24/01/2025

Làm thế nào để ‘học thật, thi thật, có nhân tài thật’?

Làm thế nào để ‘học thật, thi thật, có nhân tài thật’?

Theo nhiều thầy cô giáo, yêu cầu của Thủ tướng ‘học thật, thi thật, có nhân tài thật’ cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà Bộ GD-ĐT cần giải quyết dứt điểm.
Các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện ở Hà Nội năm 2020 được vinh danh /// ẢNH: BẢO ANH
Các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện ở Hà Nội năm 2020 được vinh danh ẢNH: BẢO ANH
Tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh ChínhPhó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD-ĐT về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Theo nhiều thầy cô giáo, yêu cầu của Thủ tướng “học thật, thi thật, nhân tài thật” cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà Bộ GD-ĐT cần giải quyết dứt điểm để tạo ra động lực có tác động lan tỏa mạnh trong ngành giáo dục rất được xã hội đồng tình. Bởi con người là nhân tố quan trọng, trong đó “nhân tài thật” là quyết định cho sự thành bại của sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người.
Nhân tài chính là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung – thời vua Lê Thánh Tông). Rõ ràng từ xưa ông cha ta đã quan niệm nguyên khí của quốc gia vừa là hoài bão, khát vọng, vừa là sức mạnh của dân tộc.
Vậy để đất nước có “nhân tài thật” như Thủ tướng mong muốn, ngành giáo dục cần bắt tay ngay vào những công việc sau. Cụ thể thực hiện tốt 3 yêu cầu: phát hiện – bồi dưỡng; đào tạo; và sử dụng nhân tài để có “nhân tài thật” giúp ích cho nước nhà.
Về phát hiện – bồi dưỡng nhân tài, trong sự nghiệp giáo dục từ xưa đến nay, bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng đặt ra phương châm “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”. Những năm qua, Bộ GD-ĐT chú trọng vào hướng phát hiện và bồi dưỡng với nhiều hình thức, tổ chức thi cử, bước đầu tuyển chọn ra những học sinh giỏi cấp quốc gia – những học sinh đạt giải Đường lên đỉnh Olympia, học sinh năng khiếu…, đó là những hạt giống tài năng, nhưng rồi những học sinh đó đi đâu, về đâu, tiếp tục bồi dưỡng như thế nào để sử dụng hiệu quả, tránh việc lãng phí, chảy máu chất xám cần được quan tâm đầy đủ đúng mức.
Về đào tạo nhân tài, cần phải được chú trọng chất lượng không nên chạy theo số lượng. Chúng ta không nên đưa chỉ tiêu phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ. Bộ GD-ĐT cần đánh giá lại hiệu quả đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua như thế nào để đào tạo thực tế hơn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước hiện nay.
Làm thế nào để 'học thật, thi thật, có nhân tài thật'? - ảnh 1
Về sử dụng nhân tài, việc dùng người mỗi thời khác nhau tùy theo hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử, thời thế. “Thời thế tạo ra anh hùng nhưng đôi khi anh hùng cũng tạo ra thời thế”.
Đất nước ta, từ xưa đến nay lúc nào cũng nhiều người hiền tài, nhưng sự trọng dụng hiền tài như thế nào mới là điều quan trọng, “dụng nhân như dụng mộc”. Khi người tài được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, GS Nguyễn Văn Huyên…
Thực tế hiện nay có sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ra trường nhưng không tìm được việc làm, nhất là sinh viên ngành sư phạm. Cần phải ưu tiên cho những sinh viên này được chọn trường, chọn địa phương công tác là một ví dụ về “chiêu hiền đãi sĩ” thu hút nhân tài.
Rất mong Bộ GD-ĐT thực hiện bước đột phá trong việc phát hiện – bồi dưỡng; đào tạo và sử dụng nhân tài nhất định nước ta trong tương lai gần sẽ “…sánh vai với các cường quốc năm châu…” như Bác Hồ hằng mong muốn sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Văn Lực

(Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO