Xác lập lại vị thế người thầy: Bắt đầu từ đâu, làm thế nào ?
Xác lập lại vị thế người thầy: Bắt đầu từ đâu, làm thế nào ?
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà giáo cho biết hơn ai hết họ mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức – tâm huyết của các thầy cô, với cả ý nghĩa mà nghề giáo mang đến cho xã hội.
Theo các nhà giáo, họ mong mỏi vị thế của người thầy được xác lập như nó vốn có. Nhưng việc xác lập lại làm sao để không chỉ là lời nói suông và bắt đầu từ đâu, làm thế nào… là những câu hỏi không chỉ dành cho người đứng đầu ngành GD-ĐT mà còn nằm ở chính các nhà giáo.
Ngày thứ 2 làm việc tại Bộ GD-ĐT với tư cách Bộ trưởng, ông Nguyễn Kim Sơn đã có bức thư gửi các nhà giáo trên toàn quốc. Trong thư, tân Bộ trưởng đề cập “vị thế của nhà giáo”, với sự thấu hiểu “chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà giáo cho biết hơn ai hết họ mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức – tâm huyết của các thầy cô, với cả ý nghĩa mà nghề giáo mang đến cho xã hội.
Phải từ đời sống giáo viên
“Vị thế người thầy”, từ ngày tôi theo nghề sư phạm, tôi luôn nghĩ đến điều tương tự. Con người ta sống và làm việc muốn hiệu quả, muốn phát triển thì phải có tình yêu với nghề và niềm tự hào, niềm kiêu hãnh làm nghề. Suốt gần 30 năm dạy học, rất nhiều khi tôi có được niềm tự hào và kiêu hãnh ấy. Bởi vì sự trân trọng, yêu quý của học sinh, của cha mẹ học sinh như một thứ men dễ làm say lòng người, làm thăng hoa tình yêu nghề nghiệp nơi tôi. Tuy vậy, cũng rất nhiều khi niềm kiêu hãnh và tự hào bị tổn thương, có những khi là trầm trọng. Nguyên nhân từ nhiều phía. Từ sự đãi ngộ không tương xứng mà càng ngày càng rõ, khoảng cách với các nghề khác ngày một xa là một nỗi day dứt của rất nhiều nhà giáo giỏi và tâm huyết. Từ những bất công với nghề giáo mà ta thấy hằng ngày. Từ những giáo điều, sáo rỗng. Từ sự tha hóa của những người làm thầy. Từ sự chao đảo của ngành trong những năm qua…
|
Vị thế người thầy mà được nâng cao thì sẽ là bước đột phá lớn. Nhưng bắt đầu từ đâu? Sẽ làm thế nào? Làm sao để đó không chỉ là lời nói suông? Đây là bài toán khó. Theo tôi, có lẽ phải từ đời sống giáo viên, từ sự đãi ngộ tương xứng, công bằng. Mặt khác, phải nâng tầm tri thức và hiểu biết cho những người đứng trên bục giảng. Chắc phải có nhiều hơn nữa sự tôn vinh và tri ân những người thầy giỏi. Phải làm sao để người thầy được tự hào khi làm tốt và phải xấu hổ khi làm tồi. Nếu có sự quyết tâm từ người đứng đầu thì chắc bài toán khó trên sẽ được giải dần dần.
Phạm Văn Hoan
(Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội)
(Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội)
Làm tốt vai trò dạy chữ, dạy người
|
Khi nhà giáo làm tốt vai trò của người dạy chữ, dạy người, nhà giáo đã củng cố vị thế và xứng đáng với vị thế của mình. Nếu dạy xong một bài, làm xong một việc, người giáo viên cảm thấy hạnh phúc vì đã tận tâm, tận lực tìm tòi những giải pháp tốt nhất để lợi ích của học trò luôn được đặt lên trên hết thì người giáo viên đó chắc chắn không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn lao, có vị trí quan trọng trong trái tim của mỗi học trò mà còn nhận được sự tin yêu, tôn trọng của cha mẹ học sinh. Cộng đồng những nhà giáo như vậy sẽ xây dựng được vị thế xứng đáng của nghề giáo trong xã hội.
Cũng có những ý kiến cho rằng nhiều nhà giáo đã làm rất tốt công việc của họ, nhưng vị thế mà họ được nhận chưa xứng đáng, do xã hội ngày nay bớt sự tôn trọng dành cho người thầy. Để nhìn nhận một vấn đề cần phải có sự bao quát. Không thể chỉ nhìn vào một vài hiện tượng để nói là xã hội không tôn trọng. Nếu thầy cô tâm huyết, hết lòng vì học trò, chịu khó trau dồi chuyên môn, sớm muộn gì cũng được phụ huynh, học sinh nhận ra và dành cho họ sự quý trọng.
