Chúa Nhật V Phục Sinh, B: Liên kết và liên đới

Liên kết với Chúa và liên đới với nhau là hai khía cạnh mà các bản văn Lời Chúa hôm nay cố gắng trình bày trong những bối cảnh cụ thể khác nhau, nhưng tất cả đều quy về một điểm chung nhất là nên một với nhau khi mỗi người nên một với chính Chúa.

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8

LIÊN KẾT và LIÊN ĐỚI

“Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”(Ga 15,4)

Liên kết với Chúa và liên đới với nhau là hai khía cạnh mà các bản văn Lời Chúa hôm nay cố gắng trình bày trong những bối cảnh cụ thể khác nhau, nhưng tất cả đều quy về một điểm chung nhất là nên một với nhau khi mỗi người nên một với chính Chúa.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Cv 9,26-31:

Sau khi được kêu gọi làm tông đồ (Cv 9,1-19), thánh Phaolô đã công khai và mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và khi tới Giêrusalem, ngài tìm cách để tiếp cận với các môn đệ, nhưng mọi người còn ‘sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ’. Chính trong bối cảnh ấy, khuôn mặt của Barnaba bừng sáng lên trong tư cách là người trung gian nối kết Phaolô với các Tông đồ. Sự liên đới của Barnaba là hết sức cần thiết, để Phaolô có thể dễ dàng vượt qua bức tường nghi kỵ của các Kitô hữu, hầu thực thi sứ mạng được Chúa uỷ thác trong niềm tin tưởng của các Tông đồ ở Giêrusalem.

2. Bài đọc II – 1Ga 3,18-24:

Trước vấn nạn được nêu ra: đâu là mối dây giúp mỗi Kitô hữu có thể liên đới thực sự với Thiên Chúa trong tư cách là con. Một trong những điều cụ thể mà thánh Gioan đưa ra đó là: tin vào danh Con của Người là Đức Giêsu Kitô và tuân giữ các điều răn của Chúa, đặc biệt là đức bác ái. Bởi vì, như thánh Gioan quả quyết: chính niềm tin là cửa ngõ dẫn chúng ta đi vào kho tàng ân huệ vô biên của Thiên Chúa, và việc tuân giữ các điều răn làm cho chúng ta ‘ở trong Người và Người ở trong chúng ta’. Như thế, niềm tin vào Đức Giêsu và thực thi bác ái là hai mối dây liên kết chúng ta như những người con với Thiên Chúa là Cha chúng ta.

3. Bài Phúc Âm – Ga 15,1-8

Khởi đi từ cây nho, một hình ảnh hết sức quen thuộc với người Do Thái, Chúa Giêsu làm nổi bật tính liên kết giữa Ngài, Chúa Cha và các môn đệ:

– Sự liên kết giữa Ngài với Chúa Cha được diễn tả qua hình ảnh của cây nho và người trồng nho. Như thế, cây nho lệ thuộc hoàn toàn vào người trồng nho và mục đích của người trồng nho không gì khác hơn là làm cho cây nho đâm chồi nẩy lộc rồi trổ sinh hoa trái.

– Sự liên kết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ được Chúa Giêsu trình bày qua hình ảnh của cây nho và các nhành nho. Nhựa sống của cây nho chính là yếu tố quyết định đến sự sống còn, sự phát triển cũng như khả năng đơm bông kết trái của các nhành nho. Giống như cây nho lệ thuộc vào người trồng nho, thì nhành nho cũng hoàn toàn lệ thuộc vào cây nho giống như thế.

– Cũng vậy, sự liên kết của nhành nho với người trồng nho là một sự liên kết lệ thuộc: việc chặt, tỉa của người trồng nho không nhằm mục đích nào khác hơn đó là làm cho các nhành nho sinh hoa trái dồi dào.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Điều gì sẽ xảy ra cho sứ vụ của Phaolô nếu như không có sự can thiệp kịp thời của Barnaba? Như thế, liên đới với nhau trong sứ vụ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người được sai đi. Nhưng để có được một sự liên đới thực sự với nhau, đời sống của người môn đệ phải được đặt trên nền tảng của tình huynh đệ. Vì chỉ trong tương quan huynh đệ, người môn đệ mới có thể hiểu nhau, biết nhau, tin tưởng nhau; để cuối cùng đi tới chỗ liên đới hoàn toàn với nhau trong mọi sự.

2. Tình liên đới huynh đệ là hoa trái đến từ thái độ hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa những người môn đệ. Nhưng tình liên đới này chỉ thực sự trở nên vững chắc nếu nó được đặt trên nền tảng của sự liên kết của mỗi người với chính Thiên Chúa. Mà sự liên kết hoàn toàn với Thiên Chúa chỉ có thể có được đựa trên nền tảng của niềm tin vào Chúa và việc tuân giữ luật, đặc biệt là việc thực thi đức bác ái.

3. Mức độ phát triển của nhành nho tùy thuộc vào mức độ gắn kết của nó với thân nho, cũng thế mức độ liên kết của người môn đệ với Chúa Giêsu quyết định mức độ phát triển của sự sống thần linh nơi người môn đệ. Nói cách khác, hoa trái thiêng liêng trong đời sống sứ vụ của người môn đệ chính là thước đo mức độ liên kết của họ với Chúa Giêsu, là cây nho và với Chúa Cha, là người trồng nho.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Phục sinh mời gọi chúng ta liên kết với Người và liên đới với nhau, như những nhành nho gắn liền với cây nho để sinh được nhiều hoa trái. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin:

1. Cầu nguyện cho vườn nho của Chúa là Hội thánh: Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng và các hoạt động tông đồ, để vườn nho của Chúa ngày càng tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.

2. Cầu nguyện cho sự hợp tác giữa các quốc gia: Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết chọn con đường đối thoại, để mau chóng giải quyết những bất ổn, vượt qua xung đột, và tìm ra biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo hoà bình và thịnh vượng cho thế giới.

3. Cầu nguyện cho mọi Kitô hữu: Xin Chúa cho những ai đã được tái sinh trong phép Rửa tội luôn sống liên kết mật thiết với Chúa Kitô qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để cuộc sống của họ trở nên chứng tá sống động cho Tin mừng Phục sinh.

4. Cầu nguyện cho cộng đoàn hợp nhất: Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn liên đới với nhau trong các hoạt động chung, biết hy sinh quyền lợi cá nhân để hướng đến lợi ích của cộng đoàn và đem lại hoa trái thiêng liêng cho nhiều người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin thương chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn và từng người chúng con. Xin Chúa luôn là nguồn sức sống, nguồn an vui và hy vọng nối kết mọi người chúng con, giúp chúng con luôn vững bước trên đường đời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ban MVPT TGP.