23/12/2024

Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo: Xử lý nghệ sĩ tiếp tay cho gian dối

Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo: Xử lý nghệ sĩ tiếp tay cho gian dối

Nghệ sĩ quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội được xem là một vấn nạn. Người tiếp tay cho quảng cáo không đúng sự thật, quá với nội dung được cấp phép phải bị xử lý.
Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo: Xử lý nghệ sĩ tiếp tay cho gian dối
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (gọi tắt BQL ATTP), cho rằng thực trạng các nhãn hàng sử dụng người có uy tín, tầm ảnh hưởng để quảng cáo cho một số loại thuốc, thực phẩm chức năng… đang ở mức đáng báo động tại Việt Nam.

Người xuất hiện trong quảng cáo phải có trách nhiệm với phát ngôn

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, thời gian qua, BQL ATTP đã xử phạt nhiều trường hợp các nhà thuốc lớn tự lên kịch bản quảng cáo công dụng điều trị của các sản phẩm quá lố. Trên thế giới, các nghệ sĩ có tên tuổi, có thể “hái” ra tiền từ các hợp đồng quảng cáo, nhưng họ rất cẩn trọng trong khâu lựa chọn nhãn hàng để đóng quảng cáo vì lo sợ thương hiệu cá nhân bị ảnh hưởng. Còn ở Việt Nam thì vẫn còn lỗ hổng, vì nhiều quản lý nghệ sĩ chỉ quan tâm nhãn hàng hợp tác ký hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn.
“Tình trạng nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm so với nội dung cho phép quảng cáo là đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng cấm quảng cáo làm người dân hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng hơn thuốc. Có trường hợp nghệ sĩ và nhãn hàng tự thỏa thuận kịch bản quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội Zalo, Facebook…”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng cần xử lý những nhãn hàng tung quảng cáo sản phẩm mà không có giấy phép đăng ký; xử lý những nhãn hàng quảng cáo mà không có phê duyệt nội dung quảng cáo; xử lý các clip có nội dung quảng cáo sai so với nội dung gửi phê duyệt. “Cần xem xét, bổ sung các quy định để ràng buộc những cá nhân khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình. Nhất là khi một người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho sản phẩm nào đó thì đa số họ chưa biết hết về công dụng hoặc có thể chưa từng sử dụng thử sản phẩm họ đang rao bán. Nghệ sĩ phát ngôn quảng cáo cho sản phẩm bất hợp pháp, phát ngôn sai công dụng điều trị của sản phẩm phải bị xử lý vì đưa tin sai sự thật”, bà Lan đề xuất.
Liên quan câu chuyện ngày càng nhiều nghệ sĩ sinh sống tại TP.HCM quay clip quảng cáo quá lố công dụng điều trị sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng là thuốc, bà Lan cho biết sắp tới BQL ATTP sẽ phối hợp với Sở TT-TT tổ chức buổi tập huấn các thông tư, quy định về nội dung quảng cáo cho giới nghệ sĩ; cần thiết là phổ biến trước quy định sẽ xử phạt bao gồm những hành vi nào. Bởi nghệ sĩ có thể bị xử phạt nếu quảng cáo sai sự thật. Các quảng cáo phải được duyệt từng chữ. Đặc biệt là quảng cáo tránh sử dụng các từ ngữ như: tốt nhất, điều trị thay…

