy nhưng không biết mình dậy. Với trường hợp này, giấc ngủ rất nông, chập chờn, do não phải canh chừng phổi, nếu phổi ngưng lâu quá não phải thức dậy để điều khiển.
Ngưng thở lâu khi ngủ có 'ngủ luôn'? - ảnh 1

Hãy chăm sóc giấc ngủ của bạn một cách tốt nhất SHUTTERSTOCK

“Người ngủ không biết mình đang thức. Chỉ khi đo chất lượng giấc ngủ mới biết họ thức rất nhiều lần trong đêm”, bác sĩ Vinh nói
Trường hợp hai là nửa đêm, có khi đang ngủ thấy nghẹt thở quá, vùng dậy, ngồi dậy để thở. Đây là những trường hợp đặc biệt tương đối nặng.
Theo bác sĩ Vinh, khi ngủ không khí đi ra vào đường thở. Nếu đường thở hẹp gây ra ngáy, nếu nó nghẹt sẽ gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ, diễn ra trong thời gian ngắn, người bệnh có thể cảm nhận được hoặc không.

Dấu hiệu nhận biết người có chứng ngưng thở khi ngủ

Có 3 dấu hiệu nhận biết một người có chứng ngưng thở khi ngủ: Ngáy to phải ngủ riêng; có những lúc ngưng ngáy, ngưng thở do mình cảm nhận hay người bên cạnh; ngày hôm sau rất buồn ngủ.
Theo bác sĩ Vinh, để khắc phục tình trạng ngáy ngủ phải dựa vào nguyên nhân của bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngáy ngủ, phổ biến là tình trạng béo phì, cục amidan quá to, trào ngược dạ dày, đặc điểm cấu trúc cổ họng ngắn, to khiến lỏng thở hẹp, hoặc cằm bị lẹm lưỡi rớt vào đường thở phía sau…
Với nguyên nhân béo phì người bệnh có thể chủ động giảm cân để giảm mỡ ở vùng cổ. Người có amidan quá to có thể đi khám để được cắt amidan. Vì khi nằm ngửa hai cục amidan quá to sẽ rớt xuống, khép lại khiến đường thở hẹp, gây ngáy. Ngoài ra trường hợp trào ngược dạ dày dẫn đến ngáy cần hạn chế sử dụng nước uống có ga, tránh ăn quá khuya, không nên ngủ ngay sau khi ăn, khi nằm ngủ có thể kê đầu giường cao hơn…
Đối với trường hợp cấu trúc cổ họng ngắn, to có thể đi khám và tham khảo các bài tập trên YouTube để tập luyện. Với trường hợp cằm bị lẹm, lưỡi rớt vào đường thở phía sau có thể phải can thiệp phẫu thuật theo chỉ định bác sĩ.

Nằm nghiêng để giảm ngáy

Ngoài ra theo bác sĩ Vinh, nằm nghiêng là cách đơn giản để giảm tình trạng ngáy. Người nhà có thể may một chiếc áo bỏ một quả banh tennis vào sau để người bệnh không thể nằm ngửa.
Trong các trường hợp người bệnh vẫn ngáy to và không tìm ra nguyên nhân có thể đến bệnh viện để khám và ngủ lại để bác sĩ đo chất lượng giấc ngủ, phát hiện người bệnh có ngưng thở khi ngủ trong đêm không, theo dõi các cử động hô hấp để điều chỉnh tư thế và tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
VÂN PHƯƠNG
TNO