23/01/2025

Chúa Nhật VI Phục Sinh, B: Ở lại trong tình yêu

Trong bài Tin Mừng hôm nay, trọng tâm đặt ở sự vâng phục và tình yêu. Vâng nghe lệnh truyền yêu thương của Chúa là mở rộng tình yêu của Chúa đến với mọi người. Việc vâng nghe lệnh truyền yêu thương này sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho người môn đệ

CHÚA NHẬT THỨ 6 MÙA PHỤC SINH NĂM B

Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy
(Ga 15,9)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. BÀI ĐỌC 1: Cv 10,25-26.34-35.44-48

Trong khoảng thời gian 30 năm sau biến cố phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội thời sơ khai đã có bước tiến triển mạnh mẽ trong Đế quốc Rôma. Dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, các tín hữu, nhất là những vị tông đồ xuất chúng như Phêrô, Phaolô, Gioan, Giacôbê, Stêphanô, Barnabas, đã không ngừng làm lan toả Tin Mừng về Chúa Kitô Phục Sinh trên toàn Đế quốc: từ Giêrusalem đến tận Rôma. Giáo Hội đã không ngừng vươn lên, từ một định chế của các tín hữu gốc Do Thái trở thành một định chế mang tầm mức “quốc tế” bao hàm đa số các tín hữu gốc dân ngoại.

Sách Tông đồ Công vụ minh định: Hội Thánh Chúa không phải là một thực thể chính trị nhằm đe doạ sự tồn vong của Đế quốc Rôma, nhưng là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đang kiến tạo một “vương quốc” thiêng liêng, bao gồm tất cả những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô.

Bài đọc 1 thuộc đơn vị văn chương 9,32–12,24, cho chúng ta thấy việc loan báo Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh đã bắt đầu khởi sự nơi dân ngoại. Thánh Phêrô đã nhận được thị kiến từ Thiên Chúa, theo đó Tin Mừng cũng sẽ được loan báo cho cả dân ngoại nữa, chứ không chỉ giới hạn cho người Do Thái. Tại nhà viên đại đội trưởng người Rôma là ông Corneliô, thánh Phêrô đã xác định rõ thánh ý cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và sống ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (x. Cv 10,35). Một khi Chúa Thánh Thần được ban xuống cho cả dân ngoại, thì Phêrô không thấy có lý do gì ngăn cản ngài làm Phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (x. Cv 10,45-48).

2. BÀI ĐỌC 2: 1Ga 4,7-10

Theo truyền thống, vào những năm cuối đời, thánh Gioan Tông Đồ đã sống tại Êphêxô. Lá thư này có lẽ được viết cho chính giáo đoàn tại đây. 1Ga 2,19 cho chúng ta biết có một số kẻ “phản Kitô” đã tách khỏi giáo đoàn. Họ đang tìm cách lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của họ. Thánh Gioan đã viết thư này, để giúp giáo đoàn phân định sự thật khỏi sự dối trá và lầm lạc cả trong giáo thuyết lẫn trong cung cách sống.

Những kẻ phản Kitô này không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô (x. 2,2). Họ cũng không tin Đức Giêsu Kitô là “Đấng đã đến và trở nên người phàm” (4,2-3). Hơn nữa, những kẻ này nhận mình có khả năng nhận biết và có sự hiệp thông trực tiếp với Thiên Chúa, nên họ không cần đến vai trò trung gian cứu độ của Đức Giêsu Kitô (x. 1,6; 2,4). “Chủ nghĩa ưu tuyển thiêng liêng” này xem thường vai trò của luân lý và bác ái yêu thương trong đời sống của người tín hữu. Trái lại, họ thích đề cao vai trò của các thị kiến và mạc khải thiêng liêng nơi con người.