Cần tỉnh táo

Cũng theo bà Lan, các cơ quan, đơn vị có nghĩa vụ liên quan cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân hơn. Bởi không phải bất cứ sản phẩm nào được nghệ sĩ quảng cáo đều có tác dụng “thần kỳ”. Người dân cần hiểu rằng, không có một sản phẩm đông y hay sản phẩm chức năng nào có hiệu quả tức thời. Đừng căn cứ vào giá tiền, ham mua đồ đắt vì có khả năng bị trà trộn tân dược, tạp chất ẩn chứa nguy cơ gây hại cho sức khỏe hoặc đánh mất thời gian “vàng” cứu chữa bệnh.
Thời gian qua, BQL ATTP TP.HCM đã lập ra bộ phận duyệt quảng cáo nhằm phát hiện kịp thời những nội dung quảng cáo sai để chuyển thanh tra xử phạt. Tuy nhiên, nhiều DN chối trách nhiệm, cho rằng những quảng cáo này không phải do họ thực hiện.
D.Tính
Theo chuyên gia lĩnh vực truyền thông marketing Trần Khánh Tùng, việc nghệ sĩ hoặc một người bình thường tự nhận mình mắc bệnh để quảng cáo cho một loại thuốc mà ngay cả bản thân họ còn chưa sử dụng thì thật khó kiểm chứng. Ông Tùng nhận định: “Hiệu quả của hoạt động quảng cáo sản phẩm sẽ phụ thuộc vào lối tư duy của chủ doanh nghiệp (DN) và giá trị mà DN muốn hướng đến. Đối với người nổi tiếng cũng vậy, tùy vào mức độ ảnh hưởng của mình, vị trí trong cộng đồng (thường gọi sao hạng A, B…) để nghệ sĩ quyết định lựa chọn sản phẩm và hình thức quảng bá sản phẩm để không gây hại cho tiếng tăm của mình”.
TS Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), đề xuất công thức “3 kiểm chứng” nhằm chỉ dẫn các nghệ sĩ cân nhắc nên làm gì khi tham gia quảng cáo các nhãn hàng và sản phẩm. “Một là kiểm chứng các giấy tờ xác nhận tính hợp pháp của nhãn hàng và sản phẩm. Đặc biệt là các nhãn hàng và sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Hai là kiểm chứng uy tín của DN chủ nhãn hàng, chủ sản phẩm. Nhãn hàng mới của một DN mới gia nhập thị trường rõ ràng là điều phải được kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi nhận lời tham gia quảng cáo cho họ. Và ba là kiểm chứng chính bản thân, rằng mình đang bị lệ thuộc đến mức nào vào hợp đồng quảng cáo đang nhận, đến mức có thể dính bẫy “trách nhiệm hợp đồng”, bị chủ nhãn hàng ràng buộc đến mức bảo nói gì phải nói nấy, bất chấp thực tế đúng sai”, TS Thông khuyến cáo.

Đừng bán danh dự lấy lợi nhuận

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ mới đây khi đang mở YouTube nghe chèo thì bỗng dưng hiện lên clip quảng cáo “nhà tôi 3 đời có thuốc gia truyền chữa tiểu đường”. Bà cho rằng những sản phẩm như thuốc đông y gia truyền cũng phải được cơ quan có thẩm quyền về đông y kiểm định thì mới được phép lưu hành, muốn quảng cáo cũng phải được kiểm định chất lượng chứ người dân bình thường không thể biết được bên trong có gì, nếu tùy tiện sử dụng sẽ rất nguy hiểm… Về việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên không gian mạng, theo bà Tuyết Nhung, nghệ sĩ cũng cần phải cẩn trọng với từng sản phẩm mà mình quảng cáo hay đại diện thương hiệu chứ không nên “bán danh dự để lấy lợi nhuận”. Về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, bà Tuyết Nhung cho biết luật Quảng cáo đã có, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý vấn nạn quảng cáo “nhảm” như hiện nay. Sỹ Đông
Mặt khác, theo TS Thông, giới làm nghề quảng cáo cần luôn hiểu rõ “lằn ranh đỏ” về đạo đức truyền thông trong vấn đề này. “Việc lợi dụng tín nhiệm của công chúng để làm bất cứ điều gì tổn hại đến quyền lợi công chúng đều là vi phạm nghiêm trọng về đạo đức truyền thông. Không thể đơn giản vì tiền bạc mà sẵn sàng nhận quảng cáo cho một nhãn hàng hoặc sản phẩm mà bản thân mình không hề tin tưởng. Đó là một trong những điều tối thiểu về đạo đức. Huống gì, vấn đề đang được đề cập đến là sức khỏe và tính mạng con người”, TS Thông nhấn mạnh.
DUY TÍNH – BÍCH NGÂN – SỸ ĐÔNG
TNO