28/12/2024

Dạy trực tuyến không còn mang tính đối phó, tạm thời

Dạy trực tuyến không còn mang tính đối phó, tạm thời

Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. 

Học sinh học trực tuyến trong những ngày không đến trường vì dịch Covid-19 giữa năm 2020 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh học trực tuyến trong những ngày không đến trường vì dịch Covid-19 giữa năm 2020 ĐÀO NGỌC THẠCH
Đồng tình với những quy định của Bộ nhưng các giáo viên cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục.
Trong thông tư ban hành ngày 8.4, Bộ GD-ĐT đã chính thức cho phép dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đáng lẽ quy định phải có sớm hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, từ giáo viên cho đến lãnh đạo các trường đều bày tỏ sự tán thành dù thông tư hơi chậm so với thực tiễn. Một giáo viên tại Q.3, TP.HCM cho rằng đáng lẽ quy định này phải có ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay Bộ ban hành thông tư cho phép tổ chức dạy trực tuyến là một quyết định “mang hơi thở của thời đại”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu với tinh thần vẫn đảm bảo không ngừng việc học.
Vị hiệu trưởng này phân tích thêm: “Việc phối hợp hai hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến là một thuận lợi cho thầy cô trong việc hoàn tất chương trình hay một chủ đề, cũng giúp công tác quản lý thuận tiện hơn. Chẳng hạn môn nghề ở khối 11 có 3 tiết/tuần, rất khó xếp thời khóa biểu nhưng nếu chúng ta xếp phần lý thuyết học trực tuyến, phần thực hành trên lớp thì thuận lợi và cũng đảm bảo nội dung chương trình”.

Nhiều cơ hội tiếp cận phương pháp học tập mới

Còn thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận định: “Văn bản hướng tới việc xem dạy trực tuyến là một thành phần của giáo dục chứ không phải sự đối phó tạm thời. Nghĩa là Bộ đã nhìn thấy những mặt tích cực của dạy trực tuyến và hướng tới sử dụng mặt tích cực một cách hợp lý, có lộ trình. Thông tư khá hoàn chỉnh khi đề cập đến nhiều phần của dạy trực tuyến từ vai trò đến cách thực hiện và cả hình thức kiểm tra đánh giá. Nhưng nói chung cần phải cập nhật và cụ thể hóa hơn nữa. Ví dụ, văn bản chưa nói đến phần tập huấn cho giáo viên về công nghệ, hướng dẫn nội dung nào có thể dạy trực tuyến…”.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên dạy hóa học tại Q.7 (TP.HCM), đánh giá: “Đây là một điều rất mới, nhân văn và phù hợp mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; tạo động lực để thầy cô chủ động xây dựng kho dữ liệu dạy học, các hình thức dạy học, kiểm tra – đánh giá trực tuyến, từng bước nâng cao kỹ thuật dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo mục tiêu và chất lượng dạy học theo hình thức này”.
Cũng theo thạc sĩ Lê Thanh, việc chuyển đổi số từ “dạy trực tiếp” sang “dạy trực tuyến” sẽ giúp học sinh phát triển năng lực công nghệ thông tin, giúp học sinh có thể chủ động và sáng tạo, nâng cao năng lực tự học, có nhiều cơ hội tiếp cận các phương pháp học tập mới.

Làm thế nào để dạy học trực tuyến hiệu quả ?

Để hình thức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả như mong đợi, cả thầy và trò phải thực sự chủ động trong hoạt động dạy và học. Cụ thể, thạc sĩ Phạm Lê Thanh đưa ra những đề xuất: “Tổ bộ môn cần rà soát lại các khâu tổ chức dạy học trực tuyến qua 2 đợt dịch Covid-19 học sinh ngừng đến trường vừa qua có đảm bảo các mục tiêu và quy định trong thông tư. Các bước lựa chọn hình thức, phần mềm tương tác trực tuyến của thầy và trò, cách thức giao nhiệm vụ học tập, nội dung bài học, phần mềm thí nghiệm mô phỏng, bài giảng đa phương tiện, hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến, các minh chứng cụ thể… có phù hợp chưa. Từ đó xây dựng và chuẩn hóa quy trình dạy học trực tuyến sao cho đồng bộ và đạt chất lượng quy mô tổ bộ môn, trường học”.
Các cơ sở giáo dục cũng cần nghiên cứu những quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng internet, luật an ninh mạng, quy định về dữ liệu, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật để có thể lựa chọn các phần mềm tương tác phù hợp, hạn chế tối đa sự tác động xấu của các hacker, đảm bảo xây dựng không gian an toàn cho các lớp học trực tuyến. Giáo viên và học sinh sẽ có những buổi tổ chức tập huấn để có thể rèn luyện thao tác tương tác trực tuyến, tham khảo các phương pháp dạy lớp học đảo ngược (flipped classroom), xây dựng bài giảng e-learning của các nước tiên tiến… để có thêm tư liệu góp phần nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến trong thời đại công nghệ số.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, việc kiểm tra thường xuyên bằng hình thức trực tuyến mang lại nhiều mặt tích cực nhưng những hạn chế cần khắc phục về cơ sở hạ tầng, đường truyền internet, học sinh phải có phương tiện như smartphone, iPad… Mặt khác, điều này cũng đòi hỏi tính trung thực ở học sinh khá cao.
Người đứng đầu các trường được quyền quyết định
Thông tư cho phép các trường sử dụng hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp trên lớp, hoặc thay thế dạy học trực tiếp bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề.
Người đứng đầu các trường được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Nguyên tắc của dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến…
BÍCH THANH
TNO