Đức Thánh Cha dâng lễ với các tín hữu Myanmar
Vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 16/5/2021, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, cầu nguyện cho hoà bình ở Myanmar. Hiện diện trong Thánh lễ, ngoài cộng đoàn tín hữu Myanmar đang sinh sống ở Roma, còn có một số các linh mục Myanmar đồng tế với Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng, đi từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan (Ga 17,11-19), Đức Thánh Cha nói: Vào giờ phút đau buồn chuẩn bị từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các bạn hữu của Người. Trong lúc mang trong tâm hồn và thân xác tất cả tội lỗi của thế gian, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho chúng ta. Từ lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta học cách đối diện với những giây phút bi thảm và đau khổ trong cuộc sống.
Trong đau khổ hãy giữ vững đức tin
Chúng ta hãy dừng lại ở động từ mà Chúa Giêsu dùng trong lúc cầu nguyện với Chúa Cha: “xin gìn giữ”. Anh chị em thân mến, trong những ngày này khi đất nước Myanmar thân yêu của anh chị em đang trải qua bạo lực, xung đột và đàn áp, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta đang được kêu gọi để gìn giữ điều gì?
Đầu tiên, giữ đức tin. Chúng ta cần phải giữ vững đức tin để không ngã quỵ trước nỗi đau hoặc rơi vào sự cam chịu của những người không còn lối thoát. Trong Tin Mừng, Thánh Gioan cho chúng ta biết khi ngài nói: Chúa Giêsu “ngước mắt lên trời” (Ga 17,1). Trong những giây phút sau cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu cảm thấy bị đè nặng bởi nỗi đau của cuộc khổ nạn, cảm thấy bóng tối đang bao phủ, cảm thấy bị phản bội và bỏ rơi. Tuy nhiên, trong chính giây phút đó, Chúa ngước mắt lên trời. Chúa ngước mắt nhìn Thiên Chúa. Người không cam chịu điều ác; Người không để mình bị đè nặng bởi đau buồn; Người không rút lui vào nỗi cay đắng của người bị bại trận và thất vọng; trái lại, Người ngước mắt lên trời. Đây cũng chính là lời khuyên mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ: khi Giêrusalem bị xâm chiếm, và mọi người đang chạy trốn trong nỗi sợ hãi và tàn phá, Người bảo họ “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Giữ vững đức tin là giữ cho ánh mắt của chúng ta hướng lên trời cao, trong lúc trên mặt đất, những trận chiến diễn ra và máu người vô tội đang đổ. Giữ vững đức tin là không chịu khuất phục trước lý luận của hận thù và trả thù, nhưng luôn chăm chú nhìn vào Thiên Chúa tình yêu, Đấng kêu gọi chúng ta trở thành anh chị em với nhau.
Cầu nguyện dẫn chúng ta đến lòng tin cậy nơi Chúa ngay cả trong những lúc khó khăn. Cầu nguyện giúp chúng ta hy vọng khi mọi thứ dường như vô vọng và tiếp sức cho chúng ta trong các cuộc chiến hàng ngày. Cầu nguyện không phải là sự trốn chạy, một cách để thoát ra khỏi các vấn đề. Trái lại, cầu nguyện là vũ khí duy nhất mà chúng ta có để giữ cho tình yêu và hy vọng giữa biết bao vũ khí gieo rắc cái chết. Không dễ dàng ngước nhìn khi chúng ta đang đau đớn, nhưng đức tin giúp chúng ta thắng vượt cám dỗ quay lại với chính mình. Có lẽ chúng ta cũng muốn phản kháng, kêu lên với Chúa về nỗi đau của chúng ta. Chúng ta đừng sợ làm như vậy, vì đây cũng là lời cầu nguyện. Đôi khi, đó là một lời cầu nguyện được Chúa lắng nghe nhiều hơn những lời cầu nguyện khác, vì nó xuất phát từ một con tim bị tổn thương và Chúa luôn nghe tiếng kêu của dân Người và lau khô nước mắt cho họ. Anh chị em thân mến, hãy tiếp tục ngước mắt lên trời. Giữ vững đức tin!