Bác bỏ quan điểm của những kẻ phản Kitô, trong bài đọc 2 này, thánh Gioan dạy chúng ta ba điều vừa liên hệ đến đề tài Kitô học, cứu độ học, vừa liên hệ đến đời sống thực hành đức tin của người Kitô hữu. Ba điểm thiết yếu đó là:

1/ Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. c7).

2/ Kẻ biết yêu thương thì nhận biết Thiên Chúa (x. c7).

3/ Đức GiêsuKitô là Con Một Thiên Chúa đã đến trong thế gian, Người đã đến làm của lễ đền tội cho chúng ta, để nhờ Người mà chúng ta được sống. Như thế, Thiên Chúa cho chúng ta thấy Người đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta biết yêu mến Người (x. cc9-10).

3. BÀI TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Các chương 14-16 của Tin mừng Gioan ghi lại nội dung bốn diễn từ chia tay của Chúa Giêsu với các môn đệ. Bài Tin mừng Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh năm B là phần cuối trong diễn từ thứ hai (x. Ga 15,1-17). Qua diễn từ này, Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ hãy “ở lại” trong tình thương của Người để họ “sinh được hoa trái”. Chúng ta có thể rút ra một số điểm chính trong bài Tin Mừng hôm nay:

1) Các môn đệ sẽ sinh được hoa thơm trái ngọt nếu họ “ở lại” trong Chúa, nghĩa là, khi họ gắn bó thân tình với Chúa và tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, qua việc thực thi lệnh Chúa truyền. Nhưng tại sao người môn đệ phải “ở lại” trong Chúa mới sinh hoa kết trái như lòng Chúa mong ước? Nối kết với các câu trước đó trong diễn từ thứ hai này (x. Ga 15,1-8), câu trả lời là: khi không kết hợp mật thiết với Chúa, thì họ chẳng khác nào cành nho tách rời khỏi cây nho; mà nếu không gắn liền với cây nho, thì cành nho không tự mình sinh hoa trái được (x. Ga 15,4).

2) Người môn đệ ở lại trong Chúa cách đích thực, khi họ thực thi mệnh lệnh Người truyền cho họ. Lệnh truyền đó chính là: họ hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương họ (x. c12). Tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ chính là mẫu mực cho tình yêu của họ đối với nhau. Người môn đệ được mời gọi vươn tới tầm mức yêu thương cao cả của Đấng [sẽ] hiến mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10,15). Chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện điều Người đang mời gọi các môn đệ thực thi: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì người bạn hữu của mình”. Như thế Người không chỉ truyền cho các môn đệ thực thi lệnh truyền yêu thương, nhưng chính Người còn là mẫu gương yêu thương cho các môn đệ noi theo.

3) Người ở lại trong Chúa có thể phải để mình được “cắt tỉa” như cành nho, để họ có sức sống mạnh mẽ hơn và sinh nhiều hoa trái hơn. Việc “cắt tỉa” này có thể bao hàm việc để Chúa loại đi khỏi họ những thứ “lá-nhánh” không cần thiết trong đời họ, vốn là những thứ chỉ làm tiêu hao tâm trí và sinh lực của họ cách vô ích. Việc cắt tỉa cũng có thể ám chỉ đến việc thanh luyện đức tin-cậy-mến và trọn cả con người họ, khi Chúa để cho họ trải qua nhiều thử thách, khó khăn và trở ngại trong đời hầu giúp họ vươn tới tầm mức của người hoàn toàn thuộc trọn về Chúa, còn Chúa là tất cả của họ theo nghĩa viên mãn nhất. Người môn đệ có lòng yêu mến Chúa, có niềm tin vững chắc, có niềm cậy trông sắt son, sẽ xem những thử thách họ phải đối diện, không loại trừ cả việc bị bách hại và tử vì đạo, như một diễm phúc Chúa dành cho họ để họ trở nên đồng hình đồng dạng với chính Đấng “đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (x. Rm 5,8).

4) “Sinh được hoa trái” bền lâu biểu hiện sức sống và sự thành tựu nơi người môn đệ. Hoa trái mà họ sinh ra có thể được nhìn thấy qua đời sống nhiệt tâm cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa, qua việc sống các giá trị và đòi buộc của Tin Mừng, qua việc sống bác ái yêu thương mọi người, và qua việc hăng say loan báo Tin Mừng để từ đó Tin Mừng được lan toả ra khắp nơi (x. Cv 2,42-47; 11,19-26; 19, 8-10, v.v).

5) Mối tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và người môn đệ được hoạ theo mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (x. thêm Ga 13,20; 15,18-25; 17,18; 20,21). Trong bài Tin Mừng hôm nay, trọng tâm đặt ở sự vâng phục và tình yêu. Vâng nghe lệnh truyền yêu thương của Chúa là mở rộng tình yêu của Chúa đến với mọi người. Việc vâng nghe lệnh truyền yêu thương này sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho người môn đệ (x. c11).

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH

1/ Thánh Phêrô đã minh định thánh ý cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mọi người. Ngài cũng đã làm Phép Rửa cho gia đình viên đại đội trưởng Corneliô, mở ra một trang sử mới cho Giáo Hội, theo đó ngày càng có nhiều “dân ngoại” tin theo Đức Kitô đã được nhận làm con cái Chúa và làm thành viên của Giáo Hội. Ngày hôm nay, tôi phải làm gì để nhiều người khác nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin theo Đức Kitô?

2/ Cộng đoàn tín hữu thời thánh Gioan phải đối diện với những vấn đề do những kẻ phản Kitô gây ra cả trong giáo thuyết lẫn thực hành. Thánh Gioan đã viết ra lá thư thứ nhất để phản bác lại những quan điểm và lối sống lầm lạc, đồng thời giúp hướng dẫn đời sống đức tin và luân lý của người tín hữu. Theo bạn, ngày hôm nay, chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề phản Tin Mừng nào? Làm sao chúng ta có thể sống trung tín với Thiên Chúa khi phải đối diện với những vấn nạn đó?

3/ Theo bạn, trong cuộc sống thường ngày, “ở lại” trong tình thương của Chúa Giêsu Kitô và “sinh được hoa trái” lâu bền nghĩa là gì? Chúng ta cần phải làm gì để có thể “ở lại” trong Chúa và “sinh được hoa trái”?

4/ Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật VI mùa Phục Sinh cho chúng ta nghe lại ba bài đọc này. Theo bạn, ba bài đọc này cho chúng ta hiểu biết điều gì về Đức Kitô Phục Sinh, về tình yêu và về quyền năng biến đổi của Người? Làm thế nào chúng ta có thể làm lan toả tình yêu và quyền năng biến đổi ấy của Chúa cho mọi người xung quanh?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa rất giàu lòng thương xót đã muốn quy tụ tất cả chúng ta trong tình yêu của Người qua Đức Giêsu Kitô. Với lòng biết ơn và tin tưởng, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa lời nguyện xin.

1. Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, sống bác ái yêu thương như Chúa truyền dạy, để Hội Thánh luôn là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

2. Thiên Chúa là tình yêu, chính Người đã yêu thương chúng ta trước. Xin cho những ai đang khó khăn thiếu thốn hay gặp khủng hoảng trong cuộc sống, luôn cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa qua sự đồng cảm chia sẻ của những người chung quanh.

3. “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang dấn thân trong đời sống tu trì, cách riêng các ứng viên sắp lãnh nhận chức thánh, luôn sống trung tín và can đảm làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.

4. “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức sống theo gương phục vụ của Chúa Giêsu, biết đón nhận khác biệt và vượt qua thành kiến, để góp phần xây dựng một cộng đoàn hợp nhất yêu thương.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và xin ban Thánh Thần là nguồn mạch bình an, giúp chúng con luôn sống bác ái yêu thương như dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ban MVPT TGP.