Bất an ‘băng nhóm tuổi học trò’: Giải pháp nào ngăn chặn giới trẻ gây án?
Bất an ‘băng nhóm tuổi học trò’: Giải pháp nào ngăn chặn giới trẻ gây án?
Tình trạng thanh thiếu niên đâm chém, hỗn chiến liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh thành cần có nhiều giải pháp kịp thời và đặc biệt là phòng ngừa từ xa để ngăn chặn nguy cơ hình thành các ổ nhóm ‘giang hồ’.
Manh nha hình thành ổ nhóm
Bị TAND Q.Hải Châu tuyên phạt tù, Nguyễn Hoàng Nguyên (19 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) cho rằng vì đối thủ mà mình lãnh án, nên trong thời gian tại ngoại chờ thi hành án, Nguyên lên kế hoạch trả thù. Tối 19.2, Nguyên huy động 16 đồng bọn (hầu hết dưới 18 tuổi và đang là học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng) mang đao kiếm mai phục tại Cung thể thao Tiên Sơn. Khi đối thủ không đến, nhóm Nguyên lại chém nhầm và đập phá xe máy của em V.V.M (17 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê).
|
Nói về băng nhóm, trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.Thanh Khê, cảnh báo các côn đồ nhí rất hung hãn, kết bè phái chém qua chém lại nhiều lần. Có vụ, nạn nhân thậm chí là bị can trong một vụ án khác. Đáng chú ý, một số thanh thiếu niên còn lập hội nhóm trên mạng xã hội, manh nha hình thành nên những ổ nhóm côn đồ. Tháng 9.2020, TAND TP.Đà Nẵng xét xử sơ thẩm 19 bị cáo mà người lớn nhất chỉ mới 17 tuổi. Đây là vụ án có đến 19 bị cáo bị tuyên phạm tội giết người, với các tình tiết nghiêm trọng như giết 2 người trở lên, chém người với tính chất côn đồ, nạn nhân dưới 16 tuổi… Ở thời điểm gây án, các bị cáo chỉ mới 15 – 16 tuổi; 19 bị cáo lãnh án từ 2 – 4 năm tù. Nguyên do mâu thuẫn trong lúc đá banh đã gây ra vụ rượt đuổi chém người gây hoang mang dư luận. Các bị can còn lập nhóm Facebook “Học sinh ngoan”, nhưng lại… rèn hung khí không thua gì những nhóm giang hồ thứ thiệt với mã tấu, đao kiếm tự chế, gậy bóng chày. Nhóm này còn bắt chước game online, tự đặt tên cho đao kiếm như “cá mập”, “cánh bướm”, “phát hoang”, “vô tình”…
Hôm nay 15.4, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm, chủ đề “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, Công an TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, đại diện trường học, phụ huynh nạn nhân, chuyên gia tâm lý tội phạm, chuyên gia tâm lý học, phóng viên báo đài… và sự tài trợ kinh phí của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
Tọa đàm nhằm phân tích nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết các nguy cơ dẫn đến người trẻ phạm tội, qua đó có giải pháp phù hợp để ngăn ngừa, giáo dục một cách hiệu quả.
Theo đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, thời gian tới, Công an TP.Đà Nẵng không chỉ cải tiến các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tàng trữ, sử dụng hung khí, mà còn giám sát các hội nhóm thanh thiếu niên hoạt động không lành mạnh trên mạng xã hội nhằm kịp thời ngăn chặn các nguy cơ hình thành ổ nhóm.
Hành động bộc phát gây hậu quả lớn
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), cho biết tình trạng “tội phạm nhí” hay người chưa thành niên vi phạm pháp luật là một những vấn đề xã hội được Bộ Công an đặc biệt quan tâm và đưa ra các giải pháp phòng ngừa từ nhiều năm qua. “Trên cơ sở nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm, từ năm 2015 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện rất nhiều biện pháp để phòng ngừa. Trong đó, phải kể đến dự án 4 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người” do Bộ Công an chủ trì, được thực hiện trên quy mô toàn quốc trong giai đoạn 2018 – 2020”, thiếu tướng Trần Ngọc Hà nói.
