18/11/2024

Bao giờ người trẻ ‘khát’ đọc sách?

Bao giờ người trẻ ‘khát’ đọc sách?

Ngày Sách Việt Nam 21.4 đang gõ nhịp, ngày hội đọc sách lớn của xã hội đã vào mùa với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hoá đọc từ các ban ngành chức năng và cả những con người giàu tâm huyết.
Người trẻ tham gia ngày hội sách /// T.D
Người trẻ tham gia ngày hội sách  T.D
Cả một xã hội đang rần rần khơi lên mạch nguồn văn hóa đọc. Còn người trẻ, các bạn đã thật sự “khát” đọc chưa?
Tôi còn nhớ như in chúng ta đã nháo nhào hốt hoảng thế nào với hai thống kê báo động về văn hóa đọc xuống cấp của người Việt: Hồi tháng 4.2013, Bộ VH-TT-DL công bố trung bình mỗi người Việt đọc không hết một cuốn sách trong một năm (cụ thể là 0,8 cuốn). Rồi bảng xếp hạng cuối năm 2016 về việc Việt Nam không có tên trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới.
Tại sao người Việt ngày càng lười đọc và biếng đọc như thế? Câu hỏi từng khiến bao người đau đầu đi tìm câu trả lời và vỡ òa nỗi trăn trở không dứt với muôn vàn lý do đến từ nhiều phía. Thật lạ lùng khi bố mẹ sẵn sàng chi tiền mua đồ chơi đắt tiền cho con trẻ nhưng mua sách thì ngần ngại lẫn gạt phăng niềm vui bé nhỏ của con trẻ bên trang sách! Thật lạ lùng khi bọn trẻ đến trường và đọc nhiều nhất vẫn là… sách giáo khoa của hơn chục môn học trong khi thư viện trường luôn rộng mở!
Sách vẫn luôn là suối nguồn tri thức bất tận nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc thẩm mỹ của con người. Sách vẫn là người bạn trung thành chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn, giúp chúng ta trưởng thành, chín chắn hơn trong suốt hành trình dài thăm thẳm học làm người. Sách cần thiết cho quá trình lớn khôn của mỗi người như cây xanh cần nước và con người cần ánh sáng vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều đó để chú tâm vun bồi thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé.
Thế hệ 8X chúng tôi hồi ấy lớn lên giữa bối cảnh khốn khó đủ bề, sách khan hiếm đến mức thèm thuồng. Chúng tôi cứ lân la mượn sách truyện kinh điển của thầy cô rồi chong đèn đọc thâu đêm. Chúng tôi nhịn ăn vặt tích cóp tiền để dành thuê sách truyện và ngấu nghiến đọc. Chúng tôi mừng như bắt được vàng mỗi lần vớ được quyển báo cũ ở gánh hàng rong, mảnh báo cũ bọc ngoài ổ bánh mì và đọc mê mẩn…
Chúng tôi đã “khát” đọc suốt những ngày thơ ấu đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn cảm giác thèm sách và ước ao tích cóp được những quyển sách hay làm gia tài nhỏ cho đàn con trẻ. Giữa thiếu thốn, cơn thèm sách sao đáng trân quý đến thế? Còn bây giờ các bạn trẻ lớn khôn trong cuộc sống đủ đầy hơn trước rất nhiều, sách báo đầy rẫy, không gian đọc công cộng rộng mở, nguồn sách online bạt ngàn… Vậy mà người ta lại ngán đọc và sợ đọc, đáng buồn thật!
Để thúc đẩy văn hóa đọc, có lẽ những chuyển động ầm ầm của các ban ngành liên quan ngoài kia sẽ vẫn chỉ là những “gợn sóng” lăn tăn. Cần lắm sự thay đổi từ chính gia đình và nhà trường trong việc rèn giũa thói quen đọc sách cho trẻ. Bố mẹ phải chú trọng nhiều hơn trong việc tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với sách, nhà trường phải thúc đẩy hoạt động đọc bằng cách bố trí tiết đọc sách cùng với việc tổ chức sôi động các hoạt động liên quan đến sách: thi kể chuyện sách, viết cảm nhận về sách…
Bao giờ người trẻ “khát” đọc? Mong lắm thay một bức tranh tươi sáng về văn hóa đọc sẽ hiện diện trong tương lai gần, để những câu hỏi đầy trăn trở ấy thôi quặn lòng…
NGUYỄN HÙNG
TNO