Chúa Nhật, 16.05.2021
Được Rước Lên Trời

Lễ Chúa về trời nhắc chúng ta về sức hút của đất. Hấp dẫn của đất làm ta quên rằng trời mới là chỗ dừng chân. Những lo âu về cơm áo gạo tiền làm ta khép lại, so đo và ích kỷ. Những đau thương của phận người làm ta mất niềm hy vọng. Đất thì gần, còn trời lại xa xôi. Làm sao ta sống để người khác nhận ra trời ở ngay trong đất?

Chúa Nhật, 16.05.2021
Được Rước Lên Trời

Lễ Chúa Thăng Thiên

Lời Chúa

Cv 1,1-11 • Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6) • Ep 1,17-23 • Mc 16,15-20

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm Lời Chúa

Khi kiến thức khoa học về vũ trụ còn phôi thai, người Do-thái coi “trái đất” như một cái đĩa khổng lồ, vây quanh bởi biển đảo, chống đỡ nhờ cột, đặt trên nền vững. Bầu trời úp trên mặt đất như một cái lồng bàn. Nó được điểm tô bằng mặt trời, mặt trăng và những vì tinh tú. Bầu trời có nhiều tầng; tầng dưới cùng có nhiều kho: kho tuyết, mưa đá, mây mù, gió bão, và cả kho sấm sét nữa. Thiên Chúa được cho là Đấng ở trên trời, ở tầng cao nhất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Ngài ban cho con cái loài người. Khi chết, vong linh phải vào âm phủ, nằm dưới lòng đất, xa với trời, xa với đất, xa với Thiên Chúa, xa với con người.

Đức Giêsu đã chịu chết và được Thiên Chúa phục sinh. Được phục sinh là điều kỳ diệu, chưa từng thấy. Đấng từ thế giới Thiên Chúa bước xuống thế giới con người. Sau khi hoàn tất công trình cứu độ, Ngài trở về với Thiên Chúa. Lễ Thăng Thiên là lễ mừng Con Thiên Chúa thành công. Chính Thiên Chúa Cha rước Con về, đưa Con lên, tôn vinh Con trong thế giới thần linh vĩnh cửu. Người Con này không những có thần tính, mà còn có nhân tính. Ngài là Con Người đầu tiên đi vào thế giới của Thiên Chúa, với thân xác phục sinh được hoàn toàn biến đổi. Chúa Giêsu được rước về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Ngài là Đầu, mở cửa trời cho cả nhân loại bước vào, từ người đầu tiên là Ađam cho đến người cuối lúc tận thế. Lễ Thăng Thiên là lễ mừng cho phẩm giá con người. Nhân loại biết mình đi đâu sau cuộc sống ngắn ngủi tại thế. Thân xác con người biết mình sẽ không trở về bụi tro. Thiên Chúa và con người không gì chia lìa được.

Khi được Cha đưa lên cùng Cha, đặt ngồi bên hữu Cha, ngồi ngang hàng với Cha trong tư cách là Chúa vũ trụ, Chúa Giêsu không còn hiện ra với các môn đệ như trước nữa. Các ông mất đi một sự hiện diện thấy được, sờ chạm được. Đây đúng là một mất mát lớn, gây đau buồn. Nhưng không vì thế mà Ngài trở nên vắng mặt, xa cách. Trái lại, Ngài hiện diện với họ cách gần gũi hơn xưa, thiết thân hơn xưa, và mạnh mẽ hơn xưa. Từ trời cao, Chúa Giêsu nghe được tiếng kêu của từng người, đến gặp từng người và ở với từng người trong mọi lúc. “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Chúa phục sinh ở với các tông đồ, xưa cũng như nay. Ngài không chỉ ở với, mà còn cùng làm việc với họ (Mc 16,20). Chẳng bao giờ các kitô hữu phải lao nhọc một mình. Trong Thánh Thần, Đấng phục sinh cho các cành nho thêm trái.

Trước khi chết, Đức Giêsu nói:“Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Ngài đã hoàn tất việc Cha giao, đã vâng lời cho đến chết. Nhưng chúng ta chưa nói được như Đức Giêsu, vì sứ mạng Ngài giao, chúng ta chưa hoàn tất: “Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài, và làm Phép Rửa cho những ai có lòng tin” (Mt 16,15-16). Như Nhóm Mười Một, chúng ta từng không tin và cứng lòng, nhưng Chúa vẫn muốn sai chúng ta đi giúp cho người chưa tin, không chỉ bằng lời rao giảng suông, mà còn bằng những dấu lạ mạnh mẽ đi kèm với lời rao giảng. Với lòng tin, và với quyền năng của Danh Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, và được bảo vệ khỏi mọi hiểm nghèo của kẻ thù.

Lễ Chúa về trời nhắc chúng ta về sức hút của đất. Hấp dẫn của đất làm ta quên rằng trời mới là chỗ dừng chân. Những lo âu về cơm áo gạo tiền làm ta khép lại, so đo và ích kỷ. Những đau thương của phận người làm ta mất niềm hy vọng. Đất thì gần, còn trời lại xa xôi. Làm sao ta sống để người khác nhận ra trời ở ngay trong đất?

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J