18/09/2024

ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện – Bài 33: Chiến Đấu Trong Cầu Nguyện

Nếu trong giây phút mù mịt, chúng ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của Người, thì trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ lặp lại cùng một câu mà tổ phụ Gia-cốp đã nói vào một ngày nọ: “Quả thật, Chúa đang ở nơi này; mà tôi đã không biết điều đó ”(St 28:16).

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Sân San Damaso
Thứ Tư, 12 tháng 5 năm 2021

____________________________

Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 33: Chiến Đấu Trong Cầu Nguyện

Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Tôi rất vui được nối lại cuộc gặp mặt trực tiếp này, vì tôi nói thật với anh chị em điều này: không hay ho gì khi nói chuyện trước máy quay hình. Nó chẳng hay chút nào. Và bây giờ, sau nhiều tháng, nhờ sự dũng cảm của Đức Ông Sapienza, người đã nói, “Không, chúng ta sẽ làm ở đó”, thế là chúng ta tập trung lại ở đây. Đức Ông Sapienza quả tốt lành! Và thấy được người ta, thấy được anh chị em ở đây, mỗi người trong số anh chị em với câu chuyện của riêng anh chị em, những người đến từ khắp nơi, từ Ý, từ Hoa Kỳ, từ Colombia… Đội bóng nhỏ gồm bốn anh em người Thụy Sĩ, tôi nghĩ… họ đang ở kia… bốn. Thiếu cô em nhỏ, tôi hy vọng em sẽ đến… Và thấy từng người trong anh chị em làm tôi rất vui vì tất cả chúng ta đều là anh chị em trong Chúa, và nhìn nhau giúp chúng ta cầu nguyện cho nhau. Cả những người ở xa nhưng luôn làm họ gần gũi với chúng ta. Dì Geneviève lúc nào cũng hiện diện, đến từ Lunapark, những người làm việc… Rất nhiều. Tất cả đều ở đây. Cảm ơn anh chị em về sự hiện diện và viếng thăm của anh chị em. Anh chị em hãy mang thông điệp của Đức Giáo Hoàng đến cho mọi người. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng là: tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người, và tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện cho tôi, hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

Và nói về cầu nguyện, cầu nguyện Kitô giáo, giống như tất cả đời sống Kitô giáo, không phải là “đi dạo trong công viên”. Không ai trong số những người cầu nguyện vĩ đại mà chúng ta gặp trong Kinh thánh và trong lịch sử Giáo hội thấy việc cầu nguyện “thoải mái”. Có, người ta có thể cầu nguyện như một con vẹt – blah, blah, blah, blah, blah – nhưng đó không phải là cầu nguyện. Cầu nguyện chắc chắn mang lại sự bình an lớn lao, nhưng qua cuộc chiến đấu bên trong, đôi khi có khó khăn, khó khăn này có thể theo ta suốt cả một thời gian dài trong cuộc sống. Cầu nguyện không phải là một điều dễ dàng, và đây là lý do tại sao chúng ta trốn tránh nó. Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, ngay lập tức chúng ta được nhắc nhớ nhiều hoạt động khác, những hoạt động ngay lúc đó dường như quan trọng hơn và cấp bách hơn. Điều này cũng xảy ra với tôi nữa! Nó xảy ra với tôi. Tôi đi cầu nguyện một chút… nhưng không, tôi phải làm điều này điều nọ… Chúng ta chạy trốn khỏi cầu nguyện, tôi không biết tại sao, nhưng nó là như thế. Hầu như luôn luôn, sau khi ngừng cầu nguyện, chúng ta nhận ra những điều đó không chủ yếu chút nào, và chúng ta có thể đã lãng phí thời gian. Đó là cách Kẻ Thù lừa phỉnh chúng ta.

Mọi người nam nữ tin Chúa tường trình không những niềm vui của cầu nguyện, mà cả sự tẻ nhạt và mệt mỏi mà nó có thể mang lại: đôi khi quả phải chiến đấu khó khăn mới duy trì được thời gian và cách thức cầu nguyện. Một số vị thánh, liên tiếp trong nhiều năm, tìm bất cứ sự hài lòng nào trong cầu nguyện, nhưng không tri nhận được tính hữu ích của nó. Im lặng, cầu nguyện và tập trung là những thao tác khó khăn, và đôi khi bản chất con người nổi loạn. Thà chúng ta ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chứ không phải ở đó, trong hàng ghế nhà thờ, cầu nguyện. Những ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không dễ dàng, và đôi khi nó tiến bước trong bóng tối gần như hoàn toàn, không có điểm quy chiếu nào. Có những khoảnh khắc trong đời sống đức tin tối tăm, và do đó một số thánh nhân gọi đây là “đêm tối”, bởi vì chúng ta không nghe thấy gì. Nhưng tôi tiếp tục cầu nguyện.

Sách Giáo lý liệt kê một loạt dài những kẻ thù của việc cầu nguyện, những kẻ thù gây khó khăn cho việc cầu nguyện, khiến chúng ta gặp khó khăn (xem số 2726-2728). Một số người nghi ngờ rằng cầu nguyện có thể thực sự vươn tới Đấng Toàn năng: tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng? Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, hẳn Người có thể nói một vài lời và vấn đề nhờ thế kết thúc. Đối diện với việc khó nắm bắt thể thần linh, những người khác nghi ngờ rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý học đơn thuần; một điều gì đó có thể hữu ích, nhưng không đúng và không cần thiết: và thậm chí người ta có thể là một người thực hành đạo mà không phải là một tín hữu. Và vì vậy nó tiếp diễn, với nhiều giải thích.

Tuy nhiên, các kẻ thù tồi tệ nhất của việc cầu nguyện tìm thấy trong chính chúng ta. Sách Giáo lý mô tả chúng như sau: “chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải), thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa” (2728). Đây rõ ràng là một bản tóm tắt có thể mở rộng được.

Nên làm gì trong thời điểm bị cám dỗ, khi mọi thứ dường như lung lay? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử linh đạo, có thể thấy ngay rằng các bậc thầy của linh hồn đã rất rõ ràng về tình huống mà chúng ta đã mô tả. Để vượt qua nó, mỗi người trong số họ đã đưa ra một số hình thức đóng góp nào đó: một lời khôn ngoan hoặc một gợi ý để đối phó với những khoảnh khắc đầy khó khăn. Đây không phải là vấn đề lý thuyết phức tạp, lý thuyết định sẵn, không, mà là những lời khuyên phát sinh từ kinh nghiệm, cho thấy tầm quan trọng của việc chống lại cám dỗ và kiên trì trong cầu nguyện.

Điều đáng lưu ý là xem lại ít nhất một số lời khuyên này, vì mỗi lời khuyên đều xứng đáng được thăm dò thêm. Thí dụ: Các Bài Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola là một cuốn sách ngắn về sự khôn ngoan tuyệt vời dạy cách sắp xếp trật tự cuộc sống của người ta. Nó giúp chúng ta hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu có tính chiến đấu, nó là quyết định đứng dưới cờ hiệu của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải dưới cờ hiệu của ma quỷ, cố gắng làm điều tốt ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn.

