Khoa học nói gì về ‘dạy con bằng roi vọt’?
Khoa học nói gì về ‘dạy con bằng roi vọt’?
Dạy con bằng cách đánh đập có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí não của trẻ. Nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện đánh đập có thể làm thay đổi phản ứng thần kinh của trẻ với môi trường bên ngoài.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã phân tích tác động của cách dạy dỗ bằng bạo lực, hay còn gọi là trừng phạt thân thể, lên não của 147 trẻ em, theo Daily Mail.
Những bé tham gia nghiên cứu đều trong độ tuổi từ 10 đến 11. Các nhà nghiên cứu quan sát não trẻ bằng công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, nhóm cũng phân tích một lượng lớn dữ liệu được thu thấp trước đó ở trẻ từ 3 đến 11 tuổi.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ hay bị đánh đập có phản ứng thần kinh ở vùng não trước trán mạnh hơn. Đây là vùng não phản ứng với các kích thích có thể gây ra hậu quả từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như mối đe dọa nào đó. Hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ra quyết định và cách xử lý tình huống gặp phải trong cuộc sống của các bé.
Trước đây, các nhà khoa học đã biết đánh đập hay bất kỳ hình thức trừng phạt bạo lực nào lên thân thể đều có thể gây ra những hậu quả đến sức khỏe tâm thần trẻ, gây lo lắng, trầm cảm, các vấn đề về hành vi và sử dụng chất kích thích.
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy dạy dỗ bằng cách đánh đập tác động xấu đến sự phát triển thần kinh ở vùng não trước trán của trẻ.
Từ năm 2020, Anh và Scotland đã cấm hoàn toàn việc trừng phạt thân thể lên trẻ em. Trong khi ở xứ Wales thì các quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2022.
Tuy nhiên, cha mẹ ở Anh vẫn có thể thực hiện các biện pháp “trừng phạt hợp lý” khi dạy dỗ con, miễn sao những cách này không gây bầm tím, trầy xước, sưng tấy hay bất kỳ vết cắt nào trên cơ thể các bé, theo Daily Mail.
NGỌC QUÝ
TNO