18/11/2024

Báo động sang chấn tâm lý

Báo động sang chấn tâm lý

Vài tháng trở lại đây xảy ra không ít vụ tự tử, với đa dạng độ tuổi, từ học sinh – sinh viên cho đến cán bộ, công chức.
Bệnh nhân lo âu, trầm cảm đi khám tại phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (TP.HCM) /// ẢNH: CTV
Bệnh nhân lo âu, trầm cảm đi khám tại phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (TP.HCM)  ẢNH: CTV

Những cái chết đau lòng

Vụ việc hai nữ sinh (học tại một trường THPT ở Q.3) rơi từ tầng cao của chung cư T.H (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) xuống đất tử vong hôm 21.3 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Các biểu hiện căng thẳng, lo âu, stress, rối loạn lưỡng cực thì bác sĩ chỉ giúp được một phần, chữa được phần ngọn; phần gốc vẫn là tâm lý. Điều này đặt ra sự cấp thiết của các trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp

TS Ngô Xuân Điệp

Trước khi xảy ra sự việc đau lòng này, hai nữ sinh bỏ nhà đi đâu không rõ và gia đình tìm được một số tin nhắn giữa hai em với nội dung có ý định tự tử. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, đây không phải là vụ án mạng.

Cũng trong ngày 21.3, tại Đồng Nai, một cô gái 21 tuổi nhảy cầu Hóa An tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với nội dung “cuộc sống quá mệt mỏi”, bị người khác hãm hại, nói xấu, muốn tìm một cuộc sống mới và “xin mẹ đừng đau khổ vì con”.
Mới đây nhất, tối 25.3, người thân phát hiện anh L.D.H (37 tuổi, ở P.Bình Định, TX.An Nhơn, Bình Định) chết trong tư thế treo cổ ngay tại phòng khách của gia đình. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện lá thư tuyệt mệnh với nội dung bi quan về cuộc sống do anh H. để lại. Theo người dân địa phương, anh H. sống độc thân, khép kín, có nhiều bất trắc trong chuyện tình cảm, ít tiếp xúc với hàng xóm và có biểu hiện trầm cảm.
Báo động sang chấn tâm lý

Khu vực phát hiện hai nữ sinh rơi từ tầng cao của chung cư T.H (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM)  ẢNH: TRẦN KHA

Trước đó, một buổi chiều đang trong giờ làm việc, đồng nghiệp bất ngờ phát hiện ông N.Q.D (46 tuổi, phó trưởng phòng của một sở ở tỉnh Bình Định) chết trong tư thế treo cổ tại nhà vệ sinh của cơ quan. Ông D. làm việc rất có năng lực, tính tình hiền lành, sống gần gũi với đồng nghiệp, thường xuyên tập luyện thể dục… nên việc tự tìm đến cái chết khiến nhiều người bất ngờ. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, công an phát hiện ông D. để lại thư tuyệt mệnh có nội dung: “Con rất tự hào vì được làm con của ba mẹ và có một gia đình êm ấm và hạnh phúc nhưng vì bệnh tật đau ốm, nhiều bệnh quá. Trong đó, thời gian đến, mắt sẽ bị mù, không chữa trị được nên không muốn làm gánh nặng cho vợ con và cha mẹ. Con quyết định ra đi để cho cha mẹ và vợ con đỡ khổ. Nếu có kiếp sau, con xin làm con của cha mẹ và gia đình của con”.
Cầu Hùng Vương là cây cầu mới nằm phía đông của cầu Đà Rằng, nối liền hai bờ sông Ba thuộc TP.Tuy Hòa (Phú Yên) với chiều dài 1.280 m. Cây cầu này hoàn thành, đưa vào sử dụng vào ngày 31.3.2011. Kể từ khi có cây cầu này, nhiều người trầm cảm tìm đến đây để tự “kết liễu” cuộc đời mình.
Đại úy Nguyễn Văn Nam – Hải đội trưởng Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên), đơn vị thường xuyên tham gia cứu hộ cứu nạn trên sông Ba, cho biết mấy năm trước mỗi năm có từ 2 – 3 vụ nhảy cầu Hùng Vương tự tử. Anh Nam cho hay đã từng tham gia cứu sống 2 nạn nhân nhảy cầu tự vẫn trong năm 2020. “Vào sáng 7.12.2020, Hải đội 2 đang họp thì nhận tin báo có người tự tử (nữ, 20 tuổi, ngụ TX.Đông Hòa, Phú Yên) nên lập tức dừng cuộc họp, triển khai ngay cứu hộ. Khi đến nơi, nạn nhân đã gần chìm, anh em liền nhảy xuống bế nạn nhân lên ca nô chở vào bờ, đưa đi cấp cứu”, đại úy Nam kể lại. Theo gia đình, nạn nhân đang mắc bệnh trầm cảm.
5 ngày sau, ngày 12.12.2020, một nam sinh ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đi xe đạp đến cầu Hùng Vương, bỏ lại xe và cặp sách trên cầu, rồi gieo mình xuống sông. Đại úy Nam cho hay: “Tôi đã nhảy xuống cầu cùng với người dân địa phương hỗ trợ đưa nạn nhân lên ca nô, chở vào bờ”. Ngay sau đó, Đội SOS Tuy Hòa đã chở nạn nhân tới bệnh viện (BV) cấp cứu.
Báo động sang chấn tâm lý

