24/11/2024

Khẩn cấp ngăn dịch ở biên giới

Khẩn cấp ngăn dịch ở biên giới

Dịch COVID-19 tại nước láng giềng Campuchia đang diễn biến khó lường, các tỉnh dọc biên giới Tây Nam đã chuẩn bị lập bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

 

Khẩn cấp ngăn dịch ở biên giới - Ảnh 1.

Biên phòng Thổ Châu (Phú Quốc) kiểm soát hành khách ra vào đảo – Ảnh: K.NAM

Ngày 19-4, ông Nguyễn Lưu Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương này đang phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để khảo sát địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên.

Bệnh viện dã chiến ngay tại cửa khẩu

Dự kiến, việc khảo sát sẽ bắt đầu ngay vì hiện tại tình hình dịch COVID-19 ở Campuchia và Thái Lan đã rất nóng. Việt Nam lại có tuyến biên giới đường bộ dài tiếp giáp trực tiếp với Campuchia, có vùng biển chồng lấn liền kề nên nguy cơ lây lan đã ở mức rất nguy hiểm.

 Riêng Kiên Giang có tuyến biên giới đường bộ dài 56km tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia là: Kam Pot, Kep và Preah Sihanouk. Tại 3 tỉnh này hiện có trên 700 hộ với khoảng 1.700 nhân khẩu là người gốc Việt cư trú làm ăn, sinh sống.

Trong tình huống bất khả kháng Campuchia mất kiểm soát dịch bệnh, lượng người tràn qua biên giới về Việt Nam sẽ rất lớn, do đó Kiên Giang là 1 trong số các địa phương được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Theo ông Trung, Bộ Y tế đã thống nhất yêu cầu Viện Pasteur và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Kiên Giang triển khai phòng xét nghiệm COVID-19, bệnh viện dã chiến ngay tại khu vực biên giới. Khu đất trống ngay trước cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã được tỉnh Kiên Giang chọn làm địa điểm xây dựng.

Bệnh viện dã chiến sẽ có ít nhất 50 giường điều trị bệnh nặng, trong đó có 10 giường điều trị cho bệnh nhân rất nặng. Lý do là Hà Tiên cách trung tâm hành chính của tỉnh tới gần 100km. Kết nối với các trung tâm khác của vùng ĐBSCL cũng chưa thuận lợi nên cần phát huy năng lực xử lý tại chỗ.

Tại TP Hà Tiên, năng lực tiếp nhận của các khu cách ly tập trung đã nâng lên tới hơn 2.300 người. Các địa phương phía sau Hà Tiên, Giang Thành là Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá, Tân Hiệp… cũng đã được yêu cầu sẵn sàng chi viện khi lượng người cách ly tăng đột ngột.

Siết chặt đường biên

Hiện tại, Sở Y tế An Giang giao cho Trung tâm Y tế huyện An Phú điều trị 2 ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh trái phép. Ban chỉ đạo tỉnh đã hỗ trợ An Phú hơn 500 triệu đồng để thành lập phòng chữa trị. Khi nào có triệu chứng bệnh nặng thì BVĐK trung tâm An Giang và CDC tỉnh sẽ cùng hội chẩn. Tỉnh đã kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn. Toàn tỉnh An Giang cũng đã thành lập nhiều khu cách ly có thể chứa khoảng 4.000 người cách ly tập trung.

Ông Lê Văn Phước, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay tỉnh này có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100km. Vừa qua, tỉnh đã yêu cầu tăng cường thêm 11 tổ, chốt kiểm soát ở huyện An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc. Đến nay, An Giang có 198 tổ, chốt phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới.

Trên sông Bình Di (ôm trọn cù lao An Phú, An Giang) giáp ranh với Campuchia chỉ rộng khoảng 80m nhưng lại có nhiều bè nuôi cá của người dân địa phương. Chính vì vậy, lực lượng tham gia phòng chống dịch phải chia nhỏ quân số ra bám vào bè cá hay nhà dân ven sông để túc trực – thượng tá Nguyễn Hoài Linh, chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, cho biết.

Đại tá Nguyễn Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang, cho biết thêm: trên tuyến biên giới đường bộ dài 56km, tỉnh Kiên Giang đã bố trí 128 chốt, tổ tuần tra với hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ luân phiên túc trực 24/24 giờ. Trên biển cũng đã bố trí 26 chốt cố định, 18 tổ tàu cao tốc tuần tra liên tục suốt ngày đêm. Lực lượng tàu tuần tra vùng biển đã huy động cả tàu hải quân, cảnh sát biển, hải đoàn biên phòng và hàng trăm tàu ngư dân cùng phối hợp.

Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phải xác định bám đường biên giới bất kể địa hình, thời tiết.

