Chậm triển khai ‘hộ chiếu vắc xin’ ở Việt Nam?

Chậm triển khai ‘hộ chiếu vắc xin’ ở Việt Nam?

Giải pháp triển khai ‘hộ chiếu vắc xin’ ra sao để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế?

 

Chậm triển khai hộ chiếu vắc xin ở Việt Nam? - Ảnh 1.

“Hộ chiếu vắc xin” của một du học sinh tại Mỹ – Ảnh: Q.H.

Kể từ tháng 2-2021 đến nay, yêu cầu triển khai “hộ chiếu vắc xin“, các giải pháp kỹ thuật cần có, làm sao để thực hiện “hộ chiếu vắc xin” an toàn… đã được Bộ Y tế nói đến nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dự kiến về thời điểm có thể triển khai, mặc dù đây được coi là “cuộc cạnh tranh” với các nước trong khu vực để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, người được tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm về kháng thể (thể hiện đã được bảo vệ, loại xét nghiệm này có thể thực hiện dễ dàng với giá thành hợp lý) cộng với có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ là có thể đủ điều kiện xem xét nhập cảnh theo “hộ chiếu vắc xin”, nhưng Bộ Y tế vẫn đang xem xét áp dụng trước cho người ở khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao đến mức đạt miễn dịch cộng đồng, số ca mắc thấp tương tự Việt Nam…

“Nếu thấy khó khăn mà không làm thì không bao giờ làm được” – một chuyên gia chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ: Thứ nhất, nếu áp dụng “hộ chiếu vắc xin” thì ứng xử như thế nào với những người tiêm các vắc xin khác nhau?

Vấn đề thứ hai là hiện chưa có biện pháp kiểm tra độ xác thực của giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19. Một số quốc gia để đảm bảo quyền nhân thân của người tiêm đã không cho phép kiểm tra trực tuyến giấy chứng nhận tiêm chủng. Khi số người nhập cảnh bằng “hộ chiếu vắc xin” gia tăng, đây sẽ là vấn đề cần có giải pháp kỹ thuật để xử lý.

Theo định hướng của Chính phủ, Việt Nam sẽ triển khai thực hiện “hộ chiếu vắc xin”. Ở thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng bước đầu hoàn toàn có thể tổ chức các chuyến bay dành cho những người đã chích ngừa COVID-19 về lại Việt Nam và có cách ly, đặc biệt trong điều kiện có hàng loạt du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, có nhu cầu về nước.

Hiện nay các gia đình có người thân kẹt ở nước ngoài và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng mong muốn về nước, sẵn sàng cách ly theo quy định. Bộ Y tế cho biết số người kẹt ở nước ngoài còn khá nhiều, do số chuyến bay còn quá ít.

“Việc này Bộ Y tế không có thẩm quyền” – đại diện Bộ Y tế chia sẻ.

Lo ngại sức khỏe tâm thần của các du học sinh

Theo hội nhóm cha mẹ du học sinh có con em đi du học ở Mỹ và một số nước, nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam đã hết hạn visa một hai năm nay nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 không được về nước nên các em bị stress, căng thẳng, buồn bã, lo âu khi ở một mình, học online.

Nhiều phụ huynh rất lo ngại cho sức khỏe tâm thần của con em, mong mỏi được đưa các cháu về nước trong dịp hè này khi các cháu đã chích đầy đủ các liều vắc xin.

Theo các chuyên gia, cách ly giao tiếp xã hội là cần thiết để làm giảm sự lây lan của COVID-19, nhưng điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập, đơn độc, làm gia tăng căng thẳng và lo lắng, từ đó có thể dẫn tới các tình trạng như sau:

Cảm giác lo sợ, giận dữ, buồn bã, lo âu, tê liệt cảm xúc và nản lòng; thay đổi khẩu vị, năng lượng, nguyện vọng và sở thích; khó tập trung và ra quyết định; khó ngủ hoặc mơ thấy ác mộng.

Từ đó có thể dẫn đến một số phản ứng của cơ thể, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ thể, các vấn đề về dạ dày và phát ban da… Các tình trạng bệnh mãn tính trở nên xấu hơn. Làm trầm trọng thêm các bệnh tâm thần…

L.ANH
TTO