28/12/2024

Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu?

Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu?

Sau khi vắc xin phòng COVID-19 của Hãng AstraZeneca có liên hệ với biến chứng đông máu rất hiếm sau tiêm, ngày 13-4, đến lượt Mỹ khuyến cáo tạm ngưng sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson (J&J) vì lý do tương tự.

 

Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu? - Ảnh 1.

Một người đàn ông ở Berlin, Đức được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca ngày 10-4-2021. Nhiều nước châu Âu đã nối lại việc tiêm vắc xin, nhưng giới hạn độ tuổi khác nhau – Ảnh: REUTERS

Cùng công nghệ bào chế

Theo trang Medscape – trang web về y học phổ biến trong giới nghiên cứu, cả hai loại vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson đều dùng công nghệ vector virus.

Theo đó, các nhà sản xuất sử dụng virus đã được can thiệp làm cho vô hại, đóng vai trò như một vector hay còn gọi là phương tiện trung gian, mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Lợi ích của vắc xin dùng công nghệ vector virus là người được tiêm sẽ được bảo vệ, mà không phải đối mặt với nguy cơ gặp các hậu quả nghiêm trọng vì mắc COVID-19.

Lợi thế của công nghệ vector virus là nhà sản xuất có thời gian nghiên cứu phát triển trung bình, hiệu suất sản xuất cao do không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh.

Cho đến nay, các nhà khoa học ở châu Âu mới phát hiện sự liên hệ giữa việc tiêm vắc xin AstraZeneca và hiện tượng đông máu rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm ở người được tiêm, song chưa rõ cơ chế nào gây ra hiện tượng này.

Trả lời báo The Guardian (Anh), bác sĩ Jose Perdomo – nhà nghiên cứu cấp cao về huyết học tại Đại học St. George và Sutherland, Úc – cho biết: “Chúng ta biết điều gì đang xảy ra, nhưng “tại sao” thì vẫn còn là điều bí ẩn”.

Mỹ tạm dừng vắc xin của J&J

Mỹ cũng đang nghi ngờ “những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm ẩn” và khuyến cáo tạm ngưng sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson, được cho là có liên quan đến một số trường hợp bị đông máu sau khi tiêm.

Hiện tượng đông máu sau tiêm ở những người nhận vắc xin AstraZeneca được ghi nhận như sau: Lượng tiểu cầu của họ bị giảm xuống.

Bình thường tiểu cầu là những tế bào giúp cầm máu bằng cách kết tụ lại với nhau làm đông máu. Tuy nhiên, một phản ứng đặc biệt của hệ miễn dịch xảy ra liên quan đến các tiểu cầu còn lại và bạch cầu, tạo ra phản ứng làm cho máu đặc hơn, dẫn đến đông máu.

Hiện tượng này rất giống với tình trạng đông máu tương đối hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khác do sử dụng thuốc tiêm làm loãng máu gọi là heparin, một biến chứng quan trọng có thể đe dọa tính mạng đã được y văn ghi nhận.

Khi tiêm heparin hoặc vắc xin AstraZeneca, rối loạn đông máu có thể xuất hiện trong vòng hai tuần, thường là từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 20.

Ở những người được tiêm heparin, hệ miễn dịch tạo ra kháng thể kháng phức hợp heparin và một protein được gọi là “yếu tố tiểu cầu 4”, gây ra hiện tượng đông máu.

Những người bị đông máu sau khi tiêm vắcxin AstraZeneca cũng có phức hợp tương tự, với kháng thể kháng yếu tố tiểu cầu 4 trong huyết tương của họ, theo The Guardian.

Ngày 13-4, Peter Marks, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA), cho biết trong số 6 ca tại Mỹ xuất hiện đông máu sau khi tiêm vắc xin của Johnson & Johnson, có 1 ca đã tử vong và 1 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Tất cả đều là phụ nữ, tuổi 18 – 48, gặp tình trạng đông máu hiếm gặp ở não kèm theo hiện tượng tiểu cầu thấp trong vòng 6 – 13 ngày sau khi tiêm.

Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu? - Ảnh 2.

Một phụ nữ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Johnson & Johnson ở Chicago, bang Illinois, Mỹ ngày 6-4-2021 – Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 13-4, Hãng Johnson & Johnson cho biết sẽ chủ động hoãn kế hoạch giao vắc xin cho châu Âu để đánh giá các trường hợp biến chứng.

Với Mỹ, việc tạm ngừng sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson không gây ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng đại trà của nước này. Mỹ có lượng lớn vắc xin của Hãng Pfizer và Moderna để sử dụng.

Châu Âu gặp khó

Tuy nhiên, theo báo New York Times, với các nước Liên minh châu Âu (EU), việc điều tra biến chứng gây đông máu của Johnson & Johnson lại là một cú sốc mới ảnh hưởng đến tiến độ tiêm vắc xin vốn đã không như kỳ vọng của khối, sau nhiều tháng thiếu hụt nguồn cung và các vấn đề hậu cần.

Hầu như trên toàn EU, nhiều người dân muốn có sự lựa chọn vắc xin khác như vắc xin của Moderna và Pfizer là những loại sử dụng công nghệ “mRNA”, vì cho đến nay những vắc xin này chưa ghi nhận ca nào gặp tác dụng phụ tương tự.

HỒNG VÂN
TTO