Trẻ có nguy cơ ngộ độc, tử vong khi tự chế và sử dụng slime trôi nổi
Trẻ có nguy cơ ngộ độc, tử vong khi tự chế và sử dụng slime trôi nổi
Chỉ cần gõ từ khoá ‘slime’, cả Google, YouTube đều cho ra hàng nghìn kết quả với hàng loạt hướng dướng dẫn làm slime từ kem đánh răng, dầu gió; làm slime trong, dẻo… Vậy slime là gì, có gây nguy hiểm với trẻ không?
Trẻ dễ dàng bắt chước làm slime theo hướng dẫn trên mạng
Mới đây món đồ chơi lạ ‘slime nước’ khiến 35 học sinh lớp 3, lớp 4 ở Đà Nẵng ngộ độc do một em học sinh lớp 4 tự chế theo clip hướng dẫn trên YouTube rồi mang lên lớp bán cho các bạn.
Slime là đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài còn được gọi là “chất nhờn ma quái”. Trước đây, trẻ em Âu – Mỹ sử dụng phổ biến, sau đó slime được du nhập về Việt Nam. Trẻ dễ dàng mua được ở các trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng đồ chơi, các tiệm tạp hóa…
Theo video hướng dẫn trên YouTube, hay các bài hướng dẫn trên mạng, slime có thể được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau. Cụ thể, chỉ với một ít đường, nước, dầu rửa chén… sau khi pha dung dịch qua từng bước, chỉ mất khoảng 10 phút là trẻ đã có thể tạo ra một dạng chất nhờn cô đặc, dẻo. Tương tự, nước rửa chén, muối hay keo dán giấy cùng một số dung dịch khác là đã có thể tạo ra một loại slime dưới dạng chất nhờn cô đặc, màu sắc khác nhau tùy vào nguyên liệu làm.
Với những video hướng dẫn làm slime này, trẻ em dễ dàng bắt chước vì nguyên liệu đơn giản và cách làm dễ dàng, nhanh chóng.
|
Thậm chí, không chỉ là những video hướng dẫn, YouTube còn xuất hiện trào lưu thử thách làm slime với bút xoá, hay chỉ với 5.000 đồng tiền nguyên liệu, hay làm trong vòng 2 phút… Những video này đều thu hút hàng triệu lượt xem.
Có thể ảnh hưởng tới thần kinh trung ương
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), slime thật ra không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện cách đây hàng chục năm, đây là một dạng đồ chơi được sản xuất cho trẻ em, giúp các em phát triển trí não và vận động, cảm giác ở tay chân và khá nổi tiếng trên thế giới.
Về nguyên tắc, chất slime này có hai thành phần cấu tạo là chất rắn và chất tạo liên kết nhằm tạo ra độ dẻo. Trong đó thành phần chất rắn có rất nhiều loại, bản chất của chất rắn là Polysaccharide (một loại đường). Còn chất dẻo thường được sử dụng nhiều nhất là borax (hay còn gọi là hàn the). Khi trộn hàn the với các chất rắn thì hỗn hợp này sẽ cô đặc, kết dính lại.
“Cách đây nhiều năm người ta rộ lên vấn đề bánh phở có pha hàn the vào cho bánh phở dai. Trên nguyên tắc, trong sản xuất thực phẩm vẫn được cho phép sử dụng hàn the nhưng với tỷ lệ cực kỳ thấp. Còn với việc tạo ra slime, người ta có thể pha lượng hàn the với tỷ lệ cao để các chất slime này có độ dẻo, dai nhiều hơn và trẻ cũng thích chơi hơn.
Nếu trẻ sử dụng chất slime này từ những nhà sản xuất chính hãng, được kiểm định đàng hoàng thì người ta sẽ tuân thủ quy định về tỷ lệ pha chế giữa chất rắn và chất dẻo (hàn the) thì trẻ vẫn có thể đảm bảo an toàn khi chơi. Còn nếu các em mua slime từ những điểm bán hàng trôi nổi thì rất khó đảm bảo được tỷ lệ cấu tạo an toàn, người ta có thể thêm vào một số hóa chất khác nữa. Khi trẻ chơi các em có thể bị ảnh hưởng tại chỗ, có thể gây hại trực tiếp lên tay như bị phỏng, loét… gây nên nhiễm trùng, có thể gây biến chứng rất nặng”, bác sĩ Phương phân tích.
|
Ngoài ra, theo bác sĩ Đinh Tấn Phương khi chơi trẻ cũng có thể hít phải hơi của những hoá chất này, ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây khó thở. Thậm chí nếu tiếp xúc nhiều với slime trôi nổi có thể ảnh hưởng tới thần kinh trung ương gây ra tình trạng nôn ói, nhức đầu, nặng hơn là dẫn tới co giật, tử vong…
Mức độ độc hại của chất slime này còn tuỳ thuộc vào nguyên liệu sản xuất và mức độ tiếp xúc của trẻ.
“Mình chỉ biết được hai thành phần cấu tạo chính để tạo ra slime là chất rắn và chất dẻo. Nhưng trên thực tế, với nhiều hàng trôi nổi thì người ta làm bằng cái gì mình không thể biết được, có thể người ta sẽ pha trộn với nhiều chất phụ gia khác nữa. Thậm chí hiện nay trên mạng xã hội, YouTube còn có hàng loạt hướng dẫn trẻ tự chế ra slime từ kem đánh răng, nước rửa chén… Mà hầu hết những nguyên liệu này đều có chất ăn mòn, cùng với hàn the để tạo ra đội dẻo dai. Do vậy những hướng dẫn trên mạng bày cho trẻ sử dụng kem đánh răng, dầu rửa chén… thì những nguyên liệu này đã có sẵn thành phần borax trong đó. Nhưng trong quá trình bào chế theo những hướng dẫn này trẻ có thể sử dụng những nguyên liệu không an toàn. Ví dụ như nước rửa chén thì các em rất dễ bị ăn tay”, bác sĩ Phương nói thêm.
Theo bác sĩ Phương, để đảm bảo an toàn phụ huynh chỉ nên cho trẻ chơi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất bởi những công ty được kiểm định chất lượng; tránh xa hàng trôi nổi, kém chất lượng ở ngoài thị trường, đặc biệt không để trẻ tự chế slime theo những hướng dẫn trên mạng.
NGUYỄN LOAN
TNO