24/12/2024

Khách đi máy bay khai báo y tế ra sao?

Khách đi máy bay khai báo y tế ra sao?

Lực lượng an ninh soi chiếu sẽ không đảm nhận việc kiểm tra khai báo y tế đối với hành khách mà trách nhiệm này được giao cho các hãng hàng không.

 

Khách đi máy bay khai báo y tế ra sao? - Ảnh 1.

Hành khách khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hãng bay tăng cường nhân viên kiểm tra ở nhiều khâu, đảm bảo 100% hành khách đã khai báo y tế mới được lên máy bay.

Sẽ kiểm tra nhiều khâu

Theo quy định mới của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 22-4 các hãng hàng không chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm soát việc khai báo y tế của hành khách, đảm bảo hành khách khai báo y tế trước khi lên máy bay; tuyên truyền cho khách thực hiện khai báo y tế khi mua vé máy bay và khi làm thủ tục hàng không.

Như vậy, lực lượng an ninh hàng không không còn kiểm tra khai báo y tế như trước nữa mà tập trung nhiệm vụ kiểm soát an ninh.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 23-4, ngoài những hành khách thường xuyên di chuyển bay nên có kinh nghiệm khai báo y tế trên mạng trước khi tới sân bay, còn lại khá nhiều hành khách gặp trục trặc trong việc khai báo y tế do chưa quen với việc làm thủ tục trực tuyến hay khai báo qua hình thức online.

Các hãng bay đã tăng cường nhân viên để kiểm tra ít nhất 2 khu vực đối với việc khai báo y tế của hành khách.

Tại khu vực của Vietnam Airlines, lối đi vào quầy làm thủ tục, nhân viên hàng không kiểm tra phân luồng khách và nhắc thực hiện khai báo y tế. Nhân viên check-in khi xuất thẻ lên máy bay sẽ đóng dấu vào vé với nội dung khách đã thực hiện khai báo y tế.

Còn trường hợp khách đã check-in online, không ký gửi hành lý, trước lối vào khu soi chiếu sẽ được kiểm tra việc khai báo y tế. Sân bay đã bố trí nhiều quầy, nhân viên túc trực tại đây để trợ giúp khách khai báo online và khai báo giấy.

Ở cửa ra máy bay, ngoài thẻ lên máy bay, giấy tờ tùy thân, hành khách sẽ được nhân viên hàng không kiểm tra một lần cuối khai báo y tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bối rối không biết khai báo như thế nào cho đúng với quy định hoặc khai báo cho có.

Khách đi máy bay khai báo y tế ra sao? - Ảnh 2.

Trước cửa ra máy bay, nhân viên sẽ kiểm tra khai báo y tế – Ảnh: CÔNG TRUNG

Không du di bất kỳ ai

Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, hành khách phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước khi lên máy bay. Mọi thông tin cung cấp phải đảm bảo chính xác, trung thực, tránh trường hợp sai sót, có thể dẫn đến chậm trễ hành trình. Việc khai báo y tế có thể thực hiện trong vòng 24 giờ so với giờ khởi hành.

Theo ông Lưu Việt Hùng, chánh văn phòng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong suốt những ngày vừa qua, tình trạng hành khách khai báo y tế sai thông tin hoặc chưa khai báo y tế khi lên cửa an ninh soi chiếu không chỉ trở thành nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, mà nguy hiểm hơn là khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách cũng như đảm bảo việc kiểm soát sức khỏe cộng đồng.

Ông Hùng cho rằng hiện tại Cục Hàng không Việt Nam phân công việc kiểm soát và hỗ trợ khai báo y tế của hành khách cho các hãng hàng không phụ trách để giảm tải cho phía an ninh sân bay.

Tuy nhiên trước đó khi khách đi qua cửa an ninh, nhân viên an ninh cũng chỉ kiểm tra mã khai báo chứ không thể kiểm tra hết toàn bộ nội dung mà hành khách đã khai trước đó. Việc khai báo y tế là trách nhiệm của hành khách, hãng bay kiểm tra, rà soát.

Tương tự, một lãnh đạo công ty dịch vụ mặt đất sân bay khẳng định đã tăng cường nhân viên để hỗ trợ, phục vụ hành khách, đặc biệt trong việc khai báo y tế là không du di bất kể trường hợp nào chưa khai báo mà lọt lên máy bay.

Trước ý kiến có để sót lọt trường hợp hành khách cận giờ bay, hàng không thỏa hiệp, du di cho qua khi chưa khai báo y tế, vị này khẳng định sẽ không có điều này xảy ra.

Nếu phát hiện hành khách chưa khai báo y tế mà lên được trên máy bay, hãng hàng không sẽ bị chế tài. Do đó, công tác siết chặt việc kiểm tra y tế sẽ được đảm bảo nghiêm túc, không du di, thỏa hiệp với bất kể trường hợp nào nại lý do trễ chuyến để được “thông cảm”.

Về phía hãng bay, ông Đặng Anh Tuấn – trưởng ban truyền thông Vietnam Airlines – cho rằng một trong những yếu tố góp phần gây ùn tắc ở sân bay là khai báo y tế. Đây là thủ tục bắt buộc của ngành hàng không trong giai đoạn COVID-19 trước khi khởi hành chuyến bay.

Ông Tuấn lưu ý hành khách nên khai báo y tế trước ở nhà, tránh để tới sân bay mới thực hiện sẽ gây ùn tắc.

Các thao tác khai báo y tế điện tử trước chuyến bay:

Bước 1: Vào website tokhaiyte.vn.

Bước 2: Nhấn vào mục “Khai di chuyển nội địa”, sau đó nhập số điện thoại của cá nhân. nhập mã OTP và xác thực để truy cập vào phần điền thông tin khai báo y tế.

Bước 3: Điền các thông tin bắt buộc trong tờ khai y tế như thông tin cá nhân, nơi thường trú, số điện thoại, email. Riêng mục Di chuyển trong nước cần nhập các thông tin về phương tiện đi lại (máy bay); nơi đi, điểm đi; nơi đến, điểm đến; số ghế và mã số chuyến bay, ngày khởi hành. Những thông tin này đều được in trên vé bay.

Bước 4: Trả lời các câu hỏi bằng cách tích vào các ô của mục có hay không.

Bước 5: Nhập ký tự mã bảo mật và bấm “Gửi tờ khai”.

Bước 6: Chụp lại mã QR code hoặc in ra.

Các hãng bay cần thực hiện nghiêm khai báo y tế

Ông Đoàn Quốc Bình – phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam – cho biết đã yêu cầu các hãng bay thực hiện nghiêm công tác khai báo y tế trước chuyến bay, trong đó có 2 nội dung: thủ tục viên phải kiểm tra hành khách đã hoàn thành khai báo y tế mới làm thủ tục cho hành khách; bố trí nhân viên kiểm soát hành khách ở chân cầu thang sảnh A hoặc trước khi xếp hàng vào khu vực soi chiếu ở sảnh B để kiểm soát, đảm bảo hành khách đã khai báo y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra giám sát của đơn vị này, ông Bình cho biết mới đây đã phát hiện chuyến bay QH292 của Bamboo Airways có nhiều hành khách chưa khai báo y tế, phải thực hiện khai báo y tế bổ sung tại khu vực cửa khởi hành.

Việc để hành khách khai báo y tế tại cửa khởi hành sẽ làm cho thời gian boarding bị kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ chậm chuyến bay và sót lọt hành khách chưa khai báo lên máy bay. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ông Bình đã yêu cầu Bamboo Airways nghiêm túc thực hiện đầy đủ việc kiểm soát hành khách khai báo y tế.

Làm sao để thuận lợi nhất cho người dân

Liên quan đến lo ngại việc khai báo y tế với quá nhiều thông tin trong tờ khai điện tử có thể gây ách tắc hành khách tại sân bay, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-4, chánh văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết Bộ Y tế sẽ sớm đề nghị đơn vị cung cấp phần mềm khai báo y tế xem xét, chỉnh sửa, “quan điểm là làm sao thuận lợi nhất cho người dân”.

Ông Hà Anh Đức cho biết thông tin từ tờ khai y tế từ các điểm nhận tờ khai sẽ đổ về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế, từ đó khi có ca nghi hoặc ca mắc COVID-19 (tiến tới có thể những bệnh lý cần khai báo khác), cơ quan chức năng có thể dễ dàng tìm và cách ly hành khách để phòng bệnh, thông qua các thông tin trên tờ khai như số hiệu chuyến bay, số ghế, tên, tuổi, số chứng minh nhân dân… của hành khách.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng tờ khai còn yêu cầu nhiều thông tin quá, người lớn tuổi không thành thạo trong sử dụng mạng có thể gặp khó khăn khi khai tờ khai.

KHUÊ ANH

Bộ Y tế Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia hỗ trợ Campuchia

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới có cuộc họp trực tuyến với ông Mam Bunheng, bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia. Hai bên thống nhất sẽ cùng chia sẻ thông tin, Việt Nam sẽ hỗ trợ kinh nghiệm chống dịch cho Campuchia sau khi đã khống chế 3 đợt dịch thành công.

Trong trường hợp cần thiết và có yêu cầu, Việt Nam có thể cử chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng đi tham gia chống dịch tại Campuchia.

Theo Bộ Y tế, những ngày vừa qua số mắc COVID-19 đã gia tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, 3 tuần gần đây có thêm 15 triệu ca mắc mới, 240.000 ca tử vong do COVID-19, số mắc chiếm 10%, số tử vong chiếm 8% tổng số tính từ đầu mùa dịch.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan tiếp tục gia tăng ca mắc, Campuchia số mắc mới tăng tại thủ đô Phnom Penh, còn Lào bắt đầu phong tỏa thủ đô Vientiane trong vòng 2 tuần từ 21-4.

L.ANH

CÔNG TRUNG
TTO