Nguyễn Thị Thu Anh
(Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
(Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Nghĩ về học sinh để bồi đắp tình yêu nghề
Tôi đồng ý với Bộ trưởng, khi chúng ta nghĩ về học trò, thì chúng ta như được bù đắp những cảm giác mất mát, nếu có. Nếu nhận thức sâu sắc ý nghĩa về “nghề thầy”, thì mỗi nhà giáo chúng ta sẽ tự biết cần phải làm gì để bồi đắp tình yêu nghề.
|
Nếu một người thầy tồi, rất có thể họ sẽ làm hỏng nhiều thế hệ. Vì vậy giáo viên hãy giúp các em sống “đam mê” và có trách nhiệm; giúp các em có niềm tin vào bản thân mình. Phải là các em, bằng chính bản thân mình, làm cho cuộc sống của mình, của bao người khác tốt đẹp hơn. Sự bền vững của xã hội cần được chăm bón từ những tâm hồn thơ ngây. Để một mai, các em lớn lên đủ sức thực hiện những khát vọng. Để các em có thể mở rộng trái tim, chào đón mọi người. Một xã hội, với những con người như thế, chắc chắn sẽ tươi đẹp và đáng sống. Vậy nên, giáo viên hãy đem đến những điều đúng, những điều tốt đẹp, tiếp cho học sinh sức mạnh để tin vào lẽ đúng sai, có lý tưởng, có dũng khí, để vươn lên những tầm cao.
PGS Chu Cẩm Thơ
(Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
(Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
Hãy học hỏi và trau dồi để xứng đáng với học sinh
Xưa, khi người thầy là “đỉnh cao trí tuệ”, là tinh hoa tri thức của xã hội, họ được trọng vọng. Nay, mọi sự đã khác. Người thầy nếu không chịu học hỏi thêm về chuyên môn kiến thức, không rèn luyện tu dưỡng nhân cách, không chăm chút trong cách đối nhân xử thế thì đừng trách vì sao xã hội không còn trân trọng như xưa!
|
Đối tượng học sinh của chúng ta đã khác. Phụ huynh của chúng ta càng khác. Nên đừng nghĩ được gắn cái mác giáo viên mà mặc định họ phải tôn trọng. Đừng nghĩ mình là thầy cô mà áp đặt trò. Đừng nghĩ cái cách ngày hôm qua đúng là ngày mai cũng đúng. Tôi từng viết rất chân thành rằng “học trò là người thầy đặc biệt của tôi”. Bởi vì tôi luôn học từ trò, luôn rút ra bài học kinh nghiệm cho mình từ trò. Muốn được học sinh và phụ huynh tôn trọng, hãy tôn trọng họ! Muốn được họ tôn trọng, hãy học hỏi và trau dồi để mình xứng đáng.
Phạm Thị Thái Lê
(Giáo viên Trường THCS Marie Curie, Hà Nội)
(Giáo viên Trường THCS Marie Curie, Hà Nội)
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
|
Thời gian gần đây có một số câu chuyện không vui của ngành giáo dục, là một trong những nguyên nhân khiến vị thế người thầy chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực của các thầy cô giáo. Là những người trong nghề, chúng tôi luôn nhắc nhau mỗi khi xảy ra sự việc không vui: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Chúng tôi tự nhận thức ý nghĩa của chữ “thầy” bao hàm cả nhân cách, tri thức trong đó. Người thầy thực sự cần tấm lòng bao dung, tâm huyết, yêu nghề và công tâm… luôn tự giác nâng cao nghiệp vụ, mở mang vốn tri thức và bắt kịp xu thế đổi mới của giáo dục. Là những nhà giáo dạy học ở cấp THCS, cấp học mà học sinh ở độ tuổi có sự thay đổi tâm sinh lý, chúng tôi vẫn tự nhận thức được rằng người thầy lại càng phải yêu thương và bao dung với trò. Phải luôn đóng vai người truyền lửa tích cực cho học trò, phải nhận thấy ở mỗi học sinh một thế mạnh để biết chia sẻ và không tạo áp lực cho các em. Đồng thời nhiều khi người thầy còn phải là người thuyết phục phụ huynh chọn con đường phù hợp với con mình, để các con thấy việc học là vừa sức, và như thế các con mới thấy hạnh phúc.
Nguyễn Thị Diệu Hà
(Trường THCS Ngọc Lâm, Q.Long Biên, Hà Nội)
(Trường THCS Ngọc Lâm, Q.Long Biên, Hà Nội)
QUÝ HIÊN
TNO