Cơ thể người phụ nữ đang là công cụ để giải trí, để câu view?
Cơ thể người phụ nữ đang là công cụ để giải trí, để câu view?
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) – chia sẻ với Tuổi Trẻ Online góc nhìn về định kiến giới trên các phương tiện truyền thông xung quanh các phát ngôn “đùa cợt” bị xem là xúc phạm phụ nữ…
Các phát ngôn đùa cợt bị xem là “phân biệt giới tính”, “xúc phạm phụ nữ” của các doanh nhân Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) dành cho nữ CEO gọi vốn trong chương trình Shark Tank Vietnam trên VTV3 đang gây “bão” dư luận.
* Suy nghĩ của bà sau khi xem những phát ngôn đó được phát công khai trên sóng truyền hình là gì?
– Có một số người ý kiến rằng, đừng nghiêm trọng hóa vấn đề, đó chẳng qua chỉ là những câu nói vui vẻ để làm dịu sự căng thẳng mà thôi. Nhưng tôi nghĩ, có nhiều cách để nói đùa mà vẫn vui, đâu nhất thiết đùa một cách cợt nhả và phản cảm như thế?
Đây là chương trình gọi vốn hay là chương trình về hình thể của người phụ nữ? Nói như thế rất xúc phạm người khác và rõ ràng đó là hành vi quấy rối, không thể biện minh được.
* Nhưng trả lời một đơn vị truyền thông, CEO Nguyễn Thị Thu Hằng – người bị cho là đang “hứng chịu” sự xúc phạm đó – lại nói rằng “mọi chuyện rất bình thường”?
– Có nhiều lý do tế nhị để dẫn tới chuyện đó, trong đó có cả việc không loại trừ bản thân Hằng cũng chưa thực sự hiểu rằng đó là hành vi quấy rối. Còn về phía đài truyền hình, tất nhiên, phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Bản thân là cơ quan truyền thông đại chúng, có trách nhiệm tuyên truyền bình đẳng giới cũng như những tư tưởng mới tiến bộ, thì đơn vị lại để những hạt sạn như thế xảy ra. Đây không phải là một chương trình phát trực tiếp, nên lỗi này hoàn toàn thuộc về người biên tập. Họ không nhận thức được đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Họ thiếu nhạy cảm lẫn nhận thức về giới, về bình đẳng giới. Nếu nhận ra như vậy là sai trái, chắc chắn họ đã sửa rồi.
Theo tôi, đây là tai nạn nghề nghiệp nhưng những người làm truyền hình phải nhận ra trách nhiệm của mình, để lần sau chuyện đó không lặp lại nữa. Nếu ngày nào chúng ta cũng có những chương trình như thế để xem, thử hỏi xã hội sẽ thế nào, trẻ con lớn lên sẽ thế nào?
* Khi nhận xét về việc này, Nguyễn Phương Mai – tác giả của “Con đường Hồi giáo”, “Tôi là một con lừa”…, có đề cập về việc dùng “dục” và “giới” để tăng tính giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Xin hỏi, góc nhìn của bà?
– Tôi rất tán thành. Điều đó không chỉ có ở chương trình Shark Tank Vietnam mà đầy rẫy trên truyền thông đại chúng. Người ta xem sắc dục, tình dục, cơ thể người phụ nữ… là công cụ để giải trí, để câu view.
Tại sao, đa phần người ta lại chú ý và bình luận cơ thể người phụ nữ? Có phải đang vật thể hóa phụ nữ, đang chĩa mũi dùi vào phụ nữ không? Có phải là phân biệt theo giới hay không? Đúng quá còn gì!
Cụ thể, trong trường hợp này, tôi thử đổi vai shark là nữ, mấy người đi kêu gọi vốn là đàn ông, khi phát ngôn như vậy, các anh có cảm thấy bị xúc phạm không? Không những các anh cảm thấy bị xúc phạm mà shark nữ đó còn bị chiếc vòng kim cô tam tòng tứ đức rớt xuống. Tại sao có sự bất công đó?
* Định kiến giới, phân biệt giới… vẫn đang diễn ra như “cơm bữa” trên các phương tiện truyền thông đại chúng bất chấp những quy định của pháp luật (Luật bình đẳng giới, Luật lao động…). Do luật chưa mạnh hay do văn hóa “nam trị” vẫn đang chi phối xã hội ta?
– Có rất nhiều yếu tố. Thực ra đó là câu chuyện con gà quả trứng thôi. Và cũng vì văn hóa nam trị vẫn còn mạnh, lại được củng cố bởi truyền thông đại chúng (như ta đã thấy), thì việc luật chưa thực hiện được cũng hoàn toàn có thể hiểu được.
Nhưng mặt khác, cũng phải nói thêm, luật cũng chưa cụ thể, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cũng chưa có tiền lệ ai đó có hành vi vi phạm luật thì bị xử lý. Thành ra, có luật cũng như không, người dân cũng không quan tâm đến.
* Khi truyền thông về bình đẳng giới chưa được phổ biến sâu rộng trong toàn xã hội, bà đánh giá như thế nào về việc giáo dục con trẻ (từ phía nhà trường lẫn gia đình) để sau này các em trở thành một người tiêu dùng văn hóa thông minh, không dễ dàng bị “thao túng” bởi những thứ văn hóa độc hại như vậy?
– Gia đình và nhà trường phải là hai nơi giáo dục quan trọng nhất vì có những vụ việc, ta tưởng vô thưởng vô phạt nhưng lại thấm dần từng ngày, khi lớn lên các em sẽ mặc định đó là chuyện đương nhiên. Rất nguy hiểm và phản văn minh.
Phụ huynh lẫn nhà trường phải chú ý để điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình không có định kiến giới trong đó.
Khi xem những chương trình truyền hình, bố mẹ cũng phải phân tích cho con thấy điều này là không đúng, hoặc chương trình quảng cáo kia quá thiên lệch về định kiến giới, để con dần nhận ra như thế nào là định kiến, khuôn mẫu, bất bình đẳng về giới, để khi lớn lên các em ứng xử đúng mực, không có những quan điểm sai lệch.
Nếu cứ thả cho con em chúng ta trong thế giới truyền thông đại chúng đang càng ngày càng phức tạp và chưa được kiểm soát đầy đủ như hiện nay, cũng rất nguy hiểm.
* Lần này, dư luận phản ứng rất mạnh. Đó có phải là một tín hiệu tích cực trên con đường đấu tranh bình đẳng giới hay không?
– Đó là một tín hiệu tốt, chứng tỏ cộng đồng dần quan tâm hơn tới vấn đề giới. Tất nhiên, cũng có những ý kiến ngược; nhưng theo quan sát của tôi, đa phần là không đồng tình trước những phát ngôn như vậy.
Tôi tin sau vụ việc này, đài truyền hình sẽ thay đổi; khi sản xuất những chương trình như vậy, họ sẽ cẩn trọng hơn. Tín hiệu đó cũng là chỉ dấu cho thấy truyền thông đại chúng cũng phải tự thay đổi và cập nhật những tư tưởng mới, tiến bộ, hợp xu thế thời đại thì mới có thể hoàn thành tốt vai trò của người định hướng xã hội và dư luận.
* Cảm ơn bà.