Các tỉnh ĐBSCL bắt đầu tiêm vắcxin

Sáng 19-4, Sở Y tế TP Cần Thơ đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm ngừa vắcxin COVID-19 và mở điểm tiêm mẫu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ. Trong buổi tiêm mẫu, 50 mũi tiêm đầu tiên được tiêm cho nhân viên y tế, nhân viên sân bay Cần Thơ…

Ông Huỳnh Minh Trúc – giám đốc CDC Cần Thơ – cho biết sau khi tiêm mẫu, theo kế hoạch sẽ bắt đầu tiêm đợt 1 tại 16 điểm tiêm trên toàn thành phố, thời gian từ ngày 22 đến 24-4.

CDC Vĩnh Long cũng đã tiếp nhận 5.600 liều vắcxin phòng COVID-19 từ Công ty CP Vắcxin Việt Nam (VNVC) cung cấp theo kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế.

Hỗ trợ Kiên Giang xây gấp bệnh viện dã chiến

Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử lực lượng nhân viên y tế lên đường chi viện Kiên Giang chống dịch.

Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết đoàn công tác lần này gồm có 13 thành viên đến từ các khoa hồi sức cấp cứu, cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh nhiệt đới, thận nhân tạo, sinh hóa và vi sinh… Trong đó đặc biệt có bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức cấp cứu (trưởng đoàn), người từng được điều động chi viện hỗ trợ ở nhiều điểm nóng chống dịch như Đà Nẵng, Gia Lai… Đây được xem là “đội hình tinh nhuệ”, từng có nhiều kinh nghiệm trong các đợt dịch trước đó.

phan ung nhanh cho ray 1(read-only)

13 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện Kiên Giang chống dịch ngày 19-4 – Ảnh: N.H

Sau khi đặt chân tới Kiên Giang, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với địa phương xây dựng một hệ thống ICU (đơn vị hồi sức tích cực) sức chứa khoảng 50 bệnh nhân; có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho tối thiểu 10 bệnh nhân cực nặng (bao gồm cả hệ máy ECMO-tim phổi nhân tạo; lọc máu, chạy thận nhân tạo) tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên – nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác của Bệnh viện Chợ Rẫy là phối hợp cùng địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến ở TP Hà Tiên (quy mô ban đầu khoảng 300 – 500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường).

So với các đợt dịch ở Đà Nẵng và Gia Lai, bác sĩ Trần Thanh Linh cho rằng lần này có sự khác biệt là việc chi viện được thực hiện trước một bước nhằm thiết lập hệ thống cách ly, điều trị đề phòng dịch có thể bùng phát.

Ngoài sự chi viện từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế còn giao Viện Pasteur TP.HCM làm việc với địa phương để hỗ trợ thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm tại chỗ.

HƯƠNG THẢO

5 đoàn công tác kiểm tra công tác chống dịch

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đến Kiên Giang ngày 18-4, đây là đoàn công tác đầu tiên trong 5 đoàn của Bộ Y tế lên đường dịp này.

Kiên Giang đang được đánh giá là “điểm nóng” COVID-19 do có tình trạng nhập cảnh lậu qua cả đường bộ và đường biển. Số ca mắc COVID-19 từ Campuchia về Kiên Giang cũng tăng mạnh tính từ ngày 20-2 (thời điểm dịch bùng phát ở Campuchia).

Theo đại diện của tỉnh Kiên Giang, có ngày có 10 người Việt về nước qua tỉnh Kiên Giang thì cả 10 đều dương tính. Với 56km đường biên giới chung với Campuchia kể cả trên bộ và trên biển, cùng 145 đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định Kiên Giang có đường biên giới dài, vùng biển rộng, nhưng khoảng cách để dịch xâm nhập lại nhỏ, do vậy nguy cơ dịch xâm nhập vào Kiên Giang, đặc biệt là thị xã Hà Tiên rất lớn.

Hiện Kiên Giang đang nỗ lực trong chặn chốt tại đường mòn lối mở; lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép đang phải bám chốt, bám điểm hàng tháng trời, với nhiều khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện sinh hoạt, công tác.

Kiên Giang đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ hóa chất, 2 máy xét nghiệm Realtime PCR để nâng năng lực xét nghiệm tại Kiên Giang, đồng thời đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ để Kiên Giang có thể điều trị được các ca bệnh khó, nặng, đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong phân bổ vắcxin sắp tới, Kiên Giang đề nghị hỗ trợ tiêm cho lực lượng tình nguyện và đề xuất tiêm vắcxin cho người dân đảo Phú Quốc, chuẩn bị kích cầu du lịch tại đây.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã giao Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Kiên Giang. Hôm nay 19-4 đã có 1 đoàn 13 chuyên gia từ Chợ Rẫy xuất phát đi hỗ trợ Kiên Giang chống dịch, cụ thể là nâng cấp labo xét nghiệm tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, nâng năng lực điều trị ca bệnh khó tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị Kiên Giang huy động người dân tham gia phát hiện người nhập cảnh trái phép, giúp phát hiện sớm ca bệnh tiềm ẩn, tránh lây lan dịch trong cộng đồng. Trong những ngày tới, các đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ tiếp tục đi kiểm tra tại các địa phương trọng điểm.

L.ANH

K.NAM – T.LŨY – K.TÂM – B.ĐẤU
TTO