Gìn giữ sự hiệp nhất
Khía cạnh thứ hai của việc giữ vững đức tin là: giữ sự hiệp nhất. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ sự hiệp nhất giữa các môn đệ, để họ “tất cả nên một” (Ga 17,21), một gia đình, trong đó tình yêu và tình huynh đệ ngự trị. Người biết tâm hồn các môn đệ; Người đã từng chứng kiến họ tranh luận về việc ai là người lớn nhất, ai là người ra lệnh. Căn bệnh chết người đó là sự chia rẽ. Chúng ta trải nghiệm điều đó trong tâm hồn chúng ta, bởi vì chúng ta thường bị chia rẽ trong chính chúng ta; chúng ta cảm nghiệm điều đó trong các gia đình và cộng đoàn, giữa các dân tộc, ngay cả trong Giáo hội. Tội chống lại sự hiệp nhất có rất nhiều: đố kỵ, ghen ghét, thay vì lợi ích chung lại đi tìm lợi ích cá nhân, phán xét chống lại người khác. Và những xung đột nhỏ đang hiện diện giữa chúng ta sau đó phản ánh trong những xung đột lớn, như xung đột mà đất nước của anh chị em đang trải qua trong những ngày này. Khi lợi ích đảng phái và khát vọng lợi nhuận và quyền lực lên nắm quyền, xung đột và chia rẽ chắc chắn sẽ nổ ra. Lời khuyên cuối cùng Chúa Giêsu đưa ra trước Cuộc Vượt Qua là sự hiệp nhất. Bởi vì sự chia rẽ đến từ ma quỷ, kẻ gây chia rẽ.
Chúng ta được mời gọi gìn giữ sự hiệp nhất, hãy nghiêm túc thực hiện lời khẩn cầu chân thành này của Chúa Giêsu với Chúa Cha: tất cả nên một, tạo thành một gia đình, có can đảm để sống mối dây tình bạn, tình yêu và tình huynh đệ. Tôi biết một số hoàn cảnh chính trị và xã hội ngoài tầm của anh chị em. Tuy nhiên, dấn thân vì hoà bình và tình huynh đệ luôn đến từ dưới: mỗi người, trong những việc nhỏ, có thể thực hiện phần của mình. Trong những việc nhỏ, mỗi người trong anh chị em có thể dấn thân trở thành người xây dựng tình huynh đệ, người gieo mầm tình huynh đệ, làm việc để tái xây dựng những gì đã đổ vỡ hơn là nuôi dưỡng bạo lực. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm điều này với tư cách là một Giáo hội; chúng ta hãy thúc đẩy đối thoại, tôn trọng người khác, quan tâm đến anh chị em của chúng ta, hiệp thông!
Gìn giữ sự thật
Cuối cùng, chúng ta được kêu gọi gìn giữ sự thật. Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật vì họ sẽ được sai đi khắp thế gian tiếp tục thực hiện sứ mạng của Người. Gìn giữ sự thật không có nghĩa là bảo vệ các ý tưởng, trở thành người bảo vệ hệ thống học thuyết và giáo điều, nhưng vẫn gắn bó với Chúa Kitô và thánh hiến cho Tin Mừng của Người. Theo ngôn ngữ của Thánh Gioan, sự thật là chính Chúa Kitô, mặc khải tình yêu thương của Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, để dù sống trong thế gian, các ông sẽ không tuân theo các tiêu chuẩn của thế gian này. Các môn đệ không để bị thần tượng lôi kéo, nhưng giữ tình bạn hữu với Người; họ không bẻ cong Tin Mừng theo lối suy nghĩ của con người và thế gian, nhưng gìn giữ sứ điệp Người một cách toàn vẹn. Giữ gìn sự thật có nghĩa là trở thành ngôn sứ trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, hay nói cách khác là được thánh hiến cho Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng ngay cả khi phải lội ngược dòng. Đôi khi, chúng ta các Kitô hữu muốn thoả hiệp, nhưng Tin Mừng đòi hỏi chúng ta ở trong sự thật và vì sự thật, hiến mạng sống cho người khác. Và nơi đâu có chiến tranh, bạo lực và hận thù, thì chúng ta phải là những người trung thành với Tin Mừng và là những người kiến tạo hoà bình, nghĩa là dấn thân, điều này được thực hiện cả trong các lựa chọn xã hội và chính trị, ngay cả khi mạng sống gặp nguy hiểm. Chỉ bằng cách này, mọi thứ mới có thể thay đổi. Chúa không cần những người nguội lạnh. Người muốn chúng ta được thánh hiến trong sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng, để chúng ta có thể làm chứng cho niềm vui của vương quốc Thiên Chúa ngay cả trong đêm tối đau buồn, ngay cả khi sự dữ dường như mạnh hơn.
Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn đặt lên bàn thờ Chúa những đau khổ của dân tộc anh chị em và cầu nguyện với anh chị em để xin Chúa biến đổi mọi tâm hồn được bình an. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta giữ vững đức tin, ngay cả trong những lúc khó khăn, để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất và hy sinh mạng sống vì sự thật của Tin Mừng. Đừng đánh mất hy vọng: ngay cả ngày nay, Chúa Giêsu đang cầu bầu trước Chúa Cha cho tất cả chúng ta, Người xin Cha gìn giữ chúng ta khỏi kẻ ác và giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ.
Linh mục đại diện cám ơn Đức Thánh Cha
Trước khi kết thúc Thánh lễ, một linh mục người Myanmar đại diện cám ơn Đức Thánh Cha. Cha nói ngày hôm nay, mọi con tim ở Myanmar đều tràn ngập lòng biết ơn. Thánh lễ này là đỉnh điểm sự quan tâm không ngừng và lo lắng mà Đức Thánh Cha đã dành cho Myanmar trong 3 tháng qua. Myanmar đã trở thành người lân cận của Đức Thánh Cha.
Cha nói: Trong những giọt nước mắt của chúng con, trong nỗi tuyệt vọng cay đắng, trong những giây phút mà cộng đồng thế giới đã bỏ rơi chúng con, chúng con đã được an ủi, chữa lành bởi những lời của Đức Thánh Cha. Những vết thương của chúng con đã làm cho chúng con trở thành người lân cận của Đức Thánh Cha và của thế giới. Đức Thánh Cha là vị mục tử nhân lành của chúng con, là người đi tìm kiếm những người rốt hết. Và Ngài cũng là Người Samari nhân hậu của chúng con, người chữa lành vết thương cho chúng con. Trong 3 tháng qua, đã hơn 6 lần Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hoà bình ở Myanmar. Trước thảm kịch đau lòng mà chúng con thấy đang diễn ra trên đường phố đã được đáp lại bằng tình yêu cứu chuộc Kitô giáo.
Thánh lễ này là một cơ hội tuyệt vời để chữa lành không chỉ cho chúng con tụ họp ở đây, mà cho hàng ngàn người Công giáo ở Myanmar và cho cộng đồng người Myanmar hải ngoại trên khắp thế giới. Tất cả đều tham dự trực tuyến sự kiện trọng đại này. Và mọi người vô cùng biết ơn công ơn dưỡng dục tinh thần này.
Đức Thánh Cha luôn dành tình cảm lớn cho “đàn chiên nhỏ bé” ở bên lề này. Thế giới đã được đánh động khi Đức Thánh Cha chọn Myanmar là điểm đến của một trong những chuyến tông du vào năm 2017. Trong cuộc viếng thăm, với khẩu hiệu “Tình yêu và Hoà bình”, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ tất cả các bên quan tâm, rao giảng một thông điệp mạnh mẽ về hoà bình. Ký ức về chuyến thăm vĩ đại ấy vẫn còn sống mãi trong người dân chúng con.
Myanmar giờ đây nằm trong tay Chúa. Nước mắt của chúng con, sự tuyệt vọng cay đắng của chúng con, hoà bình bị huỷ hoại của chúng con cầu xin sự can thiệp của Thiên Chúa. Chúng con tin chắc rằng sự kiện ngoại thường này ở Roma với vị mục tử của chúng con là điểm khởi đầu cho sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử của chúng con. Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng con trong hành trình hướng tới nhân phẩm và hoà bình, và đây là niềm an ủi của chúng con. Người dân chúng con xứng đáng được sống tốt hơn. Người dân chúng con muốn hoà bình. Đối với nhiều người ở Myanmar, Thánh lễ này là một phép lạ lớn. Đức Giáo hoàng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo cùng cầu nguyện với người dân của một đất nước nhỏ bé là một điều tuyệt vời đối với họ.
Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng con. Hoà bình là có thể, hoà bình là con đường duy nhất.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-dang-thanh-le-voi-cac-tin-huu-myanmar.html