Cùng con vào thời đại số: Trẻ đọc sách trên Internet, tại sao không?
Cùng con vào thời đại số: Trẻ đọc sách trên Internet, tại sao không?
Hình ảnh trẻ em say mê các thiết bị số và Internet thay vì cầm quyển sách khá phổ biến ở Việt Nam. Vấn đề này khiến nhiều cha mẹ, thầy cô ‘đau đầu’, nhất là khi dịch COVID-19 buộc trẻ tạm thời nghỉ học, ở nhà.
Không chỉ Việt Nam, trẻ em ở nhiều nơi dường như xa rời văn hóa đọc, thay vào đó là đắm mình vào thế giới giải trí trên Internet.
Hiện tượng này ngày càng phức tạp đến nỗi một đất nước hàng đầu về công nghệ như Nhật cũng ban hành nhiều bộ luật khuyến đọc như Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005).
Khai thác sách điện tử, sách nói
Say mê quá mức điện thoại, iPad ngay từ độ tuổi rất nhỏ đã dẫn đến nhiều hệ lụy cả về thói quen sinh hoạt, sức khỏe và chất lượng tư duy.
Lớn hơn một chút, nếu sa đà vào cóp nhặt các tin tức ngắn, những nội dung giải trí thiên về nghe – nhìn, hay lạm dụng “cỗ máy” tìm kiếm trên Internet có thể khiến học sinh rơi vào bẫy “ảo tưởng bác học”.
Nghĩa là học sinh dễ dàng tra cứu mọi thứ trên Internet, nhưng không biết cách xử lý, kết nối tạo ra những giá trị mới có tính hệ thống. Kết quả cho dù biết nhiều, các em vẫn thiếu nền tảng để trở thành người có tư duy và văn hóa thực sự.
Cần nhìn nhận Internet và các phương tiện kỹ thuật số vẫn là những công cụ tuyệt vời, giúp tiếp cận kho thông tin – tri thức khổng lồ.
Mấu chốt nằm ở chỗ là nếu phụ huynh có thái độ và tư duy hợp lý khi cho trẻ tiếp cận Internet từ nhỏ, công cụ này sẽ giúp ích trẻ em rất nhiều trong việc phát triển văn hóa đọc nói riêng và khả năng học tập nói chung.
Chẳng hạn, nhiều cuốn sách ngày nay được phát hành và lưu trữ trên Internet dưới dạng sách điện tử, sách đa phương tiện, nhờ đó trẻ em có thể đọc và học trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau.
Các em có thể nghe sách nói bằng cả hình thức chủ động hay thụ động, nhờ đó tận dụng tối ưu thời gian tiếp thu các kiến thức mới, thay vì đắm chìm vào nhiều clip giải trí vô thưởng vô phạt.
Trên Internet, nhiều nội dung đa phương tiện hữu ích cũng giúp học sinh học tập tốt hơn nhờ những tính năng quan sát hình ảnh động, nghe âm thanh trực quan, sinh động…
Bí quyết ở sự dung hòa
Để lành mạnh hóa việc trẻ em dùng các thiết bị số, cân bằng việc dùng Internet với đọc sách, cha mẹ có thể lưu ý một số điểm sau.
Trước hết, không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với màn hình điện tử (dưới 6 tuổi). Ở Việt Nam, dễ thấy những trẻ em ngày ngày được dỗ ngọt những khi ăn uống bằng điện thoại thông minh, iPad. Khi tuổi còn non nớt, thói quen này gây hại cho mắt, cột sống và tư duy của trẻ.
Trong gia đình tôi, ba đứa con đều dưới 6 tuổi và cơ bản không dùng Internet, không chơi trò chơi điện tử. Ngoài triệt để thực hiện kỷ luật này, chúng tôi rèn cho các cháu đọc các quyển sách thích hợp từ sớm. Kết quả là đến giờ các cháu không bao giờ tự tiện chạm đến điện thoại, iPad, máy tính của bố mẹ.
Cần chú ý tới việc xây dựng môi trường thuận lợi cho trẻ ở lứa tuổi này để sớm hình thành thói quen đọc.
Cách tốt nhất là thiết kế trong chính ngôi nhà của mình một tủ sách, một thư viện mini dành cho cả gia đình cùng đọc. Sự phong phú và hấp dẫn của kho sách này sẽ tạo cho trẻ có một tâm hồn lành mạnh, một trí tuệ thông thái cho trẻ.
Khi trẻ hơn 6 tuổi và dần tiếp xúc với các thiết bị điện tử, cha mẹ và con cái cần thống nhất “bộ quy tắc” trong việc sử dụng hiệu quả và an toàn. Chẳng hạn, cha mẹ cần giải thích cho con một vài điều “không được làm” trên môi trường số, như không vào website lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho các tài khoản khác, không dùng mạng xã hội khi chưa đủ tuổi…
Các bên cần vạch rõ thời gian tối đa trong một ngày mà trẻ có thể dùng công nghệ, và cả hai đều cam kết tuân thủ. Nếu con muốn dùng thêm iPad trong hôm nay thì ngày mai sẽ bị trừ thời lượng tương ứng.
