24/12/2024

Điều kiện nào để có trường học thông minh?

Điều kiện nào để có trường học thông minh?

Trường học thông minh là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo công dân toàn cầu.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong 5 trường thực hiện đề án trường học thông minh tại TP.HCM /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong 5 trường thực hiện đề án trường học thông minh tại TP.HCM  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, xây dựng trường học thông minh (THTM) cần gắn với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Nhiều nơi có đề án triển khai

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 117/QĐ-TTg ngày 25.1.2017 về việc phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu nhằm hình thành cơ sở dữ liệu giáo dục, với các chỉ tiêu như: 100% các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện quản lý, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo phương thức kết hợp (trực tiếp và trực tuyến)…

Trường học thông minh trên thế giới

Ở Mỹ, từ những năm 1990, chương trình dạy học thông minh nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ số trong lớp học. Năm 2014, Ủy ban giáo dục tại New York đã đưa ra 7 tiêu chí của THTM.
Tại Malaysia, từ năm 1997 bắt đầu thực hiện dự  án giáo dục thông minh gồm các giai đoạn: thử nghiệm, sau thử nghiệm áp dụng đại trà, củng cố và ổn định.
Từ năm 2007, Singapore triển khai chương trình “Các trường học tương lai” cho 8  trường. Các trường này được cấp kinh phí để hợp tác với các trường đại học, các công ty thúc đẩy nghiên cứu công nghệ trong dạy và học.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững VN giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được hỗ trợ để xây dựng đô thị thông minh. Hiện nay, không chỉ 3 đơn vị trên mà Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đã có lộ trình triển khai đô thị thông minh và giáo dục thông minh.

Q.Long Biên (Hà Nội) thí điểm triển khai “Mô hình trường học điện tử” cho 7 trường tiểu học và THCS. Trường THPT Cầu Giấy có “Lớp học thông minh” do Bộ Giáo dục Hàn Quốc tài trợ…
TP.HCM phê duyệt đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, ngành giáo dục triển khai giáo dục thông minh với việc xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở và hệ thống THTM tại 5 trường THPT, gồm: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. THTM được xây dựng với 5 tiêu chí: thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy; giáo viên được trang bị tin học văn phòng quốc tế; phủ sóng internet tốc độ cao; triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá…
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai đề án “Xây dựng triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0”…

Chương trình giáo dục chưa tương thích

Việc xây dựng THTM đang diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản. Trước hết là chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Lĩnh vực giáo dục là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa; 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện đồng bộ về phương pháp, hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh một cách toàn diện, đa dạng hình thức…
Tuy vậy, việc xây dựng THTM đối diện với nhiều thách thức. Mô hình này nhấn mạnh phát triển các năng lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và các năng lực thế kỷ 21, nhưng chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực. Làm thế nào để thực hiện THTM mà vẫn phát triển được các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm, năng lực thẩm mỹ và thể chất là thách thức không nhỏ.
THTM đòi hỏi chương trình học linh hoạt và cá nhân hóa học tập, trong khi chương trình giáo dục phổ thông chưa thiết kế theo hướng này. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, nhiều trường miền núi vẫn thiếu công nghệ và internet dẫn đến nguy cơ mất công bằng trong giáo dục.

4 tiêu chí xây dựng THTM

Để xây dựng THTM cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết Bộ GD-ĐT xây dựng thống nhất các tiêu chí THTM, tập trung vào 4 tiêu chí: Mục tiêu THTM nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0; Người học là trung tâm được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại, có chất lượng, phù hợp với từng cá nhân; Tính chất thông minh của nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục; Công nghệ thông minh (gồm phần cứng và phần mềm) đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh.
Kế đến, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, chương trình, tài liệu (nguồn học liệu số), tập huấn đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Thứ ba, triển khai thí điểm trước khi áp dụng đại trà. Thứ tư, đẩy mạnh giảng dạy và kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, triển khai mô hình “lớp học đảo ngược”.
HỒ SỸ ANH
TNO