|
Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, cũng như các loại tội phạm khác, “tội phạm nhí” không nằm ngoài quy luật của sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là sự phát triển hạ tầng công nghệ, thông tin. Trong đó, loại hình tội phạm này có những đặc trưng riêng như: đa số các đối tượng không trong diện quản lý của các tổ chức, đoàn thể; không học hành, nghề nghiệp; bố mẹ mải mê kiếm tiền mưu sinh; gia đình không hạnh phúc… Mặt khác, số vụ việc phần lớn xảy ra tại các vùng giáp ranh, vùng nông thôn hoặc các địa bàn mới phát triển về kinh tế. “Về quy mô, tính chất của loại tội phạm này cũng đã có sự thay đổi lớn so với trước. Nếu trước đây, khi xảy ra xung khắc, mâu thuẫn, các đối tượng còn phải có thời gian để bàn bạc lôi kéo nhau, thì bây giờ chỉ cần một thông tin trên mạng xã hội, một tin nhắn hay cú điện thoại, là các đối tượng đã tụ tập hàng chục người để đi giải quyết. Mặt khác, cũng do việc tiếp cận thông tin nhất thời, không đầy đủ nên các đối tượng thường có hành động bộc phát, gây hậu quả lớn”, ông Hà nói.
Cần trách nhiệm của toàn xã hội
Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, tại Hội nghị tổng kết dự án 4 vào cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ Công an đã tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa “tội phạm nhí”. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật; chấn chỉnh và tăng cường các mặt quản lý xã hội; an sinh xã hội; xác định trách nhiệm đối với gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống tội phạm…
“Để ngăn chặn, phòng ngừa và kéo giảm được tình trạng “tội phạm nhí”, cần có giải pháp tổng hợp, đồng bộ và đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng lực lượng công an. Trong đó, tôi cho rằng giải pháp có hiệu quả nhất là tuyên truyền, bởi các đối tượng thanh thiếu niên chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức pháp luật. Giải pháp này cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là đoàn thể, tổ chức như Đoàn thanh niên, thông qua các hoạt động sinh hoạt tinh thần lành mạnh, nâng cao nhận thức pháp luật cho các cháu, giúp các cháu nhận biết các hành vi sai trái”, thiếu tướng Hà nói.
Đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Phó cục trưởng C02 Bộ Công an, đánh giá nguyên nhân ngoài việc quản lý, giáo dục của một bộ phận gia đình, nhà trường còn thiếu chặt chẽ, hời hợt thì hiện thanh thiếu niên, người trẻ tuổi còn bị tác động bởi những phim ảnh, các loại game có tính chất bạo lực. Đáng nói là chúng hình thành rất nhanh và tan rã cũng rất nhanh. Các đối tượng trẻ tuổi phạm tội thường không có nghề nghiệp ổn định, không định hướng được tương lai của mình, chỉ biết ăn chơi lêu lổng, thậm chí nghiện game, nghiện ma túy, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, cờ bạc, rượu chè… Các em dễ bị lôi kéo quan hệ với các đối tượng xấu, dẫn tới tham gia vào các nhóm tội phạm. Từ đó, đại tá Kiên cho rằng việc giáo dục ở gia đình và nhà trường rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến con trẻ.
Ngọc Lê
Cũng theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, bên cạnh giải pháp trên, nhà trường, gia đình cần phải quan tâm đến con em, học sinh của mình đúng mức. “Nếu bố mẹ quan tâm hơn đến con cái, thầy cô để ý hơn thì sẽ phát hiện ra các biểu hiện lệch lạc của con em trong sinh hoạt, học tập. Nếu có sự chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời cũng là cách rất tốt để ngăn chặn hậu quả”, thiếu tướng Hà nêu quan điểm và lưu ý: Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhận thức của thanh thiếu niên hiện nay là mạng xã hội. “Làm thế nào để ngăn chặn, loại bỏ các thông tin xấu, độc trên môi trường internet, phim ảnh… cũng là điều tất cả chúng ta cần phải lưu ý, quan tâm”, Cục trưởng C02 nói.
THANH NIÊN
TNO