Một buổi tư vấn về trầm cảm tại TP.HCM  ẢNH: NỮ VƯƠNG

Đừng đợi thật nặng mới đi khám !

TS Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng. Ông cũng cho biết bản thân từng gặp những nhân vật đã từng “một chân chạm tới cái chết”. Họ gặp những vấn đề như: một môi trường xung quanh không hiểu biết, định kiến, thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng… “Vợ tôi có đồng nghiệp qua đời vì tự sát. Con tôi có bạn học qua đời vì tự sát. Đây thực sự là một vấn đề rất nóng trong xã hội. Đã tới lúc chúng ta phải quan tâm”, TS Giang chia sẻ. Theo ông Giang, những người có ý định tự tử hay có hành vi tự tử là những người đã và đang đứng trước những thống khổ tinh thần, khủng hoảng tâm lý rất lớn. Sự đau đớn về tinh thần khiến cho cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Nếu như có gì đó giảm thiểu được sự “tra tấn” này, người ta sẽ không tìm tới cái chết.

Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Theo BS Nguyễn Thị Định, nguyên Phó giám đốc BV Tâm thần Bình Định, trầm cảm xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, trong đó có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi. Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác.
H.Trọng

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích tự tử cũng như các rối loạn về tâm lý, tâm thần khác rất khó để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên nó rất liên quan và chịu ảnh hưởng từ các yếu tố hình thành trong cuộc sống, đặc biệt là quá trình hình thành phát triển từ lúc nhỏ, cách chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, hệ thống gia đình, những mối quan hệ…

“Thông thường, tỷ lệ tự tử ở nữ nhiều hơn nam. Nguyên do là cả một quá trình. Nhưng có thể nói, nguyên do chính là khi yếu tố gia đình không còn sự vững bền, cá nhân người đó không có nơi nương tựa. Rồi bỗng dưng người đó gặp một sự kiện đang diễn ra như người yêu bỏ, thi trượt, từ đó yếu tố này sẽ đóng vai trò “kích hoạt”, như giọt nước làm tràn ly, khiến họ rơi vào trạng thái không lối thoát khi quá khứ đau buồn lần lượt kéo đến, họ giảm đi khả năng chống chịu – tức giảm đi đến không còn sức đề kháng tâm lý, và từ đó thực hiện hành vi tự tử”, TS Điệp nói và cho biết thêm: “Ngoài ra, trầm cảm, rối loạn ám ảnh, stress, áp lực… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng muốn tự tử”.
Theo TS Ngô Xuân Điệp, người tự tử trước đó thường rơi vào trầm cảm với những biểu hiện: không tiếp xúc, thích ở một mình, hay buồn, nét mặt u sầu… Hoặc đôi khi bộc lộ thành các vấn đề về cơ thể như: ăn nhiều, ăn ít, rối loạn tiêu hóa, đau đầu… Tầng lớp trí thức sẽ bị trầm cảm cao hơn, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Hiện nay, cứ 4 người thì có 1 người cần được tham vấn, trị liệu tâm lý.
“Nhiều người thờ ơ với những biểu hiện của căn bệnh tâm lý, đợi đến khi thật nặng mới đi khám. Tất cả các biểu hiện căng thẳng, lo âu, stress, rối loạn lưỡng cực thì bác sĩ chỉ giúp được một phần, chữa được phần ngọn; phần gốc vẫn là tâm lý. Điều đó cho thấy tính quan trọng của các biện pháp hỗ trợ tâm lý trong việc giải quyết cái gốc của vấn đề. Điều này đặt ra sự cấp thiết của các trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp”, TS Điệp khuyến cáo.
Còn TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết mỗi năm, trung bình BV tiếp nhận từ 200 – 300 người từ 18 – 25 tuổi tự tử và đa số ở các tỉnh chuyển lên. Chưa có thống kê chính thức, nhưng nữ tự tử nhiều hơn nam. Theo TS-BS Hùng, người lớn thường tìm đến tự tử do áp lực về kinh tế, ức chế về cuộc sống, quan hệ xã hội… Trong khi đó, nguyên nhân khiến những người trẻ tự tử đa số do cái tôi quá lớn, ức chế tức thời.
(còn tiếp)
THANH NIÊN
TNO