Ngoài ra, cần hướng dẫn trẻ cách dùng Internet hữu ích cho việc học. Cha mẹ nên hướng dẫn con cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin phù hợp với mình. Cho phép trẻ đưa thông tin lên mạng cũng cần được lưu tâm.
Cảm giác được công nhận luôn thúc đẩy trẻ hành động tích cực, vì vậy cho trẻ công bố các bài viết, bức tranh, dự án của mình với bạn bè trên không gian mạng cũng là cách hay để khuyến khích con. Cha mẹ có thể giúp trẻ làm điều này trên cơ sở cân nhắc tới quyền riêng tư, an toàn và tác động tới trẻ.
Ở tuổi này, để cân bằng việc dùng Internet với đời sống thường nhật, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động khác, nhờ đó có một nền tảng văn hóa phong phú, từ trải nghiệm thiên nhiên, giao tiếp xã hội, đến học tập, lao động và đặc biệt là đọc sách.
Cha mẹ có thể khuyến khích con luyện tập thể thao, kết giao bạn bè, giúp đỡ gia đình làm việc nhà, du lịch, khám phá thiên nhiên và đặc biệt là đọc sách, giúp trẻ dần dần vun đắp những nền tảng đó.
Nhiều hệ lụy nếu trẻ lạm dụng điện thoại thông minh
Việc lạm dụng các thiết bị điện tử ở trẻ em hay thanh thiếu niên trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm.
Trang The Guardian (Anh) dẫn nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học nước này cho thấy cứ một trong bốn người dưới 20 tuổi dùng điện thoại thông minh mỗi ngày thường phải chịu một số ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
TS Nicola Kalk từ ĐH King’s College London (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết nhóm đã phân tích dữ liệu từ 41 công trình khoa học liên quan, được thực hiện trên gần 42.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ.
Thông qua nhiều bảng câu hỏi, công trình thăm dò mức độ sử dụng điện thoại và các hiện tượng tâm lý phổ biến như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng, khó ngủ hay mất tập trung trong học tập.
Kết quả, 23% bạn trẻ cho biết họ rất thường xuyên trải qua một trong các dấu hiệu tiêu cực trên, kể từ khi bắt đầu dùng điện thoại.
Trong khi đó, theo GS Russell Viner, chủ tịch ĐH Nhi khoa và sức khỏe trẻ em hoàng gia (Anh), khi có con trong tuổi trưởng thành, cha mẹ cần tỉnh táo thiết lập những giới hạn phù hợp với lứa tuổi trong việc sử dụng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, cần thường xuyên quan sát và trò chuyện với con để phát hiện những dấu hiệu tâm lý bất thường của trẻ trên cả môi trường thực lẫn ảo để sớm can thiệp kịp thời.
VĂN KHOA
Cha mẹ cần làm gương
Internet có tính gây nghiện và rất dễ làm cho người dùng rơi vào tình trạng “lạm dụng”. Ngay cả chúng ta, những người trưởng thành, cũng có khi lãng phí cả 2-3 tiếng mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn chỉ để lướt đọc những tin tức vô thưởng vô phạt, chơi game hoặc đăng tải những dòng trạng thái trên mạng xã hội rồi chờ đếm “like” và trả lời bình luận.
Cần nhớ cha mẹ là người có quyền uy và có ảnh hưởng lớn tới con cái. Vì vậy, muốn trẻ sống lành mạnh cùng Internet và các thiết bị số, cha mẹ cần làm gương bằng cách có kỷ luật với chính bản thân.
Cha mẹ hãy đọc sách, chơi thể thao, trải nghiệm và thưởng thức cuộc sống gia đình, thiên nhiên, xã hội cùng con thay vì đắm chìm trong thế giới Internet vô mục đích.
Trong thời đại số, không ít phụ huynh tỏ ra “đuối sức” hoặc lúng túng với Facebook, Twitter, TikTok, hay mới đây là những ứng dụng học trực tuyến như Zoom, Google Meets, Microsoft Teams… Điều này có thể để lại một số hệ quả như cha mẹ khó chia sẻ cùng con, khó lòng bảo vệ con trước những nguy cơ tiềm ẩn trong “thế giới ảo”.
Trước thực tế đó, Tuổi Trẻ ra mắt chuyên mục “Cùng con vào thời đại số” – là nơi cung cấp những thông tin, xu hướng, những câu chuyện đáng quan tâm trong mối quan hệ ba bên giữa cha mẹ, con cái và công nghệ.
Chuyên mục mong nhận được sự cộng tác của các phụ huynh, học sinh, chuyên gia. Bài viết xin gửi về email: [email protected].
TUỔI TRẺ