Trong thời gian thử thách, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không đơn độc, có đấng nào đó đang trông coi chúng ta và bảo vệ chúng ta. Thánh Antôn Tu Viện trưởng, người sáng lập ra phong trào đơn tu Kitô giáo, cũng phải đối đầu với thời kỳ khủng hoảng ở Ai Cập, khi việc cầu nguyện trở thành một cuộc đấu tranh khó khăn. Người viết tiểu sử của ngài, Thánh Atanasiô, Giám mục Alexandria, kể lại một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của vị thánh ẩn tu khi ngài khoảng ba mươi lăm tuổi, một thời kỳ trung niên mà đối với nhiều người thường có khủng hoảng. Thánh Antôn đã bị xáo trộn bởi thử thách, nhưng đã chống lại. Cuối cùng khi đã thanh thản trở lại, ngài hướng sang Chúa của mình với giọng điệu gần như trách móc: “Nhưng lạy Chúa, lúc ấy Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay để chấm dứt sự đau khổ của con? ” Và Chúa Giêsu trả lời: “Antôn, Ta ở đó. Nhưng Ta đợi xem con chiến đấu”(Hạnh thánh Antôn, 10). Chiến đấu trong cầu nguyện. Và rất thường xuyên, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Tôi nhớ tôi đã trải qua một điều gần như thế, khi tôi còn ở giáo phận khác. Có một cặp vợ chồng với một đứa con gái chín tuổi, mắc một căn bệnh mà các bác sĩ không thể chẩn đoán được. Và cuối cùng, trong bệnh viện, bác sĩ nói với bà mẹ, “Thưa bà, bà gọi cho chồng bà đi”. Còn người chồng thì đang đi làm; họ là những người lao động, họ làm việc hàng ngày. Và bác sĩ nói với người cha, “Đứa trẻ sẽ không sống sót qua đêm. Chúng tôi không thể làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm này”. Có lẽ người đàn ông đó không tham dự thánh lễ vào mỗi Chúa nhật, nhưng ông ta có một đức tin tuyệt vời. Ông ấy bỏ đi, vừa đi vừa khóc; để vợ ở đó cùng đứa con trong bệnh viện, ông lấy xe lửa và đi bảy mươi cây số về phía Vương cung thánh đường Đức Mẹ Luján, Đấng Bảo trợ của Á Căn Đình. Và ở đó – Vương cung thánh đường đã đóng cửa, lúc đó đã gần mười giờ đêm, chiều tối – ông bám vào các ô cửa sắt của Vương cung thánh đường và ở đó cả đêm để cầu nguyện với Đức Mẹ, chiến đấu cho sức khỏe của con gái mình. Đây không phải là một điều tưởng tượng: Tôi đã thấy ông ta! Chính tôi đã nhìn thấy ông ta. Người đàn ông đó, đang chiến đấu. Cuối cùng, sáu giờ sáng, Nhà thờ mở cửa, ông bước vào để chào Đức Mẹ rồi trở về nhà. Và ông ấy nghĩ: “Đức Mẹ đã bỏ chúng ta. Không, Đức Mẹ không thể làm điều này với mình”. Sau đó, ông đến gặp [vợ mình], và bà ấy đã mỉm cười, nói: “em không biết chuyện gì đã xảy ra. Các bác sĩ nói rằng một điều gì đó đã thay đổi, và bây giờ con nhỏ đã khỏi bệnh”. Người đàn ông đó, chiến đấu bằng lời cầu nguyện, đã nhận được ơn phúc của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã lắng nghe lời ông ta. Và tôi đã thấy điều này: lời cầu nguyện đã làm nhiều phép lạ, vì lời cầu nguyện đi thẳng vào trái tim của sự dịu dàng Thiên Chúa, Đấng chăm sóc chúng ta như một người cha. Và khi không ban cho chúng ta ơn phúc này, Người sẽ ban cho chúng ta ơn phúc khác mà trong một thời gian chúng ta mới thấy. Nhưng luôn luôn, anh chị em hãy chiến đấu trong cầu nguyện để xin ơn phúc. Đúng vậy, đôi khi chúng ta cầu xin ơn phúc mà chúng ta không cần, nhưng chúng ta cầu xin mà không thực sự mong muốn, không đấu tranh … Chúng ta không cầu xin những điều nghiêm túc theo cách này. Cầu nguyện là chiến đấu, và Chúa luôn ở với chúng ta.

Nếu trong giây phút mù mịt, chúng ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của Người, thì trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ lặp lại cùng một câu mà tổ phụ Gia-cốp đã nói vào một ngày nọ: “Quả thật, Chúa đang ở nơi này; mà tôi đã không biết điều đó ”(St 28:16). Vào cuối cuộc đời của chúng ta, khi nhìn lại, chúng ta cũng sẽ có thể nói: “Tôi từng nghĩ tôi ở một mình, nhưng không, tôi đã không ở một mình: Chúa Giêsu ở với tôi”. Tất cả chúng ta sẽ có thể nói điều ấy. Cảm ơn anh chị em.

Nguồn: http://vietcatholicnews.org
__________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Trong bài giáo lý liên tục của chúng ta về sự cầu nguyện của Kitô hữu, giờ đây chúng ta xem xét chủ đề truyền thống là “chiến đấu trong cầu nguyện”. Các bậc thầy tâm linh vĩ đại nhận ra rằng việc cầu nguyện không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì bản chất con người của chúng ta thường bị phân tâm hoặc bị cám dỗ bởi những ưu tiên dường như quan trọng hơn. Sách Giáo lý dạy rằng lời cầu nguyện, mặc dù là một món quà miễn phí và không xứng đáng với ân điển của Thiên Chúa, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm chán nản, buồn bã hoặc thất vọng của con người chúng ta (xem số 2728). Trên thực tế, nhiều vị thánh đã trải qua thời gian dài của sự khô khan trong cầu nguyện và thậm chí là tăm tối. Họ dạy chúng ta rằng phản ứng duy nhất đối với những cám dỗ này là sự kiên trì hơn. Thánh Ignatius thành Loyola sử dụng hình ảnh quân đội để nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật trong nỗ lực phục vụ của chúng ta dưới ngọn cờ của Chúa Kitô. Thánh Antôn đã học được từ những trận chiến trong cầu nguyện khắc nghiệt của mình trong sa mạc rằng mặc dù đôi khi Chúa dường như vắng mặt giữa những cuộc đấu tranh này, nhưng Ngài vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Trong nỗ lực kiên trì cầu nguyện hàng ngày, chúng ta có thể tin tưởng rằng cuộc chiến cầu nguyện của chính chúng ta, giống như của Giacốp và thiên sứ (xem St 28,16), sẽ sinh hoa kết quả trong mối quan hệ sâu sắc và trưởng thành hơn với Chúa.