Xây dựng tủ sách cho con bằng cách nào?
Xây dựng tủ sách cho con bằng cách nào?
Sách có vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển toàn diện cho trẻ, thế nhưng theo thống kê số lượng sách trẻ đọc mỗi năm rất ít. Phụ huynh cần xây dựng tủ sách trong nhà, tạo cho con thói quen đọc.
Sáng nay 21.4, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Tủ sách hay dành cho con trong gia đình: tại sao không?”. Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm, tham dự của rất nhiều phụ huynh.
Trẻ em Việt Nam đọc 4 cuốn sách mỗi năm
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phát biểu: “Trong các văn hóa sinh hoạt thường ngày, văn hóa đọc vừa để giải trí nhưng lại góp phần rất quan trọng trong vấn đề giáo dục. Thế nhưng chúng ta thấy một thực tế đó là nhiều gia đình không đầu tư cho con cái không gian sách”.
Theo ông Lê Hoàng, sách là kho tàng tri thức, góp phần phát triển, nâng cao tầm trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho trẻ. Đọc sách ở nhà cũng góp phần hỗ trợ cho việc học ở nhà trường.
Tiếp lời ông Lê Hoàng, PGS.TS. Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt, đặt câu hỏi: “Theo quý vị, đâu là món quà giá trị nhất mà quý vị tặng cho con?”. Theo bà Hoàng Thị Tuyết, rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng phải tặng cho con chiếc điện thoại thông minh, iPad… Thế nhưng bà Tuyết khẳng định rằng món quà quý giá nhất mà cha mẹ nên mang đến cho con đó là niềm đam mê đọc sách. “Đó là món quà quý giá nhất, là con đường quan trọng nhất để tất cả bố mẹ, nhà trường phải chuẩn bị cho mọi đứa trẻ”.
Bà Hoàng Thị Tuyết cho biết theo một thống kê gần đây đã có đến 78% trẻ em dưới 6 tuổi đã sử dụng các thiết bị điện tử. Trong khi đó trẻ em Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách mỗi năm, trong đó đã có đến 2,8 bộ sách là sách giáo khoa.
“Thói quen đọc sách cần hình thành từ bé, ngay từ lúc bé còn trong bụng mẹ. Khi trẻ đến 3-4 tuổi, bắt đầu tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin, lúc đó trẻ đã có thói quen đọc đến mức không thể phá vỡ được nữa. Thói quen đó sẽ ‘giành giật’ đứa trẻ khỏi sự cám dỗ của thiết bị công nghệ thông tin. Muốn có thói quen đọc sách cần phải có sách trong nhà”.
Làm thế nào để xây dựng tủ sách cho con hiệu quả?
Theo ông Lê Hoàng, hiện nay có rất nhiều nhà xuất bản cho ra đời những quyển sách dành cho trẻ em. Không chỉ xuất bản cho trẻ em, nhiều nơi còn xuất bản theo cấp độ đọc. Nhìn những thông số phía sau quyển sách sẽ biết những quyển sách dành cho đối tượng có cấp độ đọc nào.
Hiện nay sách cũng rất phong phú về nội dung, đề tài khác nhau như: tri thức, khám phá khoa học, lịch sử… Sách được thiết kế rất đẹp về màu sắc, tranh minh họa, chữ rất to rõ, để các em nhỏ dễ dàng đọc.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng tủ cách cho con đó là sự quan tâm chưa đúng mức của nhiều bậc phụ huynh, việc lựa chọn quyển sách phù hợp dành cho con cũng tạo nên nhiều sự lúng túng. Nhiều bố mẹ cũng không có thời gian cùng con đi hiệu sách. Nhiều trẻ không có hứng thú với việc đọc.
Nói về danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học được trưng bày tại đường sách, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, nguyên chuyên viên Thư viện Phòng GD-ĐT Q.11, phát biểu: “Từ hàng ngàn quyển sách, tôi và 50 giáo viên tiểu học đã chọn lọc ra khoảng 500 quyển sách, phù hợp với từng chủ đề, từng môn học. Hội Xuất bản đã thực hiện được danh mục này, giải quyết được rất nhiều vấn đề cho giáo viên, cán bộ thư viện, để đưa những quyển sách phù hợp cho học sinh đọc. Tôi cũng mong rằng phụ huynh cũng có những quyển sách này để hướng dẫn và giúp cho con đọc tại nhà”.
Với danh mục trên, ông Lê Hoàng cho rằng đây cũng là một trong những giải pháp giúp các phụ huynh có thêm những gợi ý để sắm tủ sách dành cho con em của mình.
|
|
Cách tạo thói quen đọc sách cho trẻ
Chia sẻ giải pháp giúp tạo thói quen đọc sách dành cho con, bà Trần Thị Mỹ Dung, phóng viên Báo Nhân Dân tại TP.HCM, cho biết: “Biết con thích sách về Giáng sinh, mình mua rất nhiều sách về chủ đề này, làm mọi cách miễn con chịu cầm sách. Sau khoảng nửa năm, bé bắt đầu chịu đọc, lúc đó bé chỉ xem hình thôi, chưa biết chữ, mình là người đọc sách cho con nghe. Mình thích những cuốn sách ít chữ, nhiều hình để mình vừa đọc vừa tương tác hỏi chuyện với con, nhập vai vào truyện, tạo cho con sự hứng thú. Từ khi bé 1 tuổi, mình đã bắt đầu dành 1 tiếng mỗi ngày để đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ. Có khoảng thời gian công việc rất bận rộn nhưng luôn duy trì thói quen đó trong suốt 4 năm nay. Đến nay, mình phát hiện, ngoài Giáng sinh bé còn thích những chủ đề khác. Muốn con có thói quen đọc sách trước tiên mình nên hy sinh thời gian, hình thành thói quen đó trước”.
THÁI